Chỉ còn 2 ngày nữa, đợt xét tuyển nguyện vọng bổ sung (NVBS) đại học sẽ kết thúc. Tuy nhiên, do nguồn tuyển gần như đã cạn nên nhiều ngành sẽ phải lấy điểm chuẩn NVBS thấp hơn nguyện vọng 1, điều này có tạo ra sự bất công với những thí sinh điểm cao nhưng không trúng tuyển ở đợt 1?

 

 Nguồn tuyển cạn kiệt là nguyên do dẫn đến lượng hồ sơ nộp vào các trường tại TPHCM ngày càng ít.
Nguồn tuyển cạn kiệt là nguyên do dẫn đến lượng hồ sơ nộp vào các trường tại TPHCM ngày càng ít.


“Trở đi mắc núi, trở lại mắc sông”

Tại TPHCM, theo thông báo xét tuyển NVBS, nhiều trường có mức điểm nhận hồ sơ thấp hơn điểm chuẩn nguyện vọng 1 từ 3- 5 điểm. Dù biết đây chỉ là mức điểm nhận hồ sơ còn điểm chuẩn sẽ lấy từ trên xuống. Tuy nhiên, dựa trên thực tế hồ sơ nộp vào các trường hiện tại thì không ít ngành sẽ có điểm chuẩn NVBS thấp hơn điểm chuẩn nguyện vọng 1. Đây cũng chính là nguyên nhân dẫn đến không ít thí sinh dù đã trúng tuyển nhưng vẫn đến trường nằng nặc đòi rút hồ sơ để nộp sang trường khác.

Ông Phạm Thái Sơn, Phó phòng đào tạo trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TPHCM cho biết, tính đến nay trường có khoảng vài chục em đến đòi rút hồ sơ, có em còn kéo cả gia đình lên trường khóc lóc nhưng trường cũng đành chịu.

Trường Đại học Mở TPHCM nhiều ngày qua không ít thí sinh đến đòi rút hồ sơ để qua nộp các trường khối công an, quân đội do  các trường này giảm điểm nhận hồ sơ, xét tuyển NVBS. Ông Nguyễn Minh Hà, Trưởng phòng Đào tạo trường cho biết, mới hôm qua (29/8) có thí sinh cùng bố đến trường năn nỉ xin rút hồ sơ.

“Nguyên do là em này nộp hồ sơ 2 trường gồm Đại học Mở và một trường thuộc khối quân đội. Sau khi trường Đại học Mở công bố điểm chuẩn, thí sinh này trúng tuyển nhưng phía các trường quân đội vẫn chưa công bố trong khi thí sinh chỉ có 5 ngày để xác nhận nhập học, nếu không sẽ bị xóa tên. Do nôn nóng, thí sinh đã nộp phiếu chứng nhận kết quả vào trường Đại học Mở và ít ngày sau thì em biết tin trúng tuyển vào trường quân đội nhưng đã không còn cơ hội để xác nhận nhập học”, ông Hà kể.

“Đây là những trường hợp hết sức đáng tiếc, rất bất công với các em bởi các trường không công bố đồng loạt, khiến các em phải lựa chọn trong một thời gian quá ngắn. Nếu các trường công bố đồng đều thì đã không có tình cảnh éo le trên”, ông Hà nói.

Trong khi đó, ở đợt này, trường Đại học Sư phạm TPHCM tuyển hơn 1.200 chỉ tiêu NVBS, điểm nhận hồ sơ thấp hơn điểm chuẩn đợt 1 từ 3 - 5 điểm tùy ngành. Bà Dương Thị Hồng Hiếu, Trưởng phòng Đào tạo nhà trường, cho biết thí sinh vẫn đang còn nộp hồ sơ nên trường chưa thể dự đoán được gì bởi điểm chuẩn NVBS cũng có thể bằng, cao hoặc thấp hơn điểm chuẩn nguyện vọng 1.

“Việc tuyển NVBS như thế này đã gây thiệt thòi cho nhiều thí sinh. Nguyên do là đợt tuyển sinh năm nay khó lường, tỷ lệ ảo cao, không chỉ trường Đại học Sư phạm mà nhiều trường cũng đã đưa ra mức điểm chuẩn có phần khá cao nên nhiều thí sinh rớt, dẫn đến thiếu chỉ tiêu”, bà Hiếu nói.

Sáng 29/8, trao đổi với Tiền Phong, ông Nguyễn Phong Điền, Trưởng phòng Đào tạo ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết, những ngày qua, trường phải tiếp đến hơn 50 trường hợp đến xin rút hồ sơ. “Có phụ huynh lặn lội từ trong Thanh Hóa ra để xin rút hồ sơ cho con. Khi nghe trường giải thích, vị phụ huynh này còn giãy nẩy lên yêu cầu nhà trường cho phép rút ra được thì cũng phải cho nộp vào được” - ông Điền cho hay.

Sở dĩ những ngày vừa qua, một số trường top trên có lượng thí sinh đến rút hồ sơ là do 18 trường quân đội công bố tuyển bổ sung trên 1.000 chỉ tiêu vào hệ quân sự, hạ mức điểm nhận hồ sơ. Tuy nhiên, theo nhận định của các trường ĐH, tình trạng xin rút hồ sơ chắc chắn sẽ còn có những đợt nữa. Theo thông báo của các trường khối công an, dự kiến 20-25/9, các trường Cao đẳng Công an nhân dân công bố điểm chuẩn, các trường Trung cấp công bố trong khoảng nửa đầu tháng 10. “Do đó, rất có thể sẽ có thêm các đợt thí sinh “đòi” rút hồ sơ tại các trường ĐH” – một chuyên gia tuyển sinh tại một trường ĐH của Hà Nội nhận định.

Bộ GD&ĐT kiên quyết không mở dữ liệu

Trao đổi với Tiền Phong, ông Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng, Bộ GD&ĐT cho rằng với những thí sinh đã trúng tuyển đợt 1 xét tuyển, nếu rút hồ sơ, Bộ không mở dữ liệu cho những thí sinh này. Do đó, không một thí sinh nào có thể rút lại hồ sơ để nhập học chỗ khác.

“Thí sinh đã biết luật chơi (quy chế thi), đã chấp nhận cuộc chơi, giờ thí sinh đòi rút ra là vi phạm, cố tình ăn gian” - ông Nghĩa khẳng định. Hơn nữa, theo ông Nghĩa, việc cho phép thí sinh được thay đổi nguyện vọng khi đã trúng tuyển sẽ dẫn đến tình trạng làm xáo trộn toàn hệ thống. “Như thế sẽ giống tình trạng năm 2015, thí sinh đổ xô đến rút rồi đổ xô đi nộp. Làm quản lý nhà nước, chúng tôi không thể để tình trạng đó xảy ra” - ông Nghĩa cho biết thêm.

Trong khi đó, để tạo điều kiện cho các trường ĐH tuyển sinh vì quy chế năm nay thí sinh được nộp hai trường nên có tình trạng ảo, Bộ GD&ĐT cho phép các trường tuyển bổ sung đợt sau điểm chuẩn có thể thấp hơn đợt trước.  Chính vì vậy, nhiều thí sinh sau khi nhận thông báo của các trường hạ điểm nhận hồ sơ xét tuyển bổ sung đã “tiếc” nên muốn đổi nguyện vọng.

Tuy nhiên, thí sinh đang nhầm lẫn giữa điểm xét tuyển và điểm trúng tuyển. Trong đợt xét tuyển bổ sung, nhiều trường hạ điểm xét tuyển nhưng chưa chắc điểm trúng tuyển đã thấp hơn đợt đầu. Ông Nguyễn Phong Điền cho biết, ĐH Bách khoa Hà Nội xác định để đảm bảo chất lượng đào tạo, điểm trúng tuyển nguyện vọng bổ sung vào trường chỉ bằng hoặc cao hơn điểm chuẩn đợt 1.

 

Theo Tiền phong

.