Từ việc thí điểm không chấm điểm học sinh lớp 1, Bộ GD-ĐT dự kiến hướng tới bỏ chấm điểm học sinh ở bậc tiểu học. Xung quanh vấn đề này, nhiều ý kiến cho rằng trách nhiệm giáo viên sẽ nặng nề hơn và giáo viên phải công tâm.

 


Tại Đà Nẵng, theo ghi nhận của PV, thời điểm này vẫn chưa có văn bản hướng dẫn về việc bỏ chấm điểm HS bậc Tiểu học. Theo ông Lê Trung Chinh - Giám đốc Sở GD-ĐT Đà Nẵng, đây mới là dự kiến của Bộ GD-ĐT, song quan điểm của ngành tại Đà Nẵng là ủng hộ việc bỏ chấm điểm để tránh áp lực học về điểm số, thành tích cho các em HS ở bậc tiểu học.
 
Ông Chinh chia sẻ: “Dự thảo của Bộ phù hợp với tâm lý HS ở lứa tuổi tiểu học và nó cũng phù hợp với việc đổi mới căn bản về giáo dục và đào tạo. Về quan điểm thì chúng tôi ủng hộ quan điểm này và sẽ triển khai trong toàn ngành khi Bộ chính thức có chủ trương. Khi triển khai bỏ chấm điểm cho HS, thì trách nhiệm của ngành, của các trường và GV đứng lớp phải nâng lên”.

Để triển khai hiệu quả không chấm điểm cho HS, sự công tâm của GV đứng lớp thực sự quan trọng. Bên cạnh đó, là sự giám sát chặt chẽ của nhà trường để tránh việc GV đánh giá, nhận xét HS theo cảm tính. Bà Phan Thị Thu Lan - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Võ Thị Sáu - trường học đã triển khai thí điểm không chấm điểm HS lớp 1 ở Đà Nẵng - chia sẻ: “Qua 1 năm không cho điểm số cho các em, cái được thấy rõ ràng là giảm áp lực điểm số cho các em HS. Nhưng GV khi đánh giá HS cuối năm học phải thực sự công tâm, công bằng mới đem lại hiệu quả giáo dục tốt. Đồng thời, nhà trường thường xuyên kiểm tra vở chấm bài của GV; theo dõi những HS nào còn yếu kém, HS nào có năng lực học tập hay có năng khiếu đặc biệt ở một bộ môn nào đó để thông báo với phụ huynh, cùng nhau theo dõi việc học tập của các em”.
 

Theo Dân trí

.