Đặt quá nhiều kỳ vọng vào con cái hoặc do con mình học không được bằng bạn bằng bè mà nhiều phụ huynh đã tìm mọi cách “bắt” con học khá lên, muốn trang bị cho con thật nhiều kiến thức mà không biết rằng nếu quá lạm dụng điều này sẽ khiến trẻ căng thẳng và mệt mỏi.

 

Những giải pháp sai lầm có thể dẫn đến nhiều hệ quả tồi tệ. Hình minh hoạ. Nguồn: Internet
Những giải pháp sai lầm có thể dẫn đến nhiều hệ quả tồi tệ. Hình minh hoạ. Nguồn: Internet
 
 
Đặt kì vọng quá nhiều, cha mẹ đã vô tình tạo nhiều áp lực học hành cho trẻ
 
Nhiều người làm cha làm mẹ hay có suy nghĩ rằng con học kém là vì chúng lười học, chưa dành nhiều thời gian cho việc học nên ép con học thật nhiều. Có những trẻ phải ngồi vào bàn học từ 9 - 10 giờ/ngày. Việc học quá nhiều như vậy sẽ khiến trẻ cảm thấy chán nản, mỏi mệt và ức chế bởi chúng không còn thời gian cho những hoạt động vui chơi, nô đùa theo đúng độ tuổi và sở thích của mình. Điều này dẫn đến tình trạng thiếu sức khoẻ và trẻ không theo được nhịp học trên lớp dẫn đến sự chán nản không muốn học.
 
Ngày nay kỹ thuật công nghệ phát triển, các bà mẹ có nhiều cơ hội tiếp cận với sách và tham khảo các phương pháp nuôi dạy trẻ hiện đại. Tuy nhiên nếu chạy theo cách thức bằng mọi giá để biến con thành thần đồng là một sai lầm. Bởi việc tìm hiểu được thiên hướng của trẻ, kích thích những tố chất nổi trội phát triển không phải là điều dễ dàng. Vậy nên, lời khuyên từ các chuyên gia là đối với những trẻ quá hiếu động, ham chơi...cha mẹ không thể ép con học giỏi ngay lập tức mà điều này còn cần thời gian,  sự kiên trì của gia đình và trường học hướng dẫn từng bước để trẻ làm theo.

 

Trẻ em cần có thời gian thư giãn vui chơi sau những giờ học tập căng thẳng. Điều đó sẽ giúp các em lấy lại năng lượng và tiếp thu kiến thức hiệu quả hơn. Hình minh hoạ. Nguồn: Internet
Trẻ em cần có thời gian thư giãn vui chơi sau những giờ học tập căng thẳng. Điều đó sẽ giúp các em lấy lại năng lượng và tiếp thu kiến thức hiệu quả hơn. Hình minh hoạ. Nguồn: Internet
 
La mắng, đánh đập trẻ chỉ mang lại kết quả xấu
 
Thái độ của cha mẹ đối với việc học tập của con mình là rất quan trọng. Khi cha mẹ đối xử với con bằng thái độ tiêu cực như giận dữ, quát mắng, chửi thề, mất tự chủ… hoặc áp dụng phương pháp trừng phạt như đòn roi, không cho ăn cơm hay doạ cho ra đường, để đi bụi đời… đặc biệt là với những đứa trẻ ngang bướng là phương pháp hoàn toàn sai lầm.
 
Hành động của cha mẹ như vậy có thể khiến trẻ có thái độ chống đối và những việc làm tiêu cực khác. Nhiều trường hợp trẻ phải nói dối bố mẹ về chuyện điểm số, hay việc đến lớp học thêm.
 
Đánh con không giải quyết được vấn đề. Chúng sẽ hiểu rằng người ta có thể giải quyết mâu thuẫn bằng vũ lực. Khi bạn quát bé, bé có thể cũng quát lại bạn. Cảm xúc này ngày một mạnh mẽ và khó kiểm soát hơn khi bé lớn lên. Nếu lỡ làm vậy, cha mẹ nên thành thật xin lỗi trẻ và sửa chữa về sau.
 
Những thái độ, hành động tiêu cực trên của cha mẹ vô tình đã bạo lực tâm lý trẻ. Nhiều em bị cha mẹ la mắng, xúc phạm nhiều quá đã trở nên lầm lì, ít nói, không chịu giao lưu với người khác (dấu hiệu của trầm cảm). Nghiêm trọng hơn, có trẻ đã tự bỏ nhà ra đi, mắc vào các tệ nạn xã hội và có hành vi tự sát.
 
Chia sẻ cùng con, lắng nghe những vướng mắc, băn khoăn, lo nghĩ của con để tìm cách tháo gỡ vấn đề làm cho tâm lý cha mẹ và con được thoải mái. Đây cũng là cơ hội để các thành viên trong gia đình được gần bên nhau, chia sẻ với nhau nhiều hơn nữa. Cảm giác được bố mẹ quan tâm, động viên, giúp đỡ làm trẻ cảm thấy ấm áp và tự tin hơn trong học tập và rèn luyện.
 
Nên nói vừa đủ để con hiểu
 
Một số cha mẹ thường cho rằng mình giỏi con cũng giỏi nên không cần học tập quá nhiều. Họ cho rằng với những trang thiết bị, sách báo đầy đủ, hiện đại, chắc chắn con sẽ học giỏi vì ngày xưa không có điều kiện như thế mà bố mẹ vẫn học tốt, vẫn thành đạt.
 
Chính bởi những quan niệm như vậy nên khi thấy con không bằng bạn bằng bè họ ra sức nói con với ý nghĩ: Cha mẹ dạy con những điều hoàn toàn đúng đắn, con học dốt, mẹ/bố nói để con hiểu tác hại của việc học dốt sẽ như thế nào. Nhiều ông bố bà mẹ thường hay ca thán, “nói dài, nói dai thành nói dại”. Việc nhắc đi nhắc lại những cụm từ “mày học dốt, không phải là con của bố/mẹ…” chỉ làm tâm lý trẻ thêm nặng nề, “chán” nghe những gì bố mẹ nói.
 
Nói vừa đủ, đừng “nhồi nhét” bắt con phải răm rắp nghe và làm theo những gì mình muốn sẽ mang lại tác dụng hơn với trẻ. Đừng để cảnh tan học, trẻ sợ về nhà vì những lời nói của bố mẹ.

 

Hình minh hoạ. Nguồn: Internet
Hình minh hoạ. Nguồn: Internet
 
Nên dành nhiều lời động viên, khen ngợi để trẻ phát huy tố chất
 
Con bị điểm 5 thì cuối tuần không được đi siêu thị cùng mẹ và bữa ấy mẹ không kể chuyện cổ tích con nghe trước khi đi ngủ. Nếu điểm thấp hơn, tối sẽ không được ăn cơm… Lúc nào trẻ cũng chỉ thấy những hình phạt đặt ra với mình nếu không làm theo và làm vừa lòng bố mẹ. Trẻ chỉ nghĩ đến cũng đã sợ, dù không muốn vẫn phải làm vì đấy là bố mẹ yêu cầu.
 
Trẻ nhỏ luôn có nhu cầu và thích được nhận những lời động viên, khen ngợi hàng ngày. Vậy nên, hãy động viên con khi con làm chưa đúng. Luôn khuyến khích sự tìm tòi, sáng tạo của trẻ. Vấn đề điểm số phải chăng thật cần thiết và luôn được ưu tiên, quan tâm hàng đầu đối với trẻ đi học lúc này? Những hình phạt vô lý, cái bực mình cho rằng con không làm được gì cả nếu đã là một đứa trẻ học dốt. Thái độ và hành động này của cha/mẹ là hoàn toàn sai. Giáo dục trẻ vừa là khoa học vừa là  nghệ thuật. Các bậc cha mẹ cần nỗ lực bồi dưỡng nâng cao hiểu biết, kiến thức để trở thành phụ huynh thông minh.
 
Các chuyên gia tâm lý đã đưa ra những lời khuyên cho các bậc phụ huynh. Đó là: Đừng ép con trẻ làm những điều không đúng với tâm lý lứa tuổi của chúng. Đừng ép trẻ phải học để trở thành nhà khoa học, hay bác sĩ, kỹ sư như tâm nguyện của các ông bố bà mẹ, mà hãy giúp trẻ tiếp cận kiến thức theo cách chúng thích. Nếu chúng ta thấy một cháu nhỏ chỉ 3 - 4 tuổi đã đọc được báo, hay làm được nhiều phép tính khó thì xin đừng ảo tưởng cho đó là thần đồng, mà đơn giản là vì chúng có khả năng và thích thú với những điều ấy nên chúng tập trung và làm được.
 
Để trẻ có thể phát huy được các tố chất, người lớn hãy giúp trẻ tập quan tâm đến các lĩnh vực xung quanh. Điều quan trọng là, cung cấp cơ hội cho trẻ làm việc với những điều trẻ quan tâm hoặc có sở trường. Trẻ cũng cần được tiếp cận với những cái mới để chúng có cơ hội trải nghiệm.
 
So sánh con với bạn bè
 
Con bị cô giáo phê bình, điểm kém. Cha mẹ không giữ được bình tĩnh, luôn miệng phàn nàn và so sánh con với người khác là một trong những lỗi hầu như phụ huynh nào cũng mắc phải.
 
Tác hại của việc so sánh này là nhiều trẻ sẽ có tâm lý tự ti, mặc cảm về bản thân như "Dù có cố gắng thế nào thì mình sẽ chẳng bao giờ được bằng các bạn". Xin hãy ghi nhớ, đừng bao giờ đem con mình ra để so sánh với những đứa trẻ khác. Những kiểu so sánh “khiêu binh khích tướng” như vậy không những không có tác dụng mà còn làm cho trẻ mặc cảm, tự ti, ghen tị và phá vỡ mối quan hệ của con với người được so sánh. Mỗi đứa trẻ đều có những tính cách, phẩm chất, tài năng nhất định và không trẻ nào giống trẻ nào.

 

Hành động này sẽ dễ khiến trẻ hình thành tâm lý tự ti và nhút nhát. Hình minh hoạ. Nguồn: Internet
Hành động này sẽ dễ khiến trẻ hình thành tâm lý tự ti và nhút nhát. Hình minh hoạ. Nguồn: Internet
 
Hãy dành nhiều sự quan tâm cho con bạn nhiều hơn
 
Một lẽ dĩ nhiên, trường học là nơi gắn bó với con trẻ nhiều nhất. Đây cũng chính là nơi có ảnh hưởng lớn tới việc phát triển và hình thành nhân cách của trẻ. Sẽ là một sai lầm tại hại nếu bạn không quan tâm và hỏi han con cái của mình. Bên cạnh đó, cha mẹ cũng cần quan tâm đến việc dạy cho trẻ những biện pháp con có thể tự sử dụng để bảo vệ chính mình trước những tai nạn/cám dỗ từ cuộc sống.
 
Hãy để trẻ được phát triển tự nhiên, theo những quy luật vốn có và một cuộc sống vui tươi, sống động. Học mà chơi, chơi mà học như vậy mới thật sự cần thiết cho trẻ nhỏ.
 
Thùy Hương (t/h)