Bài ngữ văn có khoảng 20% thí sinh đạt điểm dưới trung bình, có em đã bị điểm liệt; không có điểm 10; điểm 8-9 cũng ít.
 
Đó là nhận định chung của nhiều giám khảo sau khi kết thúc năm ngày chấm thi môn ngữ văn của kỳ thi THPT quốc gia tại TP.HCM vào cuối tuần qua.
 
Được biết đến thời điểm này, TP.HCM và nhiều địa phương trên cả nước đã cơ bản hoàn tất công tác chấm thi để chuẩn bị gửi kết quả về Bộ GD&ĐT trước khi công bố chính thức vào ngày 7-7.
 
Học lệch nên điểm môn tổ hợp thấp
 
Trong năm bài thi của kỳ thi THPT quốc gia từ ngày 22 đến 24-6 vừa qua, ngữ văn là bài duy nhất thi bằng hình thức tự luận. Các bài thi còn lại là trắc nghiệm nên tất cả phiếu trả lời trắc nghiệm đều được chấm bằng máy quét và sẽ có các cán bộ của đơn vị chủ trì cụm thi, đơn vị phối hợp tổ chức thi (đại học) và công an thực hiện giám sát trực tiếp. Sau khi quét, tất cả phiếu này và phiếu thu bài thi được niêm phong, lưu giữ và bảo mật tại đơn vị.
 
Theo dự đoán của nhiều giáo viên thông qua đề thi và nắm việc làm bài của các thí sinh thì điểm thi của các bài toán, ngoại ngữ nhiều nhất sẽ ở mức 5-7 điểm, 8-9 điểm cũng sẽ nhiều. Còn điểm trung bình của các bài tổ hợp là khoa học tự nhiên và khoa học xã hội có thể thấp hơn nhiều.
 
Lý do theo các giáo viên, điểm của bài thi tổ hợp là trung bình cộng điểm của các môn thi thành phần, quy về thang điểm 10, làm tròn đến hai chữ số thập phân. Điểm của các bài thi độc lập và điểm của từng môn thi thành phần trong bài thi tổ hợp được quy về thang điểm 10, làm tròn đến hai chữ số thập phân. Do đó, có thể một số môn trong bài tổ hợp điểm cao nhưng hầu hết các em đều học lệch để xét tuyển đại học nên có những môn các em chỉ làm cho có, qua điểm liệt hoặc làm hết phần cơ bản là được. Ví dụ, có những em chỉ làm tốt lý-hóa, còn sinh thì không cần hoặc có em chỉ làm hóa-sinh tốt thôi...
 
 Các thí sinh dự thi ngữ văn trong kỳ thi THPT quốc gia vừa qua. (Ảnh: Phạm Anh)
Các thí sinh dự thi ngữ văn trong kỳ thi THPT quốc gia vừa qua. (Ảnh: Phạm Anh)
 
Ngữ văn: Nhiều điểm dưới trung bình, có cả điểm liệt
 
Hơi khác với nhận định của nhiều giáo viên khi nhìn vào đề thi môn ngữ văn năm nay, nhiều giám khảo khi hoàn tất chấm thi bài ngữ văn đã có nhận xét như trên. Giám khảo Phạm Duy Mẫn (giáo viên ngữ văn tại quận 3, TP.HCM) cho biết tổ của thầy chấm 70 xấp bài, mỗi xấp có 20 bài do 60 giáo viên chấm. Qua thống kê sau khi hoàn tất chấm thi, tổ của thầy có đến 20% bài thi dưới điểm trung bình, không có em nào dưới 1 điểm (điểm liệt), trên 8 điểm chỉ khoảng 2,8%. Theo thầy Mẫn, phổ điểm nhiều nhất rơi vào khoảng 5,5-6,5 điểm, cao nhất là 9 điểm.
 
Đánh giá về cách làm bài của các em, thầy Phạm Duy Mẫn cho hay đề năm nay nhẹ nhàng, phù hợp với các em nhưng tính phân loại còn thấp. Tức là điểm mặt bằng đều đều nhau, những em nào giỏi cũng chỉ có mức điểm tối đa ở phần từ câu 1 đến 3 của đề.
 
“Nhiều em trả lời còn lan man, chưa có trọng tâm, nhất là phần nói về thấu cảm. Tuy nhiên, hội đồng thống nhất chỉ cần các em có chính kiến thì đều có điểm, kết hợp với diễn đạt tốt thì sẽ đạt tối đa điểm. Cũng có nhiều em đánh giá rất tốt, còn có dẫn chứng trong đời sống khác nữa để bài làm hay hơn” - thầy Mẫn nói.
 
Tương tự, theo giám khảo Nguyễn Thị Mộng Tuyền (giáo viên Trường THPT Quang Trung, Củ Chi), cô chấm hơn 500 bài thi ngữ văn, phổ điểm nhiều nhất 5-7 điểm, có khoảng 14% điểm dưới trung bình.
 
Đánh giá chung, theo cô Tuyền cái hay của đề ở phần thấu cảm thì phần lớn các em đều hiểu được sự thấu cảm là gì và nhận ra được đâu là điều nên làm hay nên tránh. Tuy nhiên, có thể vì cách ra đề không mới nên học sinh (HS) cũng không sáng tạo nhiều. Đề này có thể tốt cho HS trung bình nhưng với những HS giỏi văn sẽ thiếu hứng thú làm bài vì tư duy các em thích cái mới để sáng tạo.
 
“Ngay như bài được 8,5 điểm cũng vậy, ấn tượng chỉ là thí sinh này làm trọn vẹn 3 điểm phần đọc hiểu. Nghị luận xã hội có nhiều dẫn chứng tốt, cảm xúc đặt vào cũng tốt, phần văn học tập trung vào nghệ thuật để làm bật nội dung, biết cách diễn đạt, không sai lỗi cơ bản về chính tả hay dùng từ, chữ viết rõ ràng và trình bày mạch lạc. Còn lại, phần lớn là những bài viết đều đều, thiếu những bài làm đột phá và gây ấn tượng cho người chấm” - cô Tuyền chia sẻ.
 
Tổng quan về chấm thi bài ngữ văn, theo một giám khảo khác, đề thi năm nay có thể hay với các tỉnh/thành khác nhưng với TP.HCM thì lại quá cơ bản và quen thuộc nên các bài làm cũng khá an toàn, rập khuôn và thiếu sáng tạo. Đáng nói, với phần về bài thơ Đất nước đã quá quen nhưng đa phần các em làm không tới, tư duy về văn học còn yếu, phần này chiếm 5 điểm nhưng đa số các em làm chỉ được 1-2 điểm. Qua đánh giá sơ bộ, toàn TP không có điểm 10 ở bài thi này và cũng có một điểm liệt. Còn lại đến khoảng 70% là điểm trung bình.
 
Thí sinh có 10 ngày để phúc khảo bài thi
 
Theo kế hoạch của Sở GD&ĐT TP, hôm nay (3-7) sẽ tổng kết công tác chấm thi, gửi dữ liệu về Bộ GD&ĐT. Dự kiến chậm nhất ngày 7-7 sẽ công bố kết quả thi, chậm nhất ngày 12-7 hoàn thành việc xét công nhận tốt nghiệp THPT.
 
Ngày 14-7 gửi báo cáo xét tốt nghiệp về cho Bộ và công bố kết quả tốt nghiệp THPT, chậm nhất ngày 17-7 cấp giấy chứng nhận tạm thời, trả học bạ cho thí sinh và giấy chứng nhận kết quả thi cho thí sinh (đối với thí sinh đăng ký xét tuyển đại học được phát duy nhất một bản kết quả).
 
Sau khi có điểm, từ ngày 8 đến 17-7, các thí sinh có thể làm phúc khảo tại nơi thí sinh đăng ký dự thi và không thu phí. Ngày 18-7 Sở sẽ chuyển dữ liệu phúc khảo đi và chậm nhất ngày 24-7 hoàn thành chấm phúc khảo bài thi để hoàn thành xét tốt nghiệp THPT sau phúc khảo.
 
_______________________________
 
Tổng số phiếu trả lời trắc nghiệm phải chấm tại TP.HCM là hơn 202.000 phiếu cho bốn bài thi. Riêng môn ngữ văn có 67.734 bài thi.
 
Để chấm hết lượng bài thi này, TP đã huy động gần 1.000 giáo viên, trong đó khoảng 500 giáo viên chấm bài tự luận, còn lại chấm bài trắc nghiệm.
 
Theo Phạm Anh/Pháp luật TPHCM
 
.