Thông tin từ Bộ GD- ĐT, tính đến ngày 14/4, có gần 550.000 hồ sơ đăng ký dự thi được cập nhật lên hệ thống thông tin quản lý thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH. Trong đó, thí sinh đăng ký xét tuyển là 407,308 (chiếm 74.65%); thí sinh tự do ĐKDT là 34,465 (6.32%).

 

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ
 
Trong số thí sinh đăng ký dự thi thì có 214,097 thí sinh (39.24%) chọn đăng ký bài thi Khoa học tự nhiên và 269,356 (49.37%) thí sinh đăng ký bài thi Khoa học Xã hội.
 
Số thí sinh đăng ký cả hai bài thi là 48,064 (8.81%).
 
Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, trong tổng số 313.129 hồ sơ đăng ký xét tuyển đã được nhập lên hệ thống thì số thí sinh đăng ký nguyện vọng 1 là 313,129 (100%); Nguyện vọng 2 là 275,880 (88.1%); Nguyện vọng 3: 222,917 (71.19%); Nguyện vọng 4: 160,454 (51.24%); Nguyện vọng 5: 110,112 (35.17%); Nguyện vọng còn lại là: 184,996(59.08%).
 
Bộ GD&ĐT lưu ý với các thí sinh, để xét công nhận tốt nghiệp THPT, thí sinh phải thi 3 bài thi bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và tự chọn 1 trong số 2 bài thi tổ hợp Khoa học Tự nhiên, Khoa học Xã hội.
 
Thí sinh có thể đăng ký dự thi cả hai bài thi tổ hợp Khoa học Tự nhiên và Khoa học Xã hội. Trong trường này điểm bài thi nào cao hơn sẽ được tính để xét công nhận tốt nghiệp THPT.
 
Tuy nhiên, thí sinh cần chú ý, đã đăng ký dự thi bài thi tổ hợp nào thì phải dự thi hết các môn thành phần của bài thi tổ hợp đó, kể cả trường hợp đăng ký dự thi cả 2 bài thi tổ hợp.
 
Nếu thí sinh đăng ký dự thi cả 2 bài thi tổ hợp mà không dự thi 1 bài sẽ bị coi là bỏ thi bài thi đã đăng ký để xét tốt nghiệp và vì vậy thí sinh sẽ không được xét công nhận tốt nghiệp.
 
Khi thí sinh có kết quả của cả hai bài thi tổ hợp, hệ thống sẽ tự xác định bài tổ hợp nào không có môn thi thành phần bị điểm “liệt” (điểm từ 1,0 trở xuống) để xét công nhận tốt nghiệp cho thí sinh. Trường hợp cả hai bài thi tổ hợp đều không có môn thành phần bị điểm “liệt”, hệ thống sẽ chọn bài thi có kết quả cao hơn để xét công nhận tốt nghiệp. Như vậy, trong 2 bài thi tổ hợp chỉ cần 1 bài không có môn thành phần bị điểm “liệt” là thí sinh được xét công nhận tốt nghiệp.
 
Đối với bài thi có môn thành phần bị điểm “liệt”, nếu đã tốt nghiệp, thí sinh không thể dùng kết quả cả bài thi đó để xét tuyển đại học, cao đẳng, nhưng vẫn có thể dùng kết quả của các môn thành phần có kết quả trên 1,0 điểm để đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng.
 
Theo Hồng Hạnh/Dân trí
 
.