leftcenterrightdel
 Cần nâng cao hơn nữa công tác giáo dục thể chất và hoạt động thể dục thể thao. Ảnh minh họa

Một số quy định của Luật đã không còn phù hợp với tình hình thực tế hiện nay như: Các quy định về quản lý doanh nghiệp thể thao, hộ kinh doanh thể thao không phù hợp với Luật Doanh nghiệp; quy định về quyền và nghĩa vụ của vận động viên, huấn luyện viên thể thao thành tích cao đã lạc hậu so với các chế độ, chính sách hiện hành… 
 
Để khắc phục những hạn chế, bất cập nêu trên, việc xây dựng và ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật TDTT là cần thiết nhằm tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy TDTT nước ta phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.
 
Do vậy, Luật cần bổ sung các quy định để tạo ra các cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích sự đóng góp của xã hội về tài chính, vật chất và trí tuệ trong nhân dân, huy động toàn xã hội chăm lo phát triển sự nghiệp TDTT, đặc biệt là TDTT quần chúng, cụ thể: bổ sung chính sách ưu đãi cho các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng, khai thác các công trình TDTT công cộng, các công trình TDTT phục vụ hoạt động thể thao cho người khuyết tật, người cao tuổi (Khoản 6 Điều 11).
 
Hiện nay, các hoạt động thi đấu thể thao quần chúng trong nước và quốc tế tổ chức tại Việt Nam ngày càng phong phú, đa dạng về hình thức tổ chức và đối tượng tham dự. Một số giải thi đấu thể thao quần chúng có quy mô lớn, có yếu tố nước ngoài tham dự và thẩm quyền cho phép tổ chức các giải này chưa được Luật TDTT quy định. Để tăng cường quản lý các hoạt động thi đấu thể thao quần chúng tại Việt Nam, bảo đảm được yêu cầu về chuyên môn, về an ninh, trật tự, an toàn xã hội, cần thiết phải bổ sung quy định về thẩm quyền tổ chức các giải thể thao quần chúng có quy mô lớn, có yếu tố nước ngoài tham dự.
 
Vì vậy, dự thảo Luật bổ sung quy định về thẩm quyền quyết định tổ chức Đại hội thể thao khu vực, châu lục và thế giới tổ chức tại Việt Nam cho các đối tượng học sinh, sinh viên, lực lượng vũ trang, người khuyết tật và Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc; bổ sung quy định về cơ quan có thẩm quyền quyết định tổ chức giải thi đấu từng môn thể thao cấp khu vực, châu lục và thế giới tổ chức tại Việt Nam đối với các đối tượng học sinh, sinh viên, lực lượng vũ trang (Khoản 1a, 1b Điều 13). 
 
Về giáo dục thể chất và hoạt động thể thao trong nhà trường, hiện nay, công tác giáo dục thể chất trong trường học chưa được quan tâm đúng mức. Hệ thống các cơ sở, sân bãi phục vụ giáo dục thể chất và thể thao trường học còn thiếu thốn, lạc hậu, không chỉ trong các trường phổ thông mà cả trong khối các trường đại học và chuyên nghiệp. 
 
Để nâng cao chất lượng công tác giáo dục thể chất và hoạt động thể thao trong nhà trường, đảm bảo phù hợp với Luật Giáo dục, Luật Dạy nghề, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung quy định về trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đối với giáo dục thể chất và TDTT trong nhà trường để từng bước chuẩn hóa cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên TDTT (Khoản 2 Điều 21); Bổ sung quy định các cơ sở thể thao công lập có trách nhiệm phối hợp với các cơ sở giáo dục sử dụng các công trình thể thao phục vụ giáo dục thể chất và hoạt động thể thao trong nhà trường (Khoản 5 Điều 21); Bổ sung quy định trách nhiệm của nhà trường trong việc tổ chức mỗi năm ít nhất một cuộc thi đấu thể thao toàn trường nhằm đề cao trách nhiệm của nhà trường trong việc tổ chức các hoạt động thể thao và xây dựng thói quen tập luyện TDTT cho học sinh (Khoản 2a Điều 25).
 
 
Minh Đức