Chiều 5/10, Bộ GD&ĐT đã công bố 14 đề thi minh họa các môn thi THPT quốc gia 2017. Theo đánh giá của giáo viên, đề minh họa môn Toán dài, thí sinh khó ăn điểm tối đa, đề Văn có cấu trúc không khác so với năm trước nhưng học sinh ban C, D dễ mất điểm vì thời gian quá ngắn để làm bài.
|
Thí sinh trao đổi bài giải đề thi tốt nghiệp THPT Quốc gia 2016. Ảnh: Như Ý. |
Đề Toán dài, khó đạt điểm tối đa
Đề Toán năm nay dài tới 8 trang, gồm 50 câu, thời gian làm bài 90 phút. Mỗi câu có 4 đáp án và chỉ có 1 đáp án đúng duy nhất. Nếu như trước đây, đề thi theo phương thức tự luận chỉ có 10 câu hỏi nên đề chỉ tập trung ở một số dạng toán nhất định thì nay đề đã ra hầu hết các dạng bài tập trong sách giáo khoa lớp 12.
Trong khi đó, đề Ngữ văn năm nay lại rất ngắn gọn chỉ chưa đầy một mặt giấy với 2 phần gồm đọc hiểu và làm Văn như những năm trước. Cô Phan Hà Thanh, giáo viên dạy Văn trường THPT Lê Qúy Đôn (Hà Đông) cho rằng, về mặt cấu trúc đề minh họa năm nay không có gì thay đổi so với những năm trước. Tuy nhiên, phần đọc hiểu được rút ngắn từ 8 câu xuống chỉ còn 4 câu rất ngắn gọn. Phần làm văn với hai câu hỏi, trong đó một câu hỏi yêu cầu học sinh viết đoạn văn với giới hạn 200 chữ (2 điểm) có thể gây khó khăn cho học sinh khối C, D. Bởi, học sinh khối C, D thường học chuyên sâu, khi viết thường dàn trải khó viết hết các ý cần thiết.
“Thời lượng dành cho môn Văn năm nay giảm 60 phút là một thiệt thòi cho học sinh khối C, D vì thế các em phải rèn cách viết ngắn gọn, xác đáng nếu không sẽ có nguy cơ thua điểm cả những học sinh khối A”, cô Thanh nói.
Cô Phạm Thị Ngọc Huệ, Tổ trưởng bộ môn Toán trường THPT Đông Anh (Hà Nội) cho rằng, đề Toán có nội dung kiến thức phủ khắp chương trình lớp 12. Tuy nhiên, đề thi 50 câu khá dài, học sinh giỏi, nhanh nhạy mới có thể làm hết trong thời gian 90 phút. “Điểm mới của đề thi trắc nghiệm môn Toán năm nay là lần đầu tiên, Bộ ra một số câu có sự tích hợp giữa kiến thức Toán học, Vật lý và kiến thức thực tiễn. Trong quá trình học, học sinh phải lưu ý để luyện làm bài tập các dạng này”, cô Huệ nói. Theo cô Huệ, với đề thi này, học sinh phải thật sự học tập nghiêm túc hết toàn bộ chương trình lớp 12 mới có thể làm được bài. Trong đó, học sinh giỏi sẽ đạt được khoảng 8,5 đến 9 điểm. Học sinh trung bình sẽ chỉ làm được khoảng 5-6 điểm. Giáo viên ôn tập cho học sinh cũng không thể bỏ qua một số dạng bài vì nhiều năm đề không hỏi đến.
Trong khi đó, một giáo viên Toán ở Hà Tĩnh cho rằng: “Đề Toán quá dài, riêng phần đọc qua một lượt đề cũng mất khoảng 15 phút trong khi đó học sinh chỉ có 90 phút để làm bài là đánh đố học sinh”. Tuy nhiên, giáo viên này cũng cho rằng, điểm ưu của đề Toán trắc nghiệm minh họa đã xóa được nỗi lo là không phân loại được học sinh. “Với đề thi này, học sinh yếu kém chỉ đạt tầm 2-3 điểm, học sinh trung bình đạt 4-5 điểm trong khi đó học sinh giỏi cũng sẽ đạt được điểm 8, điểm 9, chỉ học sinh thực sự xuất sắc mới đạt được điểm 10”, giáo viên này nói.
Đề Sử, Địa, Giáo dục công dân vừa sức
Mặc dù các môn Lịch sử, Địa Lý, Giáo dục công dân sẽ được Bộ tổng hợp vào môn thi KHXH, nhưng trong phần đề thi minh họa hôm qua, Bộ tách ra làm 3 đề khác nhau để học sinh, giáo viên dễ hình dung. Mỗi môn gồm 40 câu hỏi, thời lượng làm bài là 50 phút. Theo đánh giá chung của các giáo viên, đề trắc nghiệm minh họa các môn trong tổ hợp KHXH kiến thức vừa tầm, không đánh đố học sinh.
Thầy Nguyễn Vũ, giáo viên Lịch sử Trường THPT Chuyên quốc học Huế cho rằng, việc làm bài thi môn Lịch sử trắc nghiệm không khó. Với 40 câu hỏi, nhưng cách ra đề đưa ngày tháng chi tiết của sự kiện lên trước để đặt câu hỏi, sau đó yêu cầu học sinh xác nhận sự kiện là không đánh đố học sinh, không yêu cầu các em phải học theo cách ghi nhớ sự kiện. Cũng theo thầy Vũ, kiến thức trong đề khá dàn trải, trong đó có khoảng 30% câu hỏi khó để phân loại học sinh khối C thi để lấy điểm xét tuyển vào ĐH. “Với đề này, học sinh không cần học bài theo phương thức truyền thống là cần lập luận, lý lẽ mà nay chỉ cần học kỹ kiến thức trong sách giáo khoa, chú ý nghe giáo viên giảng bài là có thể đạt được điểm cao”, thầy Vũ nói.
Lần đầu được đưa vào thi THPT quốc gia, môn Giáo dục công dân cũng khiến giáo viên, học sinh băn khoăn, lo lắng về cách dạy học. Tuy nhiên, sau khi đề thi minh họa được công bố, cô Nguyễn Thị Nga, giáo viên Trường THPT Đông Anh (Hà Nội) cho rằng: “Kiến thức trong đề không đánh đố, học cơ bản có thể dễ dàng đạt điểm cao”.
Điểm ngoại ngữ sẽ không cao hơn năm trước
Về Ngoại ngữ, tuy không phải là môn thi trắc nghiệm được tổ chức lần đầu nhưng theo các giáo viên thay đổi lớn nhất trong năm nay là Bộ Giáo dục tăng dung lượng câu hỏi trong khi đó thời gian làm bài chỉ được có 60 phút gây không ít khó khăn cho học sinh.
Cô Đinh Thị Bích Nguyệt, giáo viên Ngoại ngữ Trường THPT Chuyên Lam Sơn (Thanh Hóa) cho rằng, trung bình mỗi câu thí sinh chỉ có khoảng 1 phút để vừa đọc đề vừa làm bài là rất vất vả, phải thực sự tập trung cao độ mới làm được bài. “Điểm mới của đề trắc nghiệm năm nay là Bộ bỏ đi phần viết luận (2 điểm) học sinh dễ đạt điểm cao hơn so với mọi năm khoảng chừng 1 đến 1,5 điểm. Tuy nhiên, mặt bằng chung của điểm thi môn Ngoại ngữ năm nay sẽ vẫn thấp như mọi năm vì học sinh Việt Nam mất gốc về môn học này rất nhiều”, cô Nguyệt dự đoán.
Đề Vật lý: khó khăn về thời gian
Thầy Bùi Thái Học, Tổ trưởng Tổ Vật lý, trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, Nam Định cho biết:
Đề thi mẫu môn Vật lý mà Bộ GD&ĐT vừa công bố lấy các câu đã thi của các năm trước, đề thi khá an toàn. Nhưng về thời gian, sẽ có khó khăn cho thí sinh. Đề thi mẫu có 40 câu thí sinh làm trong 50 phút như Bộ GD&ĐT đã thông báo. Trong đó có 24 câu đầu ở mức xét tốt nghiệp. 16 câu sau xét đại học. Nội dung thi nằm trong chương trình 12. Trong khi đó, năm 2015, 2016, đề thi Vật lý là 50 câu làm trong thời gian 90 phút.
Như vậy, mức độ khó của đề như nhau, nhưng thời gian làm của thí sinh bị rút ngắn, như thế sẽ khó khăn cho thí sinh. |
Theo Tiền phong