Sau bao nhiêu nỗ lực, cuối cùng tôi cũng xin được cho con vào trường điểm công lập nhưng sự thật là con không hạnh phúc.
|
Ảnh minh họa. |
Con tôi năm nay học lớp Sáu. Ngay từ ngày tựu trường, thầy hiệu trưởng đã làm công tác tư tưởng cho phụ huynh: “Đa số học sinh lớp Sáu sẽ chơi vơi trong học kỳ đầu” nhưng tôi không hình dung được nó lại nghiêm trọng đến thế.
Được vài tuần đầu, con về nhà tuyên ngôn thế này: “Đối với học sinh tụi con, thứ 2 là ngày khủng khiếp nhất, ngày thứ 4 đỡ hơn vì có tiết thể dục”.
Rồi cũng qua được tháng đầu tiên trong sự phấp phỏng của mẹ. Sang tháng thứ hai, mỗi tối về nhà con cứ thắc mắc: “Cái câu biểu ngữ trước cổng trường ấy mẹ Mỗi ngày đến trường là một ngày vui sao con thấy hổng liên quan”.
Tôi thấy rõ con đang chịu áp lực, đang là một đứa trẻ phổng phao, tròn trịa con bị sút cân và gầy đi theo từng tuần, không còn cười đùa nhiều như trước, mà thêm vẻ đăm chiêu.
Đặc biệt, mỗi khi đi ngang trường cũ con cứ muốn ghé vào thăm, điệu bộ như một ông lão hưu trí về thăm cố hương. Phải rồi, những năm tháng tiểu học thật ngọt ngào khi con chỉ học buổi sáng, chiều được chơi thể thao và học ngoại khóa.
Đùng một cái, lên cấp hai con hàng ngày phải học hai buổi chỉ toàn chữ là chữ, chưa kể mỗi cuối tuần lại được giao hàng đống bài tập, đi đâu cũng kè kè cuốn tập. Ở cấp tiểu học con bắt đầu vào 7g30 thì lên cấp 2 phải có mặt lúc 6g30, nghĩa là phải dậy từ 5g30.
Có lần tôi xin phép cho con nghỉ vài ngày đi du lịch, bạn bè con chat trên FB rằng: “Đi chơi đi rồi về mà chìm trong đống bài tập!”.
Sáng thứ hai nọ, con thỏ thẻ: “Mẹ, hôm nay con nghỉ học được không, tự dưng thấy mệt và không có tâm trạng đến trường” tôi bất ngờ khi con đã chỉnh tề trong bộ đồng phục, khăn quàng đeo tươm tất rồi gào lên: “Mẹ không quan tâm, 5 phút nữa con phải đi” và không ngờ đó là ngày tồi tệ.
Con giận đùng đùng bỏ ra phòng khách, ngồi thừ một lúc rồi lao ra ban công kéo cửa kín lại. Tôi ở bên trong "hồn xiêu phách lạc", ngộ nhỡ...
Đến nước này thì phải xuống nước để nhượng bộ với "cái tuổi ẩm ương, lớn không ra lớn nhỏ không ra nhỏ" này. Bằng mọi cách tôi kéo được con vào nhà nhưng con vẫn ngoan cố không bình tĩnh, cứ hung hăng la hét. Một lúc sau, con lao ra thang máy, bỏ chạy ra ngoài.
Tôi nước mắt lưng tròng, phải cầu cứu bố mẹ, bạn bè, người thân đổ xô tìm con, tìm mải miết và báo cả cảnh sát nhưng vẫn không có tăm hơi gì. Đến trưa con tự tìm về với bộ dạng thễu não. Tôi không dám la mắng và không hỏi con đã đi đâu cho đến giờ phút này. Tôi tin con tự biết mình đã trải nghiệm điều gì.
Đem chuyện hỏi cô chủ nhiệm, cô nói ở lớp có vài bé phản ứng tương tự, đa phần là những bé cá tính. Có bé ngày nào cũng chui xuống gầm bàn, không viết, không học bài và hợp tác bất cứ điều gì với cô.
Một tháng sau, cũng sáng thứ hai, con nói mệt và muốn nghỉ học. Lần này tôi không dám lớn tiếng, sờ trán, thấy hâm hấp sốt, nói con ráng đi chứ không thì mất bài. Con đồng ý. Hai giờ sau, giám thị gọi tôi đón con về. Về nhà, chỉ một tiếng sau con trở lại hoạt bát bình thường.
Và tháng tiếp theo chuẩn bị thi học kỳ, con nói sợ sáng thứ hai, rất mệt, và từ chối món điểm tâm yêu thích. Tôi hỏi con có muốn nghỉ không để mẹ xin phép cô. Con cương quyết: “Con phải đi vì đã hoàn thành một đống bài tập cuối tuần”. Tôi vào cơ quan mà cứ hồi hộp. Y như rằng hai tiếng sau có điện thoại từ giám thị: “Chị qua đón bé về, bé ói và sốt, còn đau bụng tiêu chảy nữa”.
Bạn tôi, có con học lớp 6 cũng lâm vào tình cảnh tương tự. Chị kể, bé đến trường và có triệu chứng sốt kèm đau bụng, hốt hoảng chị đưa con vào bệnh viện. Bác sĩ khám xong kết luận, bé không bị bệnh gì cả, chỉ là áp lực học hành thôi. Theo tài liệu y khoa, tinh thần ảnh hưởng trực tiếp đến hệ tiêu hóa, khi bạn căng thẳng sẽ xuất hiện triệu chứng đau bao tử, đầy hơi hoặc tiêu chảy.
Hè vừa rồi tôi cho con tham gia trại hè của trường quốc tế, con nói, mẹ thấy bạn ngoại quốc đi cùng con không, gương mặt bạn ấy ngây thơ và nhẹ nhõm, là vì bạn không bị áp lực học hành đấy.
Có bao giờ bạn hỏi rằng, con có hạnh phúc không? Con tôi không đi học thêm, nhưng những đứa trẻ khác phải học thêm vào buổi tối và những ngày cuối tuần, thậm chí phụ huynh còn yêu cầu trường đừng cho trẻ ra sớm quá. Thử xem một ngày của con, chỉ học và học, vậy có gì vui?
Tôi có sở thích ngắm nhìn trẻ con vào mỗi sáng đưa con đến trường, những gương mặt hồn nhiên thời tiểu học đâu rồi, thay vào đó là nét mệt mỏi, đăm chiêu trước tuổi. Càng lên lớp cao các bé càng mất đi vẻ lanh lợi, hoạt bát. Tôi hình dung các con như hạt lúa vừa gặt, được đưa vào máy xát, sau một thời gian cho ra đời những hạt gạo giống hệt nhau, không cá tính, không màu sắc.
Theo Du Miên/Thanh niên