Hiện cả nước có trên 5,5 triệu gia đình được tôn vinh danh hiệu Gia đình hiếu học, theo đánh giá của Hội Khuyến học Việt Nam, điều đó có nghĩa, chí ít chúng ta đã có trên 5,5 triệu học sinh, sinh viên học hành chăm chỉ, tư cách đạo đức tốt.



Vận động người lớn tham gia học tập suốt đời

Yêu cầu đối với Gia đình hiếu học và Dòng họ hiếu học là mỗi gia đình hiếu học có ít nhất 1 hội viên khuyến học, mỗi dòng tộc hiếu học có 1 chi hội (hay 1 ban) khuyến học. Chính yêu cầu này đã góp phần không nhỏ vào việc nâng số lượng hội viên Hội Khuyến học lên tới gần 11 triệu người, chiếm trên 12% dân số trong cả nước. Như vậy, gia đình hiếu học và dòng họ hiếu học là yếu tố hết sức cần thiết đối với công tác tổ chức và công tác hội viên của Hội Khuyến học Việt Nam.

GS Phạm Tất Dong cho biết, Hội Khuyến học rất cần những giải pháp và cơ chế vận động người lớn tham gia học tập suốt đời. Gia đình hiếu học, Dòng họ hiếu học, Cộng đồng khuyến học trách nhiệm bảo đảm người lớn trong gia đình, trong dòng họ, trong cộng đồng tham gia một hoặc nhiều hình thức học tại các thiết chế giáo dục không chính quy, tạo cơ hội và điều kiện để ai cũng học và ai cũng tham gia thúc đẩy việc học tập của người khác. Số người lớn học tại các cơ sở giáo dục không chính quy trong mấy năm vừa qua, tính trung bình khoảng 12 triệu lượt người/năm. Trong số này, hầu hết đều chịu sự tác động của gia đình, dòng họ hiếu học và cộng đồng khuyến học.

Sự phát triển các gia đình hiếu học, dòng họ hiếu học, cộng đồng khuyến học đã gia tăng số lượng các loại quỹ khuyến học, tích lũy đáng kể lượng tiền dùng vào việc khuyến học, khuyến tài. Trong phong trào chung phát triển các loại hình quỹ khuyến học, hiện nay đã có quỹ khuyến học của gia đình, của dòng họ, của cộng đồng bên cạnh các quỹ khuyến học của các tổ chức, của các cấp Hội Khuyến học như quỹ khuyến học của tỉnh hội, huyện hội và quỹ khuyến học của các chi hội cơ sở hoặc các Ban khuyến học.
 

Theo Dân trí

.