Theo thầy Trần Mạnh Tùng, về cấu trúc, đề tham khảo lần 2 này tương tự đề lần 1: Các nội dung vẫn giữ nguyên với 50 câu  trong vòng 90 phút. Về tỷ lệ: Lớp 11: 5 câu = 1 điểm; Lớp 12: 45 câu = 9 điểm

Còn về mức độ, đề lần này dễ hơn lần 1 khá nhiều; Các câu hỏi ngắn, trơn tru số lượng tăng lê. Có đến 40 câu ở mức độ cơ bản. Học sinh khá giỏi có thể làm rất nhanh (Tầm 40 - 45 phút).

Phân hóa theo hình thức: 8 + 1 + 1: 40 câu đầu cơ bản, đơn giản, ở mức 1, 2 (nhận biết, thông hiểu); 5 câu tiếp theo phân hóa nhẹ, ở mức 3 (vận dụng); Còn 5 câu cuối phân hóa mạnh, mạnh hơn cả lần 1, ở mức 4 (vận dụng cao)

leftcenterrightdel
 Thầy Trần Mạnh Tùng.

Với đề thi này, học sinh trung bình có thể đạt 6, 7 điểm; Học sinh khá có thể đạt 7, 8 điểm; Học sinh giỏi có thể đạt 8, 9 điểm. Còn học sinh lực học Toán tốt, kiến thức chắc, kỹ năng nhanh có thể đạt 10 điểm.

Đánh giá chung về đề minh họa Bộ GD-ĐT vừa công bố, thầy Tùng cho rằng, rất dễ xảy ra "mưa điểm cao" như năm 2017; Đề phù hợp với xét tốt nghiệp, nhẹ nhàng, đơn giản, thuận tiện cho học sinh ôn thi tốt nghiệp; Đề sẽ gây khó khăn cho việc xét tuyển đại học, khi mà đa số các trường vẫn sử dụng kết quả này để tuyển sinh.

Khả năng các trường sẽ phải sử dụng nhiều tiêu chí phụ: Yêu cầu điểm thành phần, yêu cầu điểm phẩy của học bạ,...

Thầy Trần Mạnh Tùng khuyên các em học sinh lớp 12 ổn định tư tưởng vì mọi thứ gần như năm 2019 nhưng không được chủ quan; Phải học chắc kiến thức cơ bản; Nâng cao phù hợp (nên có sự hướng dẫn của giáo viên). Tránh sa đà các vấn đề quá khó, phức tạp; Rèn luyện kỹ năng tính toán nhanh, cẩn thận; Tích cực làm đề thi thử (theo form lần 2); Có kế hoạch cá nhân cụ thể, rõ ràng và nghiêm túc làm theo kế hoạch; Chủ động tham khảo thông tin để có cách làm phù hợp…

Ngày 5/5, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ báo cáo kế hoạch thực hiện chương trình năm học, phương án thi tốt nghiệp THPT, tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2020 tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4.

Bộ sẽ phân cấp cho các địa phương tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020. Mục đích kỳ thi là lấy kết quả để xét công nhận tốt nghiệp bậc phổ thông và đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông. Từ đó điều chỉnh nội dung, phương pháp dạy học trong các nhà trường.

Kỳ thi gồm các bài thi Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 2 bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội. Mỗi bài thi tổ hợp có điểm toàn bài để xét công nhận tốt nghiệp THPT và điểm các môn thành phần để hỗ trợ khai thác sử dụng kết quả thi cho các mục đích khác.

Thời gian làm bài thi môn Ngữ văn 120 phút; Toán 90 phút; Ngoại ngữ 60 phút; bài thi tổ hợp Khoa học xã hội và Khoa học tự nhiên 50 phút đối với mỗi môn thi thành phần (tổng 3 môn là 150 phút). Kỳ thi được tổ chức trong 2 ngày với 4 buổi thi (mỗi buổi 1 bài thi), thay vì 2,5 ngày với 5 buổi thi  như các năm trước.

Thí sinh tự do tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 không nhằm mục đích xét công nhận tốt nghiệp THPT được dự thi các bài thi độc lập, bài thi tổ hợp hoặc các môn thi thành phần của bài thi tổ hợp theo nguyện vọng.

Nội dung đề thi nằm trong chương trình giáo dục phổ thông hiện hành, chủ yếu lớp 12; phù hợp với nội dung tinh giản chương trình được Bộ GD-ĐT công bố.

Bộ sẽ xây dựng và cung cấp đề thi cho các địa phương để tổ chức thi đồng loạt cùng một thời điểm trong cả nước, nhằm đảm bảo mặt bằng chất lượng chung trong xét công nhận tốt nghiệp THPT.

Bộ trưởng Nhạ sẽ trực tiếp chỉ đạo công tác thanh tra, kiểm tra thực hiện quy chế thi tại các địa phương; chủ tịch UBND tỉnh, thành phố quyết định và cử các đoàn thanh tra làm nhiệm vụ tại địa phương; giám đốc sở GD&ĐT thành lập đoàn thanh tra các hội đồng thi.

Học sinh học hết chương trình nhưng không dự thi hoặc thi không đạt yêu cầu thì được cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình phổ thông theo quy định của Luật Giáo dục 2019.

 

Lưu Ly