(BVPL) - Với chủ đề "Cơ hội công bằng cho mọi trẻ em", Báo cáo thường niên mới nhất của Unicef về tình hình Trẻ em Thế giới năm 2016 cho thấy, việc đầu tư vào những trẻ em thiệt thòi là điều kiện tiên quyết để hoàn thành các mục tiêu phát triển bền vững cho thế hệ mai sau, đồng thời mang lại lợi ích trước mắt và lâu dài cho mỗi quốc gia.

 


Báo cáo cũng chỉ ra rằng đã có những bước tiến quan trọng trong việc cứu sống trẻ em, đưa trẻ em tới trường và giảm nghèo. Tại Việt Nam, tỷ lệ giảm nghèo đã giảm từ 58% vào năm 1993 xuống còn 10% vào năm 2014. Tỷ lệ tử vong trẻ em cũng giảm từ 36 ca trên 1.000 trẻ em sinh sống vào năm 1990 xuống còn 10 ca trên 1.000 trẻ em sinh sống vào năm 2014. Tuy nhiên, những bước tiến này chưa đồng đều, chưa công bằng và nhiều trẻ em vẫn tiếp tục bị bỏ lại phía sau. Khoảng 5,5 triệu trẻ em Việt Nam là trẻ em nghèo theo phương pháp tiếp cận đo lường nghèo đa chiều.

Do điều kiện dinh dưỡng nghèo nàn, tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng thể thấp còi ở các vùng nông thôn Việt Nam cao gấp đôi so với các em cùng trang lứa ở khu vực thành thị; tỷ lệ tử vong bà mẹ ở miền núi vẫn cao gấp 4 lần so với vùng đồng bằng; tỷ lệ trẻ em chưa từng đi học ở Việt Nam vẫn còn cao, đặc biệt là trẻ em dân tộc thiểu số. Phát biểu tại buổi Lễ, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Doãn Mậu Diệp đánh giá cao sự đồng hành chặt chẽ, tin cậy về tài chính và kỹ thuật giữa Bộ LĐ-TBXH và Unicef trong 40 năm qua nhằm hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật và các chương trình có ý nghĩa đối với trẻ em để hướng tới mục tiêu mọi trẻ em đều có cơ hội công bằng, bình đẳng, góp phần xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao vì sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.

 Việt Nam là nước đầu tiên ở châu Á và là nước thứ 2 trên thế giới phê chuẩn Công ước của Liên hiệp quốc (LHQ) về Quyền trẻ em. Cùng với đó, Đảng, Quốc hội, Chính phủ, chính quyền các cấp, mỗi gia đình và toàn xã hội cũng ngày càng quan tâm, bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em. Cụ thể, Quốc hội thông qua Luật Trẻ em vào tháng 4 vừa qua đã đánh dấu một bước quan trọng trong việc bảo vệ, chăm sóc trẻ em, đặc biệt là quy định rõ trách nhiệm của Nhà nước, gia đình và toàn xã hội trong việc đảm bảo các quyền và bổn phận của trẻ em. Cũng theo Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp, Chính phủ Việt Nam đã và đang tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật chính sách về trẻ em, đồng thời phê duyệt nhiều Chương trình hành động quốc gia thiết thực và triển khai thí điểm chương trình hỗ trợ tiền mặt cho các đối tượng bảo trợ xã hội để hướng tới mục tiêu phát triển công bằng cho mọi người dân.
 

Mai Hòa

.