Nhiều chính sách đã làm hệ thống trường ĐH ngoài công lập có nguy cơ sụp đổ, còn nguy hại hơn nữa là làm cho hệ thống các trường ĐH công không có tiền đề để phát triển, lôi kéo toàn bộ hệ thống giáo dục đại học không bao giờ khởi động được.
 


Điểm sàn: Chặn đứng nguồn tuyển sinh các trường NCL

Nhận diện “cái chết” của ĐH NCL Việt Nam là không thể tránh khỏi, Tiến sĩ Ngô Tự Lập - ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết: “Trong các khó khăn của ĐH NCL, theo tôi khó khăn lớn nhất là tuyển sinh. Doanh nghiệp không thể tồn tại nếu không có khách hàng. Cũng vậy, trường ĐH không thể tồn tại nếu thiếu sinh viên. Khi cho phép mở trường tư, có nghĩa là nhà nước đã chấp nhận thương mại hóa giáo dục. Nhưng đồng thời bằng kỳ thi đại học và quy định về điểm sàn, đã chặn đứng nguồn tuyển sinh của các trường NCL. Không có sinh viên là không thu được học phí, không có nguồn thu. Không có nguồn thu, không có trường tư nào có thể tồn tại, chưa nói đến đầu tư cho phát triển và nâng cao chất lượng. Như thế, cái chết của ĐH NCL Việt Nam là không thể tránh khỏi”.

TS Lập khẳng định: “Kỳ thi đại học đại trà kết hợp với quy định điểm sàn như đang được áp dụng hiện nay, theo tôi, có tác động rất tiêu cực, thậm chí có thể nói là phản tiến bộ. Các cá nhân, sau khi đóng thuế cần được khuyến khích đầu tư cho giáo dục con cái họ, cho dù con cái họ có thể không thuộc nhóm người có tư chất xuất sắc để được hưởng ưu tiên xã hội. Nỗ lực học tập của bất kỳ ai cũng chỉ là điều tốt lành cho xã hội. Hơn nữa, học tập bằng tiền của mình, đó là quyền chính đáng của mọi người dân. Thế nhưng các kỳ thi đại học đã loại bỏ quyền đó của rất nhiều người, cũng tức là kìm hãm sự nâng cao dân trí”.

TS Lập cho rằng, những quy định trên, học sinh trượt đại học không thể vào học các trường ĐH của Việt Nam, cho dù có muốn trả tiền để theo học. Người ta buộc phải nộp số tiền hàng chục ngàn đô la đó cho các trường nước ngoài nơi người ta không yêu cầu thi đại học. Nghịch lý ở chỗ, các trường ĐH Việt Nam đang nghèo, đang cần đầu tư để cải thiện cơ sở vật chất, thu hút thầy giỏi, nhưng lại không được nhận số tiền học phí rất cao đó. Rõ ràng chính sách của chúng ta buộc người dân phải dành tiền để làm giàu cho các trường ĐH nước ngoài.

GS Đặng Ứng Vận, Hiệu trưởng ĐH Hòa Bình phân tích: Nhà nước kiểm soát đầu vào thông qua điểm sàn dẫn đến một thực tế là các trường công, các trường trọng điểm vẫn có quyền lấy tới điểm sàn và như vậy đồng nghĩa với việc chiếm hết thị phần của các trường tư, đặc biệt là các trường mới được thành lập. GS Vận đặt câu hỏi: Tại sao không đặt các trường công và trường trọng điểm vào một thách thức tương tự như trường tư? Chính sự mở rộng quá nhanh hệ thống các trường ĐH trong đó có các trường tư thục khiến cho các trường lâm vào thế cạnh tranh gay gắt trong khi chỉ tiêu đầu vào bị hạn chế thông qua việc xác định điểm sàn của kỳ thi 3 chung mà thực chất không phải là thước đo chính xác về chất lượng đầu vào do chịu sự tác động rất lớn về độ khó của kỳ thi.

GS Vận than: “Các trường nước ngoài đã khống chế thị trường con nhà giàu, các trường công khống chế thị trường các học sinh khá giả. Vậy, các trường tư chỉ còn khu vực thị trường học sinh trung bình yếu và gia đình trung lưu và nghèo có thu nhập tăng giảm theo đà phát triển hoặc suy thoái kinh tế của đất nước”.
 

Theo Dân trí

.