Mang mác “du học sinh”, rất nhiều phụ huynh ảo tưởng rằng con đường sự nghiệp “sáng sủa” với mức lương cao ngất ngưởng của con mình ngày trở về. Thực tế có phải như vậy không, chỉ có người trong cuộc mới biết rõ.


Ở lại cũng khó mà… về cũng không xong

Không phải ai cũng may mắn có được việc làm như ý, đúng ngành sau thời gian học tập tại nước ngoài. Đó là chưa kể việc khó khăn khi phải bám trụ nơi đất khách quê người cùng với sự canh tranh việc làm khốc liệt với người bản xứ. Nếu không phải là sinh viên với học lực tốt, nổi trội thì vấn đề tìm việc ở nước ngoài không hề dễ chút nào đối với các lưu học sinh. Về nước, rất nhiều bạn không thuộc diện gia đình “nhà mặt phố, bố làm to” để có sẵn “chỗ tốt”, lương cao… đang phải đối mặt với áp lực: Kiếm việc sao cho xứng tầm.

Đang có công việc ổn định bên Singapore, hết hạn visa không gia hạn thêm được, anh Nguyễn Hải Bình (ngụ đường Cô Bắc, Q.1, TP.HCM) quay về Việt Nam sau 7 năm trời du học với tấm bằng thiết kế trong tay. Buồn vì phải chia tay công việc với thu nhập hơn 2.000 SGD/ tháng và buồn hơn là anh phải làm lại từ đầu trong môi trường công việc ở quê nhà. Anh Bình tâm sự, thời gian mới về phải gửi hồ sơ xin việc ở nhiều nơi, đi phỏng vấn là việc làm thường xuyên lúc ấy. Vì học về kỹ thuật nên việc làm không thiếu, nhưng sở dĩ phải đi phỏng vấn nhiều vì không thỏa thuận được mức lương như mong muốn. Mỗi lần đi phỏng vấn về là thêm buồn, thất vọng bởi mức lương nhà tuyển dụng đưa ra quá khác xa so với kỳ vọng.

Để con có thể du học nước ngoài, gia đình anh Bình đã vay ngân hàng. Những tưởng có thể yên ổn làm việc tại Singapore thì chỉ vài năm là trả được hết nợ ngân hàng cũng như tiền nợ học phí, ai ngờ mọi chuyện không như dự tính, lâm vào cảnh tiến thoái lưỡng nan. Cuối cùng, anh đành chấp nhận mức lương khởi điểm 10 triệu/tháng (thời điểm năm 2012), tích cóp từ từ lo trả nợ.

Tương tự, anh Hoàng Anh Tuấn (ngụ đường Trường Sa, Q.Bình Thạnh, TP.HCM) du học Úc 5 năm với ngành tài chính cũng thừa nhận, tìm việc là một giai đoạn quá khó khăn không chỉ ở nước ngoài mà ngay tại Việt Nam. “Tôi đã cố gắng bám trụ lại Úc khi đáp ứng đủ các yêu cầu như điểm số IELTS, thời gian cư trú… nhưng công việc mà tôi kiếm được lúc ấy là hái cà chua cho một công ty trồng, sản xuất cà chua trong lồng kính” - anh Tuấn tâm sự.

Được biết, Nhà nước Úc chỉ ưu tiên công việc đúng chuyên môn cho những người thường trú hơn là người nước ngoài hay du học sinh. Vì thế, dù mức lương khá cao nhưng với công việc chân tay là chính chứ không phải làm việc theo chuyên môn như ao ước đã khiến anh Tuấn quyết định sớm trở về nước. Hăm hở cùng kiến thức đã học được, anh Tuấnnộp đơn vào các công ty tài chính, bảo hiểm… nhưng kết quả đều không trúng tuyển. Về Việt Nam hơn 2 năm, sau một thời gian ngắn đi bán bảo hiểm cho Công ty Bảo hiểm Pr., anh xin được vào làm ở Ngân hàng Đ.D với mức lương… 5 triệu đồng như lính mới ra trường. “Với mức lương ấy, tôi vẫn ăn bám bố mẹ chứ làm sao có thể chi tiêu cho cuộc sống?” - anh Tuấn cười buồn.

Cũng với suy nghĩ tìm kiếm tương lai sáng lạn thông qua con đường du học, nhưng với ngành học là thương mại quốc tế, từ Trung Quốc trở về sau 6 năm, bạn Hằng Nga (ngụ đường CMT8, Q.10, TP.HCM) không thể tìm được việc làm phù hợp, khó khăn lắm mới có được chân… trợ lý với mức lương 7 triệu đồng.

Gồng gánh với cái mác “du học sinh”

Trầy trật kiếm việc là thế, có chỗ làm rồi mọi chuyện cũng không dễ thở hơn. Mang danh du học sinh, trong công việc các bạn luôn phải cố gắng để thể hiện và chứng tỏ năng lực. Việc phải chịu áp lực và bị “soi” bởi các đồng nghiệp là chuyện thường xảy ra trong thời gian đầu của công việc mới.

Học tập tại nước ngoài, du học sinh quen với môi trường làm việc quy củ trong nền kinh tế đã phát triển, do đó khi quay trở lại môi trường làm việc ở trong nước, nhiều người không khỏi “sốc” và cảm thấy khó khăn để hòa nhập. Như trường hợp của anh Tuấn, lúc phỏng vấn thì người tuyển dụng đòi hỏi cao, phỏng vấn kỹ, ép lương thấp, lúc đi làm thì lại khó hòa nhập với môi trường công việc và bị mọi người “quan tâm” quá mức.

Trong suy nghĩ của mọi người, đi du học về phải làm lương cao, công việc tốt. Vô hình trung, áp lực từ sự kỳ vọng cũng khiến các du học sinh mệt mỏi. Anh Bình chia sẻ: “Những lúc gặp người quen, bạn bè, ai cũng hỏi lương mấy ngàn, phen này “ngon” rồi nhé… nghe xong chỉ biết cười cay đắng”.

Tìm việc khó khăn là vậy nhưng không ít phụ huynh vẫn muốn cho con du học khi có điều kiện hoặc thậm chí, nếu cần vẫn vay mượn để “đẩy” con đi cho bằng được. Chị Sương - một phụ huynh có con đi du học cho biết: “Nói chung, cho con đi du học là đầu tư cho con, nhưng quan trọng hơn là chúng tôi muốn con cái mình được hưởng nền giáo dục tiên tiến, hiện đại, cải thiện trình độ tiếng Anh. Tôi cũng không quan trọng lắm sau này con làm được gì, ở đâu, lương cao không, cái mình muốn là kiến thức, tư duy mà nó có được sau quá trình đi du học”.

Theo anh Bình, thật sự việc học ở nước ngoài rất khó khăn, không tính những bạn ham chơi, đi học cho có phong trào sẽ thường là những bạn không ra trường được, bởi cánh cửa du học luôn mở rộng, đầu vào rất dễ mà đầu ra thì rất khó. Các bạn phải cật lực học tiếng Anh vì nếu không sẽ không hiểu bài, tự học hỏi, đầu tư công sức là rất lớn. Việc đòi lương cao không phải họ tự cho mình đặc quyền đó mà vì các bạn đã trải qua và hiểu được giá trị của việc học hành khó khăn, nỗ lực như thế nào.

Nhà tuyển dụng nói gì?

Du học sinh thường nghĩ rằng với những kiến thức và kinh nghiệm học được trong sách vở là quan trọng nhất, được sử dụng nhiều nhất trong công việc. Nhưng thực tế không phải vậy. Nhà tuyển dụng không thật sự quan tâm lắm đến việc ứng viên học từ đâu ra, họ quan tâm đến kĩ năng tư duy độc lập, sự cầu tiến, tự tin cũng như cách ứng xử.

Chị Đinh Kim Nhung - Giám đốc nhân sự cấp cao của nhiều công ty, tập đoàn lớn như Prudential, Kusto… và hiện đang làm giám đốc nhân sự cao cấp của Tập đoàn Masan chia sẻ: “Mong muốn hàng đầu của nhà tuyển dụng là tìm được ứng viên phù hợp cho vị trí dự tuyển như năng lực chuyên môn, kỹ năng, sự đồng điệu về văn hóa… có tiềm năng học hỏi và phát triển trong tương lai. Các yêu cầu này phần lớn phụ thuộc vào vị trí cụ thể doanh nghiệp đang cần tuyển cũng như kế hoạch phát triển nhân lực trong tương lai. Nói chung, có một số yêu cầu thông thường như thái độ cầu thị, khả năng làm việc theo nhóm, khả năng giao tiếp hiệu quả, khả năng học hỏi và khả năng chuyển hóa những điều đã học hỏi thành những việc cụ thể phục vụ hoạt động của doanh nghiệp, khả năng lên kế hoạch, kỹ năng giải quyết vấn đề”.

Với kinh nghiệm trong ngành nhân sự, lời khuyên dành cho các bạn du học sinh từ nhà tuyển dụng này là: “Các ứng viên du học có lợi thế về nền tảng giáo dục, khả năng tự lực, ngoại ngữ, tự tin và khả năng giao tiếp. Tuy nhiên cũng sẽ có những điểm các bạn nên chú ý hơn như: đôi khi vẫn còn thiếu thực tiễn, hơi quá mơ mộng và nôn nóng cho những chuyện quá cao siêu mà quên mất những việc dù nhỏ nhưng lại quan trọng trong việc xây dựng nền tảng. Các bạn cũng cần vượt qua tâm lý “có bằng cấp tốt, bằng cấp quốc tế nên cần được ưu tiên hơn”. Dù tốt nghiệp ở Việt Nam hay nước ngoài, nếu ứng viên thể hiện được những tố chất mà nhà tuyển dụng mong chờ thì chắc chắn ứng viên sẽ có nhiều cơ hội hơn”.

Về vấn đề lương, chị Hà Nga - Quản lý nhân sự công ty đa quốc gia Puma cho rằng, không có sự ưu tiên dành cho các ứng viên là du học sinh, thông thường sẽ trả theo mặt bằng lương thị trường. Sau khi tuyển, nếu nhân viên nào thể hiện năng lực tốt sẽ xem xét tăng lương thỏa đáng.

Ý kiến của chị Kim Nhung cũng thay cho lời kết, hệ thống giáo dục của chúng ta hiện nay vẫn chưa thực sự đi liền với nhu cầu nhân lực của doanh nghiệp. Doanh nghiệp vẫn phải dành nhiều đào tạo và đào tạo lại. Do đó, dù là du học sinh hay sinh viên học tại Việt Nam, nếu không trang bị thêm cho mình các kỹ năng cần thiết để làm việc sau này thì rất khó tìm được việc làm sau khi tốt nghiệp.


Theo Đời sống & Tiêu dùng

.