Đêm 12/3, Đài thiên văn Nha Trang (NTO) thuộc Trung tâm Vũ trụ Việt Nam (VNSC)- Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, đã tổ chức sự kiện “Bữa tiệc sao”, dành cho những người yêu thích thiên văn từ 6 tuổi trở lên.
Đây là một hoạt động dịch vụ thường xuyên, cũng là một phần trong mục tiêu thúc đẩy các hoạt động khám phá vũ trụ của NTO.
Với thời lượng 3 giờ, người tham dự được xem phim khoa học 3D trong nhà chiếu với màn hình dạng mái vòm hình vũ trụ, cung cấp kiến thức về thiên văn học, giải thích một số hiện tượng thiên văn như sự phân định các mùa trong năm; sự thay đổi vị trí các thiên thể trên bầu trời; các hiện tượng quen thuộc như nhật thực, nguyệt thực; v.v… một cách trực quan thông qua hiệu ứng hình ảnh, giúp thoả mãn trí tò mò của con người, đặc biệt là trẻ em, về bầu trời và vũ trụ.
|
|
Đài thiên văn Nha Trang nằm tại đồi Hòn Chồng, Nha Trang. Ảnh: NH. |
|
|
Trung tâm của Đài thiên văn là kính thiên văn quang học phản xạ đường kính 0.5 m được đồng bộ với mái vòm điều khiển tự động có đường kính 12 m. Ảnh: NH. |
Thú vị hơn là phần thực hành quan sát các cụm sao cầu, các tinh vân và các hành tinh sao Mộc, sao Hỏa, sao Kim.
Đài thiên văn Nha Trang được đặt tại Hòn Chồng (Nha Trang, Khánh Hòa), một trong những nơi lý tưởng khám phá, tìm hiểu về bầu trời và vũ trụ.
Cùng với Đài thiên văn Hòa Lạc (Hà Nội), đây là hai Đài thiên văn được đầu tư xây dựng trong khuôn khổ dự án Trung tâm Vũ trụ Việt Nam.
NTO là đài thiên văn đầu tiên của Việt Nam, chính thức đi vào hoạt động từ tháng 9/2017. Thiết bị chính của NTO là kính thiên văn quang học phản xạ đường kính 0.5 m, do hãng Marcon, Ý thiết kế, chế tạo.
|
|
Kính thiên văn tại NTO thuộc loại hiện đại và lớn nhất Việt Nam. Nguồn: NTO. |
|
|
Thiếu nhi làm quen với kính thiên văn tại Đài Thiên văn Nha Trang. Nguồn: NTO. |
Cấu trúc dẫn động của kính được đồng bộ với mái vòm điều khiển tự động có đường kính 12 m. Kính được trang bị một máy ảnh và một bộ phân tích phổ có độ phân giải hình ảnh và quang phổ cao trong vùng bước sóng rộng.
Kính thiên văn cho phép thực hiện các nghiên cứu cơ bản như quan sát sao biến quang, từ đó có thể nghiên cứu tính chất của khí quyển; đo phổ vạch từ các ngôi sao để thu thông tin về loại sao, tốc độ quay và độ lớn từ trường trên bề mặt sao; đo vận tốc xuyên tâm của sao chủ để tìm kiếm ngoại hành tinh; đo tốc độ quay của một số hành tinh; nghiên cứu hình thái của các thiên hà; tìm kiếm thiên thể gần Trái đất, tìm kiếm siêu tân tinh, hay phát xạ quang đi kèm với những bùng phát vô tuyến nhanh, v.v…bằng cách phối hợp với Phòng Vật lý thiên văn và Vũ trụ thuộc VNSC.
|
|
Xem phim khoa học về vũ trụ trong nhà chiếu với màn hình dạng mái vòm hình vũ trụ. Nguồn: NTO. |
|
|
Quan sát Mặt trăng qua kính thiên văn ở Đài Thiên văn Nha Trang. Nguồn: NTO. |
Theo NTO, bằng kinh thiên văn của Đài, có thể quan sát cận cảnh các hố va chạm trên bề mặt Mặt trăng.
Ngay từ khi dự án Đài thiên văn được triển khai thực hiện, thành phố Nha Trang và Trung tâm Vũ trụ Việt Nam đã phối hợp lên kế hoạch đưa Đài thiên văn Nha Trang vào lịch trình tour du lịch của du khách.
Sau khi hoàn thiện các chuẩn bị về kỹ thuật, chuyên môn, từ năm 2020, NTO bắt đầu tổ chức các dịch vụ quan sát thiên văn theo những chủ đề khác nhau, trong đó đặc biệt chú ý tới giới trẻ, học sinh, sinh viên,...
|
|
Tinh vân chẻ ba (Trifid nebula hoặc Messier 20), là một vùng khí Hy-đrô II nằm trong chòm sao Cung thủ cách chúng ta khoảng 4100 năm ánh sáng. Nhìn qua một kính thiên văn, tinh vân là thiên thể sáng, nhiều màu sắc, là một trong những đích ngắm ưa thích của những người quan sát thiên văn nghiệp dư. Nguồn: NTO. |
|
|
Tinh vân Orion (còn gọi là Orion nebula hay Messier 42), là tinh vân phát xạ có vị trí biểu kiến nằm trong chòm sao Thợ săn Orion, cách chúng ta khoảng 1350 năm ánh sáng, với bề rộng 24 năm ánh sáng. Đây là vùng đang hình thành nhiều sao to và nặng gần Trái Đất nhất, được chụp bởi kính thiên văn của NTO. Nguồn: NTO. |
Thông qua nhà chiếu hình vũ trụ, công cụ chủ yếu để phổ biến kiến thức vũ trụ tới cộng đồng, NTO đã và đang tổ chức các lớp học phổ biến kiến thức ở nhiều mức độ khác nhau từ cơ bản đến chuyên sâu tùy theo đối tượng, gián tiếp thúc đẩy hiện thực hóa Chương trình nghiên cứu vũ trụ.
NTO cũng phối hợp với các đối tác quốc tế trong việc triển khai các dự án về thiên văn- vũ trụ, bao gồm dự án Our Place in Space (vị trí chúng ta trong không gian), là một trong 10 dự án do chính phủ Anh tài trợ thông qua tổ chức Nerve Centre, nhằm thúc đẩy nhận thức về vũ trụ của trẻ em ở các nước khác trên thế giới từ hoạt động phổ biến kiến thức về khám phá không gian.
|
|
Một chương trình quan sát bầu trời dành cho thanh thiếu niên. Nguồn: NTO. |
|
|
Một hoạt động trong khuôn khổ dự án Our Place in Space (vị trí chúng ta trong không gian), do chính phủ Anh tài trợ nhằm thúc đẩy nhận thức về vũ trụ của trẻ em ở các nước khác trên thế giới từ hoạt động phổ biến kiến thức về khám phá không gian. Nguồn: NTO. |
Trong khuôn khổ dự án, Đài thiên văn sẽ cùng các họa sĩ, nhà điêu khắc, v.v. tổ chức chương trình miễn phí cho trẻ em theo chủ đề về khám phá không gian của dự án.
NTO cho biết, thông qua những hình ảnh và khái niệm về thiên văn lôi cuốn cộng hưởng với sự tò mò, khao khát khám phá của con người, NTO sẽ truyền cảm hứng, lôi kéo sự quan tâm của xã hội, đặc biệt là giới trẻ hướng tới khoa học và công nghệ, nâng cao sự hiểu biết của công chúng với KH&CN, thu hút thế hệ trẻ đam mê với khoa học và công nghệ, đặc biệt là thiên văn học và công nghệ vũ trụ.