Mới đây, Tổ chức giáo dục Varkey Foundation công bố danh sách "50 giáo viên toàn cầu" từ hơn 10.000 ứng viên. Đây là giải thưởng tôn vinh thầy cô có đóng góp xuất sắc cho sự nghiệp giáo dục.
Và cô Hà Ánh Phượng - giáo viên dạy môn tiếng Anh, trường THPT Hương Cần, Thanh Sơn, Phú Thọ đã trở thành đại diện Việt Nam lọt vào tốp này.
Cô Phượng rất bất ngờ và niềm vui như được nhân đôi khi nhận được thư chúc mừng từ Bộ GD-ĐT. “Hạnh phúc vô bờ bến về giải thưởng và càng thêm vinh dự, tự hào đồng thời gửi lời cảm ơn sâu sắc tới Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ. Tôi sẽ cố gắng đóng góp nhiều hơn nữa cho sự nghiệp giáo dục” - cô Phượng vui vẻ nói.
Cô giáo tài năng này cho rằng, đây không chỉ là niềm vui của riêng tôi mà còn đem lại góc nhìn tích cực hơn về GD-ĐT của tỉnh Phú Thọ nói riêng và Việt Nam nói chung. Giải thưởng vừa khẳng định sự cố gắng của bản thân, vừa ghi danh nền giáo dục nước nhà trên trường quốc tế.
Giáo dục không giới hạn
Những tháng ngày còn học ở mái trường Dân tộc nội trú huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ, cô Hà Ánh Phượng (SN 1991) đã rất thích làm giáo viên. Cùng sự cố gắng, nỗ lực, cô thi đỗ vào khoa Ngôn ngữ Anh, trường Đại học Hà Nội. Khi còn ngồi trên ghế giảng đường đại học, cô Phượng làm thêm rất nhiều công việc để trang trải cuộc sống như lễ tân, hướng dẫn viên du lịch, phiên dịch, gia sư…để tích lũy kiến thức.
Tốt nghiệp loại ưu ra trường, cô Phượng được mời làm Giám đốc đại diện tại Việt Nam cho Công ty Dược Pakistan. Tuy nhiên, cô từ chối và nuôi dưỡng mơ ước được trở thành giáo viên nên tiếp tục học thạc sĩ ngành Sư phạm tiếng Anh.
Theo cô, bất cứ học sinh nào ở bất kỳ đâu cũng có thể thừa hưởng một nền giáo dục tốt nhất, đó là lý do Phượng quay trở lại quê hương của mình để bắt đầu hiện thực hóa những ước mơ còn ấp ủ.
Cô Ánh Phượng về trường THPT Hương Cần, Thanh Sơn, Phú Thọ công tác. Thời gian đầu mới về đây, cô Phượng đã gặp không ít khó khăn như năng lực ngoại ngữ của học sinh còn hạn chế, phương pháp học tập ngoại ngữ chưa có định hướn. Tuy nhiên sau đó, được sự quan tâm của Ban giám hiệu, đồng ngiệp, cô Phượng cũng dần quen và đổi mới phương pháp dạy học để học sinh càng thêm yêu môn tiếng Anh hơn.
Được biết, ở đây đa phần học sinh là người dân tộc, lấy điểm thi để đỗ tốt nghiệp, vậy nên cô luôn trăn trở phải làm sao để tạo ra niềm cảm hứng cho các em. Suy nghĩ, tìm tòi, cô Phương quyết định xây dựng và sử dụng mô hình “lớp học không biên giới”.
Lớp học nhằm kết nối học sinh với các trường trên toàn thế giới thông qua Skype. Các sáng kiến của cô cải thiện đáng kể năng lực ngoại ngữ cho học sinh, thể hiện rõ qua kết quả thi THPT quốc gia.
Nhờ sự cố gắng, nỗ lực của cô giáo Hà Ánh Phượng mà những năm gần đây, trường THPT Hương Cần được coi là “điểm sáng trong phong trào đổi mới sáng tạo dạy và học” của tỉnh Phú Thọ. Nhờ vào công nghệ thông tin và mạng Internet, cô Phượng đã đưa học sinh của mình tham gia vào các tiết học xuyên biên giới.
|
|
Cô còn dạy trực tuyến cho học sinh ở châu Á, Phi, Âu, Mỹ và là thành viên tích cực của cộng đồng Microsoft toàn cầu. |
Với mong muốn “đưa những học sinh miền quê trở thành công dân toàn cầu”. Không chỉ dạy cho những học trò của mình, cô giáo trẻ còn dành thời gian dạy học miễn phí cho trẻ em tại khu ổ chuột của Ấn Độ, trẻ em ở Nam Phi cho đến các lớp học trực tuyến tại California, Mỹ.
Co giáo Hà Ánh Phượng luôn được biết đến là giáo viên trẻ nhiều sáng kiến và sáng tạo đột phá trong giáo dục, được báo cáo tại các hội thảo quốc tế Viettesol. Mô hình lớp học xuyên biên giới và các dự án quốc tế của cô đã đem học sinh dân tộc kết nối với quốc tế để trở thành những công dân toàn cầu, từng bước chứng minh rằng "giáo dục là không giới hạn".
Không có áp lực không tạo ra được kim cương
Tuy ban đầu, những học sinh người Mường tiếp xúc với bạn bè quốc tế còn ngại ngùng nhưng sự gắn kết của cô Ánh Phượng, các tiết học trở nên sôi nổi.
Nhận thấy, mô hình lớp học xuyên biên giới mới chỉ hỗ trợ được những học sinh trực tiếp tại lớp học nên cô Phượng sẽ phát triển kênh Youtube để dạy miễn phí cho học sinh cả nước, đặc biệt là học sinh lớp 12. Đồng thời, cô tiếp tục chia sẻ với đồng nghiệp về phương pháp dạy học cũng như việc ứng dụng các công cụ công nghệ thông tin vào dạy học.
|
|
Cô Ánh Phượng có nhiều sáng kiến nổi bật. |
Là giáo viên trẻ, năng động và tràn đầy ý tưởng, cô Hà Ánh Phượng tích cực tham gia vào các buổi phát triển chuyên môn trên phạm vi toàn cầu. Những diễn đàn kết nối là nơi cô giáo Hà Ánh Phượng tích cực lan tỏa và chia sẻ sáng kiến tới nhiều đồng nghiệp trên khắp mọi miền. Những sáng kiến trong giáo dục của cô có ảnh hưởng đến cộng đồng của địa phương, cả nước và đồng nghiệp quốc tế qua các hội nhóm về ngoại ngữ.
Nỗ lực hết mình, mong muốn cống hiến nhiều hơn cho ngành Giáo dục, cô Hà Ánh Phượng đã luôn cố gắng và giành được nhiều giải thưởng đáng ngưỡng mộ. Theo cô Phượng, tất cả thành tích đạt được là sự nỗ lực của bản thân, “không có áp lực sẽ không tạo ra được kim cương.
Hiện tại, cô Hà Ánh Phượng đang giảng dạy môn tiếng Anh trên Đài Truyền hình Phú Thọ. Trước mắt, cô sẽ hỗ trợ học sinh lớp 12 luyện thi THPT Quốc gia và lan toả việc dạy học gắn liền với 17 mục tiêu phát triển bền vững liên hợp quốc qua các bài học, dự án.
Thành tích nổi bật của cô giáo Hà Ánh Phượng:
Học bổng Hoa Trạng Nguyên - dành cho thủ khoa tốt nghiệp THPT do Bộ GD-ĐT tổ chức năm 2009.
Là 1 trong 14 sinh viên châu Á đạt học bổng tiềm năng lãnh đạo do Viện Giáo dục quốc tế Mỹ IIE trao tặng năm 2011 .
Giấy khen trong phong trào thi đua "Đổi mới và sáng tạo trong dạy và học" của Sở GD-ĐT Phú Thọ năm 2019.
Cũng trong năm học 2019-2020, dự án quốc tế "SAY NO TO PLASTIC STRAW" của nhóm học sinh do cô hướng dẫn đạt top 150 sản phẩm xuất sắc nhất trong cuộc thi Dạy học sáng tạo trên nền tảng công nghệ thông tin do Bộ GD-ĐT phối hợp với tập đoàn Microsoft tổ chức.
Cô Phượng còn tham gia nhiều hoạt động từ thiện như dạy học miễn phí cho học sinh trong và ngoài nước, thư viện hạnh phúc miễn phí cho học sinh... đạt học bổng toàn phần của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ SEAYLP dành cho giáo viên năm 2020.
Được công nhận là chuyên gia giáo dục sáng tạo của Tập đoàn Microsoft (MIE Expert) năm 2020.
Lọt top “50 giáo viên toàn cầu”.
|