Mấy ngày qua, trước “tin dữ” trường THPT Lý Tự Trọng sẽ bị giải thể, nhiều giáo viên của trường cho rằng, đây là việc làm đi ngược với “giáo dục là quốc sách hàng đầu”, là phản giáo dục.
Theo thông báo ngừng tuyển sinh từ Sở vào cuối tháng 4/2014, do trường THPT Lý Tự Trọng tồn tại không đúng pháp lý, không đúng điều lệ vì nằm trực thuộc trường cao đẳng nên Sở xin chủ trương của UBND TP.HCM cho giải thể trường.
Theo đó, trong năm học 2014 – 2015, trường sẽ không tuyển sinh khối lớp 10, chỉ duy trì hoạt động khối 11 và 12. Đến năm 2016 - 2017, sau khi khối học sinh 12 (hiện tại là lớp 10) tốt nghiệp thì trường sẽ giải thể.
Quyết định trên đã gặp phải phản ứng mạnh mẽ từ phía giáo viên, phụ huynh và học sinh nhà trường. Trao đổi với PV Báo Infonet vào tối ngày 10/5, thầy Lê Tấn Long, giáo viên môn Sử của trường, từng có 20 năm đứng lớp cho biết, cho đến giờ phút này, thầy vẫn còn bàng hoàng trước quyết định đóng cửa đột ngột của Sở GD&ĐT TP.HCM. Bởi theo thầy Long, tất cả giáo viên của trường, từ hiệu trưởng đến học sinh đều không hay biết gì trước quyết định trên của Sở Giáo dục.
“Đây là thời bình chứ có phải thời chiến đâu mà Sở đưa ra những quyết định nhanh chóng đến vậy được. Trong khi nhiều năm nay trường có chất lượng giáo dục tốt, được chính ngành giáo dục từ Bộ đến Sở công nhận qua loạt bằng khen, giấy khen, được UBND TP.HCM tặng thưởng danh hiệu tập thể lao động xuất sắc liên tục từ năm 2006 – 2013. Vậy thì việc đóng cửa một ngôi trường như vậy là điều không hiểu nổi và phản giáo dục”, thầy Long bức xúc nói.
Thầy Long cũng lo ngại, học sinh cũng luôn trong tâm trạng lo lắng về số phận của trường nên sẽ ảnh hưởng đến việc học tập nghiêm trọng.
Sở vẫn chưa có lời giải đáp
Làm việc từ khi trường THPT mới thành lập đến nay đã 16 năm, cô Nguyễn Hồng Thanh, giáo viên môn Văn, chia sẻ, các giáo viên không muốn xóa bỏ ngôi trường này. Nếu không đúng điều lệ, Sở có thể cho tách trường THPT ra khỏi trường cao đẳng, thành lập một bộ máy mới cho nhà trường theo đúng quy định.
Không nên áp đặt một chiều, khi chưa tham khảo ý kiến, đóng góp của giáo viên, phụ huynh và học sinh đã có quyết định giải thể. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý của giáo viên và học sinh.
Nhiều giáo viên khẳng định, dù phản đối quyết định trên, nhưng họ sẽ tiếp tục dạy cho các học sinh để bước vào các kỳ thi sắp tới. Tuy nhiên, ông Phan Thành Chính, Trưởng ban đại diện cha mẹ học sinh trường THPT Lý Tự Trọng cho rằng, đưa ra quyết định ở thời điểm này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc ôn thi của thầy và trò. Giáo viên không biết tương lai sẽ làm việc ở đâu thì khó chuyên tâm dạy tốt cho học sinh được.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM cho biết, Sở đang có hướng là nhà trường nếu muốn tuyển sinh trong năm học 2014 – 2015 thì cần phải xây dựng đề án trình lên Sở để xem xét.
Tuy nhiên, ông Văn Công Sang cho biết, sau khi nghe Ban chỉ đạo tuyển sinh nhà trường tư vấn, ông sẽ quyết định xem có xây dựng đề án tuyển sinh tiếp hay không. Nhưng về quan điểm, không nên tuyển sinh trở lại, vì bây giờ cho tuyển sinh cũng rất ít phụ huynh đăng ký. Trường THPT Lý Tự Trọng chỉ là giải pháp tình thế khi trường cao đẳng chưa phát triển, trong khi nhu cầu về trường học cho học sinh rất bức thiết.
Hiện nay, Trường Cao đẳng Lý Tự Trọng đã phát triển mạnh với khoảng 5.000 sinh viên, dẫn đến thiếu phòng học cho sinh viên. Bên cạnh đó, trong khu vực Tân Bình đã có nhiều trường nên giải thể trường THPT Lý Tự Trọng là hợp lý, để trả lại phòng (28 phòng) cho sinh viên.
Hiện chưa có thông tin về việc sắp xếp công việc cho khoảng 60 giáo viên khi trường giải thể khiến giáo viên rất lo lắng. Ông Văn Công Sang cho rằng, chưa có hướng giải quyết cụ thể cho vấn đề này. Tuy nhiên, với số lượng giáo viên không nhiều thì lo gì không có chỗ làm, việc này nằm trong tầm tay của Sở (?). Hơn nữa, giáo viên sẽ tìm được việc ở các trường chung quanh khu vực sinh sống.
Theo tìm hiểu của PV, Phân hiệu trường THPT Bán công Lý Tự Trọng trong trường Trung học kỹ thuật Lý Tự Trọng, được thành lập theo quyết định của UBND TP.HCM vào năm 1999. Năm 2006, trường được phép chuyển thành trường công lập năm trong trường Cao đẳng kỹ thuật Lý Tự Trọng. Ngày 31/12/2013, Sở GD&ĐT đã có quyết định thành lập Hội đồng trường nhiệm kỳ 2013 – 2018. Trong năm học 2013 – 2014, trường THPT Lý Tự Trọng có gần 1.600 học sinh.
Theo Infonet