Thời gian gần đây xuất hiện liên tiếp những clip học sinh đánh nhau với mức độ nghiêm trọng ngày một gia tăng. Điều ngạc nhiên là những học sinh này vốn đều có học lực khá, giỏi, là học sinh ngoan!
 


Đánh nhau là “chuyện bình thường”

Bạo lực học đường không còn là chuyện mới mẻ, thậm chí hiện tượng này còn trở nên “quen thuộc” tại không ít nhà trường.

N.M.T, học sinh lớp 5 một trường tiểu học ở quận 3 (TPHCM) kể: “Mấy bạn trai lớp con hôm nay đánh nhau với một nhóm các bạn trường khác”. Hỏi lý do mới biết, 2 nhóm này cùng học thêm tại một trường THCS cạnh đó. Chỉ vì nhóm này nói nhóm kia hất đất bụi vào nhau mà cuối cùng thành xông vào ẩu đả.

Lớp nhỏ đánh nhau kiểu lớp nhỏ, lớp lớn đánh kiểu lớp lớn. Cô T.P (giáo viên ngữ văn Trường THPT B.T, TPHCM) cho biết: “Học trò bây giờ khác hồi xưa nhiều lắm. Chuyện đánh nhau xảy ra như cơm bữa, không chỉ có nam sinh đánh nhau, nữ sinh cũng xắn quần xắn áo đánh bạn hung hăng chẳng kém. Khi giáo viên gọi lên hỏi nguyên nhân thì toàn là những lý do “trời ơi” như “nhìn mặt thấy ghét”, “chảnh”… Đấy là còn chưa kể bị giáo viên ngăn chặn trong lớp, tan học lôi nhau ra đường đánh tiếp”.

Trong khi vụ việc một nữ sinh lớp 7 Trường THCS Lý Tự Trọng (Trà Vinh) bị một nhóm bạn đánh đập tàn nhẫn bằng ghế vừa lắng xuống thì lại xuất hiện clip đánh nhau như phim hành động của khoảng gần 20 nam sinh lớp 9 Trường THCS Phúc Diễn (Hà Nội). Theo ban giám hiệu các trường này, những học sinh tham gia đánh bạn, ẩu đả đều có học lực khá, giỏi, học sinh ngoan (!)

Nhiều người cho rằng thường chỉ có học sinh cá biệt mới đánh nhau thì bây giờ đã có “con ngoan, trò giỏi” tham gia vào những cuộc ẩu đả đầy bạo lực như thế. Vấn đề đặt ra ở đây là liệu cách đánh giá hạnh kiểm học sinh như hiện nay đã thực chất hay chưa? Liệu có phải chỉ cần học sinh đi học đều đặn, không nói chuyện riêng, đồng phục chỉnh tề... là xếp hạnh kiểm tốt?

Xử lý bạo lực học đường: Giàn hòa hay mạnh tay?

Một giáo viên có thâm niên gần 10 năm làm chủ nhiệm lớp cho biết khi học sinh đánh nhau,  chẳng đặng đừng mới mời phụ huynh, còn hầu hết thầy cô tự “dàn xếp” với học trò: Gọi học trò lên làm “công tác tư tưởng”, truy hỏi lý do, yêu cầu viết kiểm điểm, giàn hòa… Giải pháp cuối cùng mới là mời phụ huynh.

Không ít trường tìm mọi cách để “xử lý nội bộ” vì sợ ảnh hưởng đến uy tín và thành tích của trường dẫn đến việc sẵn sàng tìm cách che dấu, bao che cho việc đánh nhau của học sinh trong trường.

Tuy nhiên cũng có nhiều trường áp dụng biện pháp “mạnh tay” hơn. Trường THPT Ernst Thälmann (Q.1, TPHCM) quy định: Học sinh đánh nhau, đánh nhau có hung khí, gây thương tích cho bạn (trong hoặc ngoài trường)…  bị xử lý từ hạnh kiểm yếu học kỳ, đình chỉ học tập có thời hạn đến bị đuổi học báo về địa phương nơi cư trú.

Nội quy Trường THPT Trần Phú (quận Tân Phú, TPHCM) nhấn mạnh: Nghiêm cấm học sinh kết băng nhóm, gây gổ đánh nhau làm mất an ninh trật tự trong và ngoài nhà trường; nếu vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật từ hạ hạnh kiểm đến buộc thôi học tùy theo mức độ vi phạm.

Cô Lê Thị Thanh Nguyệt, Hiệu trưởng Trường THPT dân lập Phạm Ngũ Lão (TPHCM) cho biết, hiện tượng học sinh đánh nhau trong và ngoài trường không phải chuyện hiếm. Đã có học sinh ra ngoài cổng trường che mặt, dùng mũ cối đánh bạn chảy máu đầu, phải cấp cứu bệnh viện.  

Biện pháp phổ biến được áp dụng tại Trường THPT Phạm Ngũ Lão là khi có học sinh vi phạm nghiêm trọng, hiệu trưởng ra quyết định đình chỉ học tập, hạ xuống hạnh kiểm yếu, nhưng giáo viên vẫn bố trí chỗ ngồi cho học sinh bên ngoài cửa lớp để chép bài sau khi em đã làm bản kiểm điểm, cam kết không tái phạm.

Sau một khoảng thời gian ngồi chép bài bên ngoài (có thể 1-2 tuần), học sinh đó được tất cả các giáo viên bộ môn xác nhận đã chép bài, trả bài đầy đủ sẽ được nhận lại vào lớp. Tập thể lớp cùng giáo viên chủ nhiệm đứng ra bảo lãnh cho học sinh vi phạm, mức hạnh kiểm yếu sẽ bị treo đến cuối năm, tùy vào mức độ sửa sai, cố gắng của học sinh để nhà trường đánh giá, xếp loại rồi mới ghi vào sổ học bạ.

Cũng sử dụng biện pháp “đặc biệt” tương tự như thế là Trường THPT Nguyễn Khuyến (TPHCM). Tùy mức độ vi phạm kỷ luật, học sinh sẽ bị đứng ở cuối lớp để học và chép bài, bị chuyển sang lớp khác trong một khoảng thời gian…

Thầy Nguyễn Văn Hà, Tổng quản nhiệm cơ sở 3A Trường THPT Nguyễn Khuyến cho biết, cách làm của nhà trường là giáo viên đưa ra mức kỷ luật nặng, công khai trước tập thể lớp, phụ huynh cùng học sinh xin cam kết, bảo lãnh nhằm làm gương cho các học sinh khác. Ông Hà khẳng định, có áp dụng biện pháp nào cùng chỉ nhằm răn đe, làm học sinh sợ và không dám vi phạm những lần khác.
 

Theo infonet

.