Cụ thể, theo ông Mai Tiến Dũng, vừa qua, sau khi Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước công bố danh sách 1.226 ứng viên đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS, Thủ tướng đã có chỉ đạo ngày 8/2/2018 là yêu cầu Bộ GD&ĐT, Chủ tịch Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước rà soát lại toàn bộ các ứng viên như công bố của Hội đồng.
“Hôm nay Bộ GD&ĐT đã chính thức báo cáo Thủ tướng. Theo đó, có 94 ứng viên chưa đủ đề tài, chưa đủ bài báo, chưa đủ giờ giảng, chưa có nghiên cứu khoa học... thì trước mắt Bộ GD&ĐT, Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước đang tiếp tục rà soát, đánh giá”- Bộ trưởng nói và cho biết, tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng là làm rất nghiêm túc, đánh giá chất lượng thực chất. Ví dụ tiêu chuẩn về giờ giảng thì phải xác định rõ ứng viên giảng ở đâu, giáo trình nào, hợp đồng giảng dạy ra sao, hợp đồng thỉnh giảng như thế nào, hợp đồng thanh lý hợp đồng thế nào, có chi tiền hay không… chứ không phải là giảng ở đây rồi viết một cái giấy ủng hộ nhà trường, không lấy tiền. Rồi khả năng ngoại ngữ thế nào, giao tiếp thế nào? Nếu chức danh được phong hàm chính thức thì đạt trình độ nào đều có tiêu chuẩn hết…
Còn Thứ trưởng Bộ GD& ĐT Phạm Mạnh Hùng cho biết lý do số lượng ứng viên đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS tăng nhiều so với những năm trước đó là do thời gian nhận hồ sơ xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS năm 2017 kéo dài thêm 6 tháng so với năm 2016. Trong 6 tháng đó số lượng ứng viên tích luỹ đủ tiêu chuẩn được tăng lên như số bài báo, hướng dẫn thêm nghiên cứu sinh, học viên cao học…
|
|
Thứ trưởng Bộ GD& ĐT Phạm Mạnh Hùng trả lời tại buổi họp báo |
Ngoài ra, do những năm trước đây Chính phủ có những đề án cho cán bộ giảng dạy trẻ đi học nước ngoài bằng nguồn ngân sách nhà nước như đề án 322, đề án 911 và những người này khi về nước, họ được đào tạo bài bản và trong một số năm đã tích luỹ đủ tiêu chuẩn về bài báo khoa học, công trình nghiên cứu, số giờ giảng dạy, hướng dẫn nghiên cứu sinh… Do đó, họ có đủ điều kiện trở thành ứng viên để xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS.
Nguyên nhân thứ ba, theo ông Hùng là trong nhiều năm gần đây, nhiều cơ sở giáo dục đại học rất chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng giảng viên nên số lượng cán bộ giảng dạy tại các trường đại học đã dần tích luỹ nhiều hơn những điều kiện để tham gia xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS.
Theo kết quả xét của Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước thì tổng số ứng viên đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS là 1.226/1.537 ứng viên, đạt tỷ lệ 79,76%, xấp xỉ những năm trước như năm 2016 tỉ lệ đạt 75,51%. “Vừa qua dư luận có nhiều ý kiến về việc tăng đột biến ứng viên đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã yêu cầu Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước, Hội đồng ngành, liên ngành tổ chức rà soát lại kỹ lưỡng hồ sơ các ứng viên theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, rất nghiêm túc”- ông Hùng nói.
Đồng thời cho biết, nếu ứng viên nào không đáp ứng tiêu chuẩn theo quy định thì kiên quyết không công nhận. Chủ tịch Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước đã thành lập tổ công tác kiểm tra hồ sơ các ứng viên xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS năm 2017 để bảo đảm khách quan trong quá trình rà soát bên cạnh hội đồng ngành, liên ngành.
Liên quan đến Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến có tên trong danh sách rà soát lại chức danh Giáo sư vì có đơn khiếu nại, Thứ trưởng Hùng cho hay, nếu nhận được đơn khiếu nại, tố cáo, chúng tôi sẽ xử lý đúng theo Luật Khiếu nại, tố cáo, theo pháp luật của nhà nước. Nếu thụ lý được sẽ phải thụ lý.
Thanh Dịu