Năm học 2012-2013 vừa qua, Trường Tiểu học Mạo Khê B (Đông Triều, Quảng Ninh) đã triển khai Mô hình trường học mới Việt Nam (mô hình VNEN). Đến nay, sau 1 năm triển khai, mô hình VNEN đã phát huy hiệu quả tích cực, nâng cao kết quả học tập của học sinh, tạo sự tự tin trong giao tiếp, đặc biệt là thay đổi cách dạy, cách học cho cả giáo viên và học sinh phù hợp với xu thế phát triển của giáo dục hiện đại.
|
Những tiết học theo mô hình trường học Việt Nam mới ở trường Mạo Khê B |
Mô hình trường tiểu học mới Việt Nam (còn gọi là VNEN) là dự án hợp tác đổi mới phương pháp dạy học do Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Quỹ hợp tác giáo dục toàn cầu triển khai thực hiện thí điểm giai đoạn 2012- 2015 cho cấp tiểu học. Mô hình giáo dục này được UNICEP, UNESCO, WB đánh giá cao, đã thực hiện thành công ở nhiều nước đang phát triển.
Ngay sau khi Trường Tiểu học Mạo Khê B vinh dự được Phòng GD&ĐT huyện Đông Triều lựa chọn để thực hiện mô hình VNEN trên địa bàn huyện Đông Triều, đội ngũ giáo viên của trường Mạo Khê B đã bắt tay triển khai 7 lớp năm học 2012-2013. Để triển khai được tốt mô mình VNEN, lãnh đạo nhà trường đã lựa chọn, bố trí và phân công giáo viên đứng lớp phải là các giáo viên có tay nghề chuyên môn vững vàng, tâm huyết, nhiệt tình, trách nhiệm cao, sức khỏe tốt. Các giáo viên được tham gia các lớp tập huấn cấp tỉnh; thường xuyên dự giờ, rút kinh nghiệm, điều chỉnh phương pháp, hình thức tổ chức dạy học của giáo viên cho phù hợp và đạt kết quả. Cơ sở vật chất các lớp học được trang bị tốt theo yêu cầu của một lớp học VNEN. 7/7 lớp được trang bị đồng bộ, đảm bảo tính thẩm mĩ và tiện dụng đối với hoạt động học tập của học sinh. Cách trang trí phòng học tạo ra môi trường thân thiện, màu sắc, hình ảnh sinh động, có đầy đủ bảng ghi 10 bước học tập; các góc học tập theo môn học…Cách trang trí phòng học không chỉ để cho đẹp mắt mà hướng tới mục đích phục vụ nhu cầu học tập và hoạt động mang tính xã hội của học sinh. Cách sắp xếp bàn ghế thay đổi, thay vì bàn ghế sắp theo hàng ngang như trước đây, các lớp học VNEN được sắp xếp theo nhóm học sinh.
Tham dự giờ học của các em học sinh lớp 3A, chúng tôi cảm nhận sự khác biệt rõ nét so với lớp học truyền thống. Thay vì lời giới thiệu của cô giáo chủ nhiệm như trước đây, một học sinh nữ được giới thiệu Trần Minh Giang là Trưởng ban Đối ngoại lên chào khách và bắt đầu giới thiệu về lớp học một cách tự tin. Theo mô hình mới, mỗi lớp thành lập một hội đồng tự quản và các ban học tập, thư viện, đối ngoại... thay cho ban cán sự lớp để tổ chức các hoạt động tự học. Bằng việc phân chia thành các nhóm, các em cùng nhau học tập, tự tìm hiểu và lĩnh hội tri thức còn giáo viên chỉ là người hướng dẫn và đánh giá sau cùng. Theo mô hình mới này, học sinh không còn thụ động tiếp thu bài giảng của giáo viên mà giữ vai trò trung tâm trong giờ học. Điểm khác biệt dễ nhận thấy nữa là lớp học được trang trí khoa học, sinh động, phù hợp với lứa tuổi học sinh tiểu học. Các em ngồi học theo nhóm, quay mặt vào nhau để cùng trao đổi và tự học. Không gian lớp học với góc học tập, góc trưng bày sản phẩm, góc cộng đồng, hòm thư vui... tạo môi trường giáo dục thân thiện.
Cô giáo Đinh Thị Kim Cúc, giáo viên chủ nhiệm lớp 3A, cho biết: Học tập theo mô hình mới, cách “cô giảng – trò nghe, cô đọc – trò chép” thường gặp ở các lớp học truyền thống không còn xuất hiện, thay vào đó cô giáo đến từng nhóm hướng dẫn các em đọc tài liệu, rồi cô đặt câu hỏi và các em tự trao đổi, tìm nội dung bài học. Chỗ nào không hiểu các em sẽ “cứu trợ” và được giáo viên giải đáp, hướng dẫn. Vì thế, sách giáo khoa cũng được đổi mới về hình thức, giáo viên không cần phải soạn giáo án như trước đây mà phải đầu tư nghiên cứu, sáng tạo và chuẩn bị nhiều đồ dùng theo yêu cầu cơ bản của tiết học.
Về phía học sinh, các em hoàn toàn chủ động trong giờ học để khám phá và tìm ra nội dung bài học bằng cách trao đổi, tranh luận, biết nêu vấn đề và giải quyết vấn đề thông qua học tập theo nhóm, theo cặp. Các tiết học không tạo áp lực đối với các em, từ đó kích thích sự sáng tạo, tự tin trong giao tiếp và biết hợp tác khi tham gia các hoạt động tập thể, giúp các em hiểu bài tốt hơn, sâu hơn. Các bạn học sinh yếu kém được giáo viên quan tâm kèm cặp và được các bạn trong nhóm giúp đỡ để hoàn thành nhiệm vụ. Điều này giúp cho các em không còn tự ti, mặc cảm vì học yếu, vì điểm thấp như trước đây. Mỗi ngày đến trường, các em không chỉ được tiếp thu kiến thức mà còn được học về kỹ năng sống, những tiết học gần gũi, gắn bó chặt chẽ với cuộc sống thường nhật giúp các em biết tự khẳng định mình và có ý thức đoàn kết cao.
Điều đặc biệt của mô hình VNEN là trong nội dung bài học có hoạt động ứng dụng yêu cầu sự giúp đỡ của bố mẹ, người thân trong gia đình. Vì thế, phụ huynh có thể học cùng con, hướng dẫn con nếu cần thiết. Từ đó, phụ huynh thấy được lực học thực chất của con em mình để phối hợp với nhà trường giúp đỡ các em đạt hiệu quả cao nhất trong học tập.
Cô Phạm Thị Nguyệt, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Mạo Khê B, cho biết: Đây là năm thứ 2 nhà trường thực hiện mô hình VNEN với nhiều điểm mới như thực hiện 3 trong 1, bao gồm: 1 cuốn tài liệu dùng chung cho cả giáo viên - học sinh - phụ huynh; cơ sở vật chất phục vụ dạy học từ sự đóng góp của nhà trường - gia đình - cộng đồng. Mô hình mới tạo ra không khí giờ học sôi nổi, tích cực, lôi cuốn các em học sinh cùng tham gia tìm hiểu nên giờ học đạt chất lượng tốt. Sự thi đua giữa các nhóm ngày càng cao, đặc biệt tính tương tác giữa giáo viên với học sinh, học sinh với học sinh và phụ huynh với nhà trường ngày càng tăng lên. Đánh giá chất lượng học sinh cuối năm không bằng điểm số mà bằng nhận xét của cả quá trình học tập thông qua nhật ký của giáo viên, học sinh, phiếu đánh giá của phụ huynh... Từ những ưu điểm nổi trội của mô hình trường học mới với những kết quả bước đầu đáng phấn khởi trong năm học mới 2013-2014, nhà trường sẽ nhân rộng mô hình triển khai thêm 4 lớp khối lớp 2.
NGƯT Lưu Xuân Giới – Trưởng phòng GD&ĐT huyện Đông Triều cho biết, Mô hình trường học Việt Nam mới là sự tích hợp ưu điểm của nhiều đề án đổi mới giáo dục. Cái được rõ rệt nhất của mô hình này là làm thay đổi phương pháp giáo dục, dễ học, dễ dạy hơn: Làm cho mọi người, nhất là cán bộ, giáo viên thay đổi sâu sắc quan niệm về nhà trường, nhà trường không còn là nơi chỉ dạy chữ mà là nơi giáo dục toàn diện cho học sinh. Việc tổ chức hoạt động giáo dục được thực hiện trong môi trường dân chủ, thân thiện, học sinh được trình bày, nói rõ ý kiến, suy nghĩ của mình, làm thay đổi ý thức tự quản, ý thức hợp tác hoạt động của các em học sinh. Đồng thời qua tổ chức dạy học và tổ chức các hoạt động giáo dục khác, học sinh không những tiến bộ nhanh trong việc tiếp thu nội dung của chương trình mà các năng lực khác như năng lực tự quản, năng lực hợp tác, ...cũng sớm được hình thành.
Với những kết quả bước đầu đạt được thiết thực, cụ thể, Mô hình trường học mới Việt Nam sẽ được ngành giáo dục huyện Đông Triều triển khai rộng trên địa bàn nhằm thực hiện hiệu quả Đề án đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Hoàng Hưng