(BVPL) - Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể (GDPTTT) nhận được sự quan tâm rất lớn của xã hội. Hạn chế của các lần thay đổi chương trình trước là cách làm cắt khúc, làm từng cấp học tách rời, lần này cần thiết phải xây dựng chương trình GDPTTT xuyên suốt, liên thông, liền mạch cả 3 cấp học như kinh nghiệm của nhiều nước đã và đang làm. Đã qua nhiều lần hội thảo, nhiều nội dung đã được thảo luận cân nhắc khá kỹ. Tuy nhiên, do cách tiếp cận mới với những định hướng và yêu cầu mới nên chương trình vẫn tiếp tục được đưa ra xin ý kiến của các chuyên gia, các nhà giáo dục và dư luận.
Khi quan điểm giáo dục thay đổi, tức là chuyển từ trang bị kiến thức sang phát triển năng lực học sinh thì phải thay đổi việc đánh giá học sinh. Đánh giá phải là cả trong quá trình giáo dục, quay trở lại tác động đến quá trình dạy và học. Dự thảo cũng xác định dạy tích hợp có thể làm giảm quá tải, không phải kiểu dạy trang bị kiến thức vì vậy tích hợp giúp để lồng ghép, hình thành năng lực học sinh. Việc phân hóa ở các lớp trên có thể giúp các em phát huy năng lực, sở trường của các em, cá nhân hóa hoạt động giáo dục, thay vì bản sao hàng loạt.
Theo TS Phạm Thị Ly, quan niệm nếu không có đánh giá, học sinh không chịu học”cũng phải thay đổi. Xu hướng hiện nay là đánh giá nhằm phục vụ cho quá trình giáo dục, cung cấp thông tin phản hồi cho thầy và trò để điều chỉnh quá trình dạy và học. Vì vậy thay cho việc kiểm tra kiến thức và khả năng ghi nhớ hiện nay, chương trình mới sẽ đánh giá mức độ đạt được những năng lực liên quan của học sinh, ghi nhận quá trình phát triển những năng lực ấy để tiếp tục cải thiện nó. Cách thi cử do đó cũng phải khác. Bài thi phải được thiết kế cho người học thực thi năng lực mà họ đã đạt được thay cho việc nhắc lại những gì đã được học. Việc kết hợp giữa tích hợp ở các lớp dưới và phân hóa ở các lớp trên được cho là phù hợp với xu hướng quốc tế, nhằm nhấn mạnh khả năng lựa chọn và trao quyền lựa chọn cho học sinh gắn với những nỗ lực hướng nghiệp.
Chuẩn hóa mọi mặt của giáo viên
Về mặt phương pháp, chương trình mới coi trọng trải nghiệm của học sinh, thay cho lối tiếp thu “thầy đọc - trò chép”. Người thầy không còn là một “diễn viên” truyền giảng kiến thức mà là người tổ chức các hoạt động để học sinh tự tìm kiếm tri thức và đạt đến hiểu biết thông qua trải nghiệm cá nhân của chính họ.
Tuy nhiên, điều dư luận lo ngại là đội ngũ giáo viên phổ thông hiện nay được đào tạo để dạy theo chương trình cũ (hiện tại), họ sẽ xoay xở như thế nào với chương trình mới? Bộ Giáo dục và Đào tạo nhận định đội ngũ giáo viên phổ thông gần 100% đạt chuẩn và trên chuẩn đào tạo, “chuẩn” ở đây chỉ có nghĩa là bằng cấp. Chúng ta chưa có bất cứ nghiên cứu nào được thực hiện một cách độc lập, có hệ thống, và dựa trên những phương pháp đáng tin cậy để đánh giá mức độ hài lòng của phụ huynh đối với chất lượng giáo dục ở phổ thông hiện nay, trong đó có chất lượng người thầy. Tương tác giữa thầy và trò ở bậc học phổ thông vô cùng quan trọng. Thành công của chương trình GDPT mới phụ thuộc rất nhiều vào chất lượng của đội ngũ nhà giáo.
Bên cạnh việc đào tạo và tái huấn luyện đội ngũ giáo viên, quan trọng hơn nữa là động lực làm việc của người thầy, đó chính là thu nhập.Việc thực hiện chương trình GDPT mới không thể tách rời bài toán tài chính giáo dục. Trường phổ thông cũng phải đổi mới căn bản, quan trọng nhất là đổi mới cơ chế quản lý theo hướng dân chủ hoá, xã hội hoá; nhà trường được tự chủ, được giám sát và chịu trách nhiệm giải trình.
Phải bảo đảm đời sống cho giáo viên để họ toàn tâm toàn ý cho việc giảng dạy. Phải có chế độ đãi ngộ và tạo động lực làm việc cho giáo viên. Cùng với đó, nếu không có đủ tài chính thì cũng khó đổi mới hiệu quả. Cơ sở vật chất của trường công phải được bảo đảm; trường bán công, tư thục phải bảo đảm thu đủ chi để thực hiện các hoạt động giáo dục. Về phương diện tổ chức nhà trường, cần tăng cường được tiếng nói của các bên liên quan, trong đó có tiếng nói của hội phụ huynh. Làm sao để hội phụ huynh tham gia giám sát hoạt động của nhà trường thay chỉ vì làm công việc thu quỹ của phụ huynh. Đây được xem là vấn đề được nhiều người quan tâm.
Cùng với đó Nhà báo Nguyễn Huy Cường, người có 18 năm nghiên cứu về lĩnh vực giáo dục cũng góp ý, lẽ ra giáo dục phải là nơi tiên phong của sự sáng tạo. Nhưng giáo dục hiện đang là nơi tụt hậu nhất so với sự chuyển động của khoa học công nghệ, công nghệ thông tin...Học sinh phổ thông là đối tượng dễ bị tác động về tâm lý. Các em có thể thích công nghệ, Internet hơn việc học, vì thế cần có sự định hướng cho các em. Giáo dục chúng ta hiện nay 90% là nói-nghe, rất thủ công, đó là điều phải thay đổi trong thời đại các công cụ sáng tạo đã ngập tràn thì chúng ta phải thay đổi. “Cần áp dụng triệt để khoa học sáng tạo trong lần đổi mới GDPT lần này. Đơn cử hoàn toàn có thể thay 150 phút của 4 tiết học về phân khúc lịch sử chống quân Nguyên Mông bằng clip 20 phút mô phỏng sinh động, cô đọng thì hiệu quả, hấp dẫn hơn rất nhiều. Hay chúng ta hoàn toàn có thể khắc phục tình trạng dạy, học ngoại ngữ chay hiện nay nếu lồng ghép vào việc dạy các môn Sử, Địa, Giáo dục công dân. Hãy áp dụng triệt để công nghệ thông tin để đổi mới giáo dục”, ông Cường nói.
PGS.TS. Đỗ Ngọc Thống – bộ phận Thường trực Đổi mới chương trình – Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng, mặc dù đã qua nhiều lần hội thảo, nhiều nội dung đã được thảo luận cân nhắc khá kỹ. Tuy nhiên do cách tiếp cận mới, với những định hướng và yêu cầu mới nên chương trình vẫn tiếp tục được đưa ra xin ý kiến của các chuyên gia, các nhà giáo dục và dư luận. Dự kiến, sang năm 2016 chương trình mới được ban hành.
Minh Triết