Sau 9 tháng miệt mài học tập, nhiều em học sinh mong mỏi đến kỳ nghỉ hè để được vui chơi, thư giãn cho thỏa thích. Thế nhưng, do tâm lý lo lắng con mình chơi nhiều sẽ quên kiến thức mà thua kém bạn bè có học hè, nên nhiều bậc phụ huynh đã tìm kiếm cho con mình chỗ học thêm ngay từ những ngày đầu của kỳ nghỉ hè.
 
 
Học hè vì sợ bị thua kém?
 
Đối với trẻ em ở vùng nông thôn, kỳ nghỉ hè là dịp các em được trải nghiệm thật sự với mùa hè bằng các trò chơi giải trí, quây quần bên ông bà, cha mẹ. Còn đối với trẻ em ở thành thị, kỳ nghỉ hè được xem là học kỳ ba với lịch học hầu như phủ kín.
 
Vừa kết thúc năm học chưa được 2 tuần là chị Nguyễn Thị Diệu (ngụ phường 5, TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang) đã tìm kiếm chỗ học hè cho con trai của mình. Chị Diệu cho biết: “Hè này, con tôi vào lớp 5. Vợ chồng thì bận công việc ở cơ quan tối ngày nên không có thời gian chỉ bảo cháu học tập. Năm học vừa rồi cháu chỉ xếp loại khá, nên hè này vợ chồng tôi quyết định gửi cháu đi học thêm 3 môn cơ bản: Toán, Tiếng Việt và Anh văn”.
 
Gia đình anh Nguyễn Phúc Thái (ngụ xã Đạo Thạnh, TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang) có 2 con gái sinh đôi, chuẩn bị vào lớp 6. Hè năm nào anh cũng chở các con về quê nội ở huyện Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang chơi gần 1 tháng. Anh Thái cho biết “Sợ các con quên kiến thức, không theo kịp với các bạn, nên tôi vừa về quê rước con lên để chuẩn bị học hè. Bên cạnh việc học, tôi cũng tạo điều kiện cho các con tham gia lớp múa, sinh hoạt hè ở nhà văn hóa để các cháu được thư giãn”.
 
Tuy nhiên, không phải gia đình nào cũng được cả vợ và chồng đồng thuận trong việc cho con học hè. Anh Nguyễn Văn Nguyên (ngụ xã Trung An, TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang) kể: “Cũng vì chuyện học hè của con trai mà vợ chồng tôi hổm rày xích mích. Thấy con học tập vất vả trong năm học cuối cấp vừa rồi, nên vừa bắt đầu kỳ nghỉ hè là tôi thu xếp công việc để chuẩn bị đưa cháu về quê nội chơi, để cháu biết không khí ở quê. Thế nhưng, vợ tôi thì không đồng ý, cô ấy lên danh sách cho cháu đi học thêm, nào là Toán, Văn, Anh văn… Là người lớn, tôi còn cảm thấy ngán ngẩm, huống chi thằng bé. Vợ tôi nói, thời buổi này hơn nhau là chuyện học thêm dịp hè. Nghe vậy, tôi chỉ biết im lặng để tránh chuyện vợ chồng cãi nhau”. 
 
Có nên áp con trẻ học hè?
 
Các chuyên gia tâm lý cho rằng, sau 9 tháng học tập miệt mài, đầy vất vả trên ghế nhà trường, mùa hè chính là cơ hội để các em cần nghỉ ngơi, vui chơi một cách thoải mái. Đây là dịp để cha mẹ bày tỏ sự quan tâm, yêu thương con cái... Tuy nhiên, cũng cần phải nói rằng, đây là giai đoạn chuyển tiếp để các em bước vào năm học mới, vì vậy ngoài thời gian vui chơi, cha mẹ cũng nên có phương pháp hướng dẫn con mình, chứ không nên học thêm chương trình mới.
 
Thầy Phan Minh Tân, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Quý Đôn thì cho rằng: “Theo tôi, việc cho trẻ em học hè là không cần thiết, mà việc cần thiết là các bậc phụ huynh hãy tạo cho con em mình có một mùa hè thật sự bổ ích, vui tươi và đầy ý nghĩa. Tuy nhiên, cũng không nên để trẻ chơi hoàn toàn, mà phụ huynh cần có phương pháp, sắp xếp thời gian để hướng dẫn các em ôn tập, củng cố lại kiến thức ở lớp dưới, để các em có được nền tảng tốt bước vào năm học mới...”.
 
Ông Trần Văn Dũng, Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học, Sở GD-ĐT tỉnh Tiền Giang chia sẻ: “Thời điểm hè là dịp để phụ huynh tạo điều kiện cho các con của mình tham gia các hoạt động năng khiếu: Đàn, thể dục thể thao, múa, đọc sách…, nhằm phát huy sở trường cho các con; hoặc có thể cho các con về quê chơi với ông bà, đi tham quan du lịch, qua đó giúp các con có được những cảm nhận sâu sắc về tình yêu thiên nhiên, đất nước, ông bà... Chúng ta không nên chú tâm nhiều vào chuyện học hè, mà cần tạo cho con trẻ có một mùa hè thật sự bổ ích”.
 
Có thể thấy, kỳ nghỉ hè là dịp để các em học sinh có thể vui chơi, thư giãn sau 9 tháng học tập ở trường. Chính vì vậy, phụ huynh cần cân nhắc thật kỹ trong việc cho con mình tham gia các lớp học hè. Để mùa hè thật sự có ý nghĩa, các bậc cha mẹ hãy là người bạn đồng hành, chia sẻ, để các  em học sinh thật sự có được những trải nghiệm của mùa hè một cách thiết thực.
 
Theo Đỗ Phi  (Báo Ấp Bắc)
.