Mấy hôm nay, nhiều phụ huynh quan tâm về cuốn sách dạy kỹ năng sống cho trẻ em với bài học đi trên thảm thủy tinh.

 


Các khái niệm

Kỹ năng là năng lực hay khả năng của chủ thể thực hiện thuần thục một hay một chuỗi hành động trên cơ sở hiểu biết (kiến thức hoặc kinh nghiệm) nhằm tạo ra kết quả mong đợi.

Xét theo tổng quan thì kỹ năng phân ra làm 3 loại: Kỹ năng chuyên môn, Kỹ năng xã hội và Kỹ năng làm việc. Xét theo liên đới chuyên môn: Kỹ năng cứng, Kỹ năng mềm và Kỹ năng hỗn hợp.

Tôi sẽ trình bày sâu hơn về khái niệm kỹ năng xã hội, hay còn gọi là khả năng sống hoà hợp với người khác, tạo dựng và duy trì các mối quan hệ xã hội một cách hài hoà.

Các năng lực trí tuệ

Nhiều tác giả, chuyên gia "huấn luyện" đưa ra các thuật ngữ rất mỹ miều và hấp dẫn nhằm thu hút người đọc, kích thích đúng nhu cầu của cha mẹ.

Nhưng phụ huynh hãy lưu ý, nhiều cuốn sách tác giả đưa ra không đúng với bản chất các kỹ năng hoặc các năng lực mà bố mẹ muốn phát triển cho trẻ. Nhiều trung tâm còn cóp nhặt các bài tập, tình huống giáo dục trẻ từ các chương trình của người lớn vào cho trẻ em. Với nhiều sách, tài liệu là dịch, tác giả dịch không hiểu hoặc hiểu nông về nội dung.

Tôi xin nêu một số thuộc tính cơ bản liên quan đến các năng lực trí tuệ để giúp phụ huynh dễ dàng phân biệt hơn khi đọc những khái niệm khoa học trừu tượng.

Trí tuệ thông minh (IQ):Là khả năng học hỏi những kiến thức mới từ trải nghiệm, khả năng thích ứng với các tình huống mới, hiểu và nắm bắt được các khái niệm trừu tượng, khả năng sử dụng kiến thức để thao tác trong cuộc sống. Trí thông minh cụ thể là:

+ Năng lực học tậpkiến thức mới.

+ Các năng lực tư duylogic, tư duy phê phán, suy luận...

+ Năng lực giải quyếtvấn đề đang gặp phải.

Năng sáng tạo (CQ): Là quá trình thu thập và tạo ra ý tưởng mới có tính ứng dụngcao. Trên cơ sở kinh nghiệm của mình và bằng tư duy độc lập tạo ra được ý tưởng mới, độc đáo, hợp lý trên bình diện cá nhân hay xã hội. Ở đó, người sáng tạo gạt bỏ được các giải pháp truyền thống và đưa ra giải pháp mới, độc đáo và thích hợp đối với vấn đề đặt ra.

Sáng tạo được xác định bởi một tổ hợp các đặc điểm và năng lực như: tính lưu loát (fluency), tính mềm dẻo (flexibility), sự mở rộng vấn đề (elaboration), tính độc đáo (Originality), tính nhạy cảm (sensibility) và sự định nghĩa lại vấn đề (Redefinition).

Trí tuệ cảm xúc(EQ): được hiểu là khả năng nhận biết xúc cảm của mình và người khác, khả năng kiểm soát, điều chỉnh xúc cảm của mình trong mối quan hệ với người khác

Trong trí tuệ cảm xúc gồm 3 kỹ năng cơ bản:

+ Sử dụng cảm xúc hiệu quả.

+ Thể hiện cảm xúc đúng cách.

+ Điều chỉnh cảm xúc khéo léo.

Để có thể sử dụng được 3 kỹ năng này, đòi hỏi mỗi người cần phải hiểu được các trạng thái cảm xúc, để hiểu cảm xúc bản thân mình, người khác. Từ đó, có cách thức thể hiện và điều chỉnh cảm xúc cho phù hợp. Vì vậy, bước đầu tiên cần dạy trẻ là nhận biết được các trạng thái xúc cảm.

Các phẩm chất nhân cách

Nhân cách là các thuộc tính tâm lý cá nhân, biểu hiện bản sắc và giá trị xã hội của cá nhân.

Các nhà tâm lý học Việt Nam có quan điểm coi cấu trúc nhân cách gồm hai mặt thống nhất với nhau, đó là ĐỨC và TÀI (phẩm chất và năng lực).

- Phẩm chất (Đức) bao gồm:

+ Phẩm chất xã hội (đạo đức, chính trị): thế giới quan, niềm tin, lập trường, lý tưởng...

+ Phẩm chất cá nhân (đạo đức, tư cách): các nết, các tính, cái tật, đức tính...

+ Phẩm chất ý chí: tính mục đích, tính tự chủ, tính ý chí,tính kỷ luật, tính quả quyết, tính phê phán..

+ Cung cách ứng xử: tác phong, lễ tiết, tính khí.

- Năng lực (Tài)

+ Năng lực xã hội hoá: Khả năng thích ứng, hoà nhập, tínhmềm dẻo, cơ động, linh hoạt trong cuộc sống.

+ Năng lực chủ thể hoá: khả năng thể hiện tính độc đáo, đặcsắc, cái riêng, cái bản lĩnh cá nhân..

+ Năng lực hành động: Khả năng hành động có mục đích, chủđộng tích cực có hiệu quả.

+ Năng lực giao tiếp: Khả năng thiết lập và duy trì quan hệ với người khác và với cộng đồng.

Tại sao lại gọi là hai mặt thống nhất với nhau? Giải thích đơn giản như sau, trong cuộc sống chung, ta gặp rất nhiều người giỏi giao tế, nhưng có thể goi họ là giả tạo..vì bản thân giữa năng lực và phẩm chất của họ không đồng nhất với nhau.

Dũng cảm có phải là kỹ năng sống?

Trong mấy ngày nay, dư luận xôn xao về cuốn sách viết về đào tạo kỹ năng sống cho học sinh tiểu học có bài học đi trên thuỷ tinh - phần này được gọi là phát triển kỹ năng lòng dũng cảm.

Tôi cho rằng lòng dũng cảm là một phẩm chất nhân cách của con người, chứ không phải là một kỹ năng xã hội.

Tôi không ủng hộ khi các thầy cô giáo tiểu học đã áp dụng bài tập này để rèn lòng dũng cảm cho các em. Lòng dũng cảm không phải chỉ hình thành khi chúng ta đối diện với sợ hãi. Nếu đi theo xu hướng này, sẽ cổ vũ cho nhiều thầy cô giáo, những nhà huấn luyện khác sử dụng những đồ vật thật nguy hiểm khác khi dạy, và luôn đặt các em vào các tình huống sợ hãi, điều này sẽ gây áp lực lớn đến sự phát triển.

Trong giáo dục, việc có các tình huống trải nghiệm là hết sức quan trọng và cần thiết, nhưng nhà giáo dục hãy biết lựa chọn giáo cụ và tình huống sao cho phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý độ tuổi và tính vừa sức để học sinh có trải nghiệm và hình thành được kỹ năng tích cực. Đừng biến những bài học này trở thành một "anh hùng rơm” vô giá trị.

Các em chưa đủ nhận thức hết được mức độ nguy hiểm của thế giới xung quanh, vì vậy cần dạy kỹ năng phòng, tránh những nguy hiểm này hơn là dạy kỹ năng đối đầu với nguy hiểm có tính rủi ro cao.

Như vậy, việc dạy cho trẻ kỹ năng xã hội, phát triển các năng lực trí tuệ để nhằm tới mục tiêu cuối cùng của giáo dục đó chính là phát triển đươc nhân cách tốt.

Khi cho con tham gia vào các chương trình giáo dục kỹ năng và phát triển các năng lực trí tuệ , cha mẹ hãy tham khảo thông tin kỹ về các chương trình đào tạo hoặc tài liệu mà mình đinh sử dụng theo nguyên tắc SEE -THINKING - DOING.

Hãy xem còn mình đang vướng hoặc đang kém ở những kỹ năng nào. Trên cơ sở đó tạo môi trường thuận lợi để hỗ trợ các con. Ngay từ tuổi mầm non nếu trẻ đã được học những kỹ năng này sẽ giúp trẻ có nhiều cơ hội thành công hơn.

 

Theo vietnamnet.vn

.