Ngày 14/7, Bộ GD& ĐT đã công bố kết quả thi THPT quốc gia 2019 đồng thời cũng công bố phổ điểm của từng môn thi và phổ điểm của tổ hợp các môn thi có nhiều thí sinh đăng ký xét tuyển nhất.

Dựa vào phổ điểm thi THPT quốc gia, nhiều chuyên gia tuyển sinh dự báo điểm chuẩn vào nhiều trường top trên sẽ tăng hơn năm ngoái 1-3 điểm.

Theo Ths Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm tuyển sinh, Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP HCM, cho rằng các khối có nhiều thí sinh đăng ký và nhiều trường sử dụng thì phổ điểm phân hóa tốt hơn năm ngoái.

Ví dụ ở khối A00 (Toán, Lý, Hóa), nếu như mức 18 điểm có hơn 33.890 em thì đến mức 21 là 32.320, mức 22 là 25.820, mức 24 là 18.200, mức cao tầm 26 chỉ còn trên 2.880 và điểm 27 là 1.115 thí sinh.

Tương tự khối A01 (Toán, Lý, Anh), mức 26 điểm có 3.710, mức 28 có 420 em. Khối các trường y dược hay xét là B00 (Toán, Hóa, Sinh) thì mức 25 điểm là 2.500, mức 26 là 1.410, mức 27 là 713 em. 

"Phổ điểm phân hóa tốt giúp các trường chọn được thí sinh mà không cần dùng tiêu chí phụ. Số điểm cao nhiều đảm bảo nguồn tuyển", ông Sơn phân tích.

Từ phổ điểm năm nay cộng với việc các trường đại học có nhiều phương án tuyển sinh, chỉ tiêu xét từ điểm thi THPT quốc gia giảm, ông Sơn dự đoán điểm chuẩn vào các trường và ngành top trên sẽ tăng hơn năm ngoái 1-3 điểm.

leftcenterrightdel
Điểm chuẩn nhiều trường đại học có khả năng tăng từ 1-3 điểm 

Phân tích cụ thể, Ths Phùng Quán, Trường ĐH Khoa học tự nhiên, Đh Quốc gia TP.HCM, cho biết dựa vào phổ điểm thi THPT quốc gia 2019 và trên cơ sở số liệu nguyện vọng đăng ký cụ thể ở trường này, điểm chuẩn các nhóm ngành vào trường dự đoán tăng theo những mức khác nhau, tùy theo nhóm ngành.

Cụ thể nhóm ngành IV (công nghệ sinh học và công nghệ sinh học - chất lượng cao) tăng từ 1-2,5 điểm; khoa học vật liệu, địa chất học và hải dương học có thể không tăng hoặc tăng khoảng 0,5-1 điểm; hóa học tăng 2 điểm; sinh học, khoa học môi trường, vật lý học tăng 1-1,5 điểm; nhóm ngành V: nhóm ngành máy tính và công nghệ thông tin, công nghệ thông tin - chất lượng cao - chương trình tiên tiến, công nghệ kỹ thuật hóa học tăng 1,5-2,5 điểm; kỹ thuật điện tử viễn thông tăng 1,5 điểm; kỹ thuật điện tử viễn thông - chất lượng cao, công nghệ kỹ thuật môi trường, kỹ thuật hạt nhân, toán học tăng từ 1-1,5 điểm.

Trong khi đó, Ông Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM dự đoán, với phổ điểm như năm nay, điểm sàn nhận hồ sơ vào trường các ngành hệ đại trà ở trường sẽ ở mức 18; các ngành chất lượng cao ở mức 17 điểm. Điểm chuẩn các ngành thường của trường sẽ tăng 0,5-0,75 điểm, ngành "hot" tăng 1-1,5 điểm. 

"Do phổ điểm dịch sang phải nên điểm chuẩn các trường top dưới nhiều khả năng sẽ tăng mạnh. Theo nhận định, đề thi môn tiếng Anh năm nay khó hơn đề môn hóa. Tôi khuyên các em nếu điểm môn hóa cao hơn tiếng Anh thì nên điều chỉnh nguyện vọng chuyển từ A01 sang A00 để tăng cơ hội trúng tuyển vì đa số các trường không phân biệt giữa các khối trong xét tuyển" - ông Dũng nói.

Còn PGS.TS Bùi Hoài Thắng - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) dự đoán, các ngành xã hội có nhu cầu cao (khoa học máy tính, nhóm ngành điện - điện tử, cơ khí - cơ điện tử, hóa - sinh - công nghệ thực phẩm, quản lý công nghiệp, hệ thống công nghiệp - logistics, kỹ thuật ôtô...) điểm chuẩn có thể cao hơn năm ngoái từ 1,5 điểm.

PGS.TS Nguyễn Phong Điền - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Bách khoa Hà Nội - nhận định: "Năm 2018, mức điểm chuẩn của trường dao động từ 20-25,35 điểm, nhưng năm nay có thể mức chênh lệch điểm chuẩn giữa các ngành thu hẹp lại. Điểm chuẩn các ngành sẽ tăng. Ngay cả những ngành "hot" như tự động hóa, công nghệ thông tin, dù điểm chuẩn năm ngoái cao, nhưng năm nay chắc chắn cũng không thể thấp hơn".

PGS.TS Bùi Đức Triệu - trưởng phòng quản lý đào tạo Trường ĐH Kinh tế quốc dân - cho biết căn cứ vào số lượng nguyện vọng đã đăng ký vào trường, phổ điểm và xu thế điểm chuẩn các năm trước, dự kiến một số ngành "hot" của trường sẽ tăng điểm trúng tuyển so với năm ngoái như kinh tế quốc tế, kinh doanh quốc tế, marketing, quản trị kinh doanh, kế toán, tài chính - ngân hàng... 

Ở góc độ khác, PGS Đỗ Văn Xê (Hiệu trưởng Đại học Hùng Vương, TP HCM), cho rằng phân tích phổ điểm không nói lên được điều gì về điểm chuẩn đại học. Bởi phổ điểm là đang nói về mức điểm chung của một quần thể, trong khi xét tuyển đại học là dựa vào điểm của từng cá nhân và nhu cầu của từng trường.

"Không nói về điểm chuẩn, nhưng mặt bằng chung điểm các môn tốt hơn so với năm ngoái từ 0,25 đến 0,5 điểm", ông Xê nói.

Tuệ Anh(T/h)