Đi tìm mô hình Đại học phi lợi nhuận tại Việt Nam
Cập nhật lúc 23:29, Chủ nhật, 08/06/2014 (GMT+7)
"Mô hình Đại học phi lợi nhuận tại Việt Nam" là đề tài do TS. Đỗ Bá Khang, Trưởng khoa Kinh tế - Thương mại trường Đại học Hoa Sen nghiên cứu và trình bày trong một cuộc hội thảo vừa diễn ra ngày 7.6.2014 tại TPHCM. (Đại học Hoa Sen, đại học, phi lợi nhuận)
(BVPL) - “Mô hình Đại học phi lợi nhuận tại Việt Nam” là đề tài do TS. Đỗ Bá Khang, Trưởng khoa Kinh tế - Thương mại trường Đại học Hoa Sen nghiên cứu và trình bày trong một cuộc hội thảo vừa diễn ra ngày 7.6.2014 tại TP.HCM.
TS. Khang nói, những khảo cứu của ông dựa theo mô hình chung của giáo dục thế giới, phân định giữa hai khái niệm, mô hình của một Đại học tư thục “phi lợi nhuận – non-profit” hay cũng gọi là “không vì mục tiêu lợi nhuận – not for profit” và “vì mục tiêu lợi nhuận – for profit” đang tồn tại trên thế giới.
Trong đó, dẫn chứng được nhiều người quan tâm là thống kê của tổ chức Harkin trên các trường Đại học Mỹ năm 2012 cho thấy: có trường Đại học vì lợi nhuận đã chi đến 23% doanh số cho việc quảng bá tiếp thị; nổi bật là 30 trường hàng đầu vì lợi nhuận có trung bình một nhân viên tuyển sinh để thu hút 48 sinh viên tham gia học tập. Trong khi đó, các trường này chỉ chi 17,7% cho công tác đào tạo. Điều này nói lên mức độ chi tiêu ngoài mục đích giáo dục đào tạo của các trường vì lợi nhuận là rất lớn, vì thế đã dẫn đến hệ quả là 98% sinh viên theo học các trường này phải vay tiền để đóng học phí trong khi tỷ lệ vay học phí ở các trường không vì mục tiêu lợi nhuận chỉ là 57%. Và hệ quả của việc “lợi nhuận” hay “không lợi nhuận” là chỉ số bỏ học sau 1,5 năm đầu ở các trường vì lợi nhuận lên đến 54%, cao hơn nhiều so với bình quân của chỉ số này.
Ông cho biết, nghiên cứu về mô hình “Đại học phi lợi nhuận” tại Đại học Hoa Sen được thực hiện từ đầu năm học 2013 – 2014 nhằm định vị và lựa chọn mô hình quản trị trường Đại học phi lợi nhuận, xây dựng kế hoạch hành động phù hợp với sứ mệnh, tầm nhìn và mục tiêu chiến lược phát triển của nhà trường giai đoạn 2015-2020. Điểm nhấn của nghiên cứu này nằm ở việc cân bằng giữa lợi ích của xã hội, quyền lợi của nhà trường, sinh viên và các cổ đông góp vốn trong hoàn cảnh thực tế của Việt Nam.
Phát biểu bên lề buổi hội thảo, nhiều phụ huynh, sinh viên than rằng ở một số quốc gia, Chính phủ đã áp dụng những biện pháp hỗ trợ các trường bằng cách miễn thuế tất cả tiền đầu tư, tài trợ cho giáo dục phi lợi nhuận. Trong khi ở nước ta các trường tư thục vẫn phải đóng đến 25% thuế như các doanh nghiệp. Thực tế này đang đè nặng trên vấn đề học phí của sinh viên…
Được biết, không chỉ trường Đại học Hoa Sen mà nhiều trường khác đều có nguyện vọng mong muốn Chính phủ có thêm nhiều chính sách hỗ trợ và khuyến khích đầu tư cho giáo dục, đặc biệt là tạo môi trường thuận lợi cho mô hình Đại học phi lợi nhuận tại Việt Nam.
Xuân Trinh
.