(BVPL) - Tranh chấp ở trường Đại học Hoa Sen kéo dài hơn một năm nay là một điều đáng tiếc làm tổn thương đến uy tín của nhà trường và của khu vực các trường ngoài công lập nói chung.

 

Để rộng đường dư luận, Báo Bảo vệ Pháp luật điện tử  sẽ đăng tải loạt bài viết tổng hợp về những vụ việc, phân tích nguyên nhân để dư luận có góc nhìn chính xác hơn về sự thật này.

 

 

Bắt đầu từ Đại hội đồng cổ đông bất thường (ĐHCĐ) vào tháng 8/2014 nhằm bãi nhiệm HĐQT hiện tại, cuộc chiến tại Đại học Hoa Sen (ĐHHS) đã diễn ra trên cả mặt trận truyền thông lẫn pháp lý. Trên mặt báo, thoạt tiên Hiệu trưởng đương nhiệm Bùi Trân Phượng quy kết cuộc tranh chấp này là cuộc chiến giữa bà - người tự cho rằng ĐHHS là trường không vì lợi nhuận - với nhóm cổ đông bị bà kết án là những người chủ trương vì lợi nhuận.

 

Về sau, khi có nhiều thông tin hơn, mọi người dần hiểu đúng thực chất vấn đề: Đây là tranh chấp về quyền quản trị nhà trường.

 

Câu hỏi đặt ra là ĐHHS từ xưa đến nay có phải là trường không vì lợi nhuận (KVLN) hay không, và nếu không, thì tại sao bà Hiệu trưởng bằng mọi giá phải chứng tỏ đó là trường KVLN? Liệu có thể có cuộc tranh chấp giữa vì lợi nhuận (VLN) với KVLN nếu Hoa Sen chưa bao giờ là trường KVLN?

 

Đại Học Hoa Sen xưa nay có phải là trường KVLN?

 

Hiệu trưởng Bùi Trân Phượng cho rằng Hoa Sen là trường KVLN, dựa trên những tuyên bố của ĐHHS từ xưa đến nay, thể hiện trong Đề án thành lập trường đã nộp cho Bộ GDĐT và UBND TP.HCM, dựa trên bản cáo bạch khi cổ phần hóa, dựa trên Quy chế Tổ chức và Hoạt động của Trường.

 

Tuy nhiên, trước khi Nghị định 141/NĐ-CP và  Quyết định 70/ QĐ-TTg ban hành, không có bất cứ định nghĩa chính thức nào có giá trị pháp lý về trường KVLN.

 

Đại học Hoa Sen (ảnh minh họa)
Đại học Hoa Sen (ảnh minh họa)

 

Không riêng ĐHHS, hầu như tất cả các trường tư thục khác đều tuyên bố mình là KVLN. Nhưng tính chất của một tổ chức, đặc biệt là cương vị pháp lý của một trường, không thể xác định bằng một lời tuyên bố.

 

Cương vị pháp lý của nhà trường phải được quy định bởi cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền. Vì vậy, trước khi Nghị định 141/NĐ-CP và Quyết định 70/QĐ-TTg ra đời, không có sự phân biệt giữa trường KVLN và VLN. Hai văn bản này ra đời một phần chính là nhằm giải quyết khoảng trống này, trong đó quy định rõ ràng trình tự và thủ tục để được công nhận là trường KVLN.

 

Vì vậy, cho đến nay, ĐHHS chưa phải là trường KVLN. Câu trả lời này, về mặt pháp lý, đã được UBND TP.HCM khẳng định qua công văn 1926/UBND-VX ngày 11/04/2015, và Bộ GDĐT cũng tái khẳng định một lần nữa mới đây qua công văn 5032/BGDĐT-TCCB ngày 01/10/2015: ĐHHS chưa phải là trường đại học KVLN và nếu muốn hoạt động như một trường KVLN thì phải làm thủ tục chuyển đổi theo luật định.

 

Xét trên thực tế, Điều lệ tổ chức hoạt động hiện hành của ĐHHS, chương IV và chương V nói về vốn điều lệ, cổ phần, cổ đông, cổ tức, không khác gì một doanh nghiệp vì lợi nhuận. Quan trọng hơn, trong thực tế, từ khi trở thành trường đại học, ĐHHS đã chia cổ tức ở mức vượt quá lãi suất trái phiếu (xem Bảng 1), nếu cộng đủ số cổ phiếu thưởng, thì mức lãi thực sự mà các cổ đông nhận được còn lớn hơn nhiều.

 

Đơn cử trường hợp bà Bùi Trân Phượng, năm 2007 sở hữu 0,72% tổng số cổ phần, đến năm 2013 sở hữu 4,71% tổng số cổ phần, là nhờ chính sách chia lãi qua cổ phiếu thưởng và mua lại cổ phiếu của người khác. Thu nhập cả năm của bà ở ĐHHS năm 2007 là 348 triệu đồng, năm 2013 là 1,817 tỉ đồng, tăng 521%.

 

Vì vậy, nếu lấy định nghĩa về trường KVLN của Nghị định 141/NĐ-CP và Quyết định 70/ QĐ-TTg để áp dụng cho việc xem xét hoạt động của Hoa Sen thời gian từ 2007-2014, thì hiển nhiên Hoa Sen không phải là trường KVLN.

 

Bảng: Tỉ lệ chia lãi cho cổ đông Hoa Sen từ năm 2007-2014
Bảng: Tỉ lệ chia lãi cho cổ đông Hoa Sen từ năm 2007-2014

 

Phản ứng của ban điều hành đương nhiệm Đại học Hoa Sen

 

Ngay sau khi việc tranh chấp quyền quản trị ĐHHS nổ ra, bà Bùi Trân Phượng đã gửi đi nhiều công văn đề nghị các cấp thẩm quyền cho phép ĐHHS thực hiện chuyển đổi sang KVLN bằng cách dùng số tiền của nhà trường để mua lại số cổ phần của những cổ đông không tán thành cách điều hành của bà.

 

Tháng 1/2015, bà tự ý tổ chức Đại hội toàn trường theo quy chế của trường KVLN, bất chấp việc nhà trường chưa làm thủ tục chuyển đổi và chưa được công nhận cương vị trường KVLN.

 

Sau khi nhận được hai công văn nói trên của UBND TPHCM và của Bộ GDĐT, ĐHHS tiếp tục gửi công văn 1193/ĐHHS-HĐQT ngày 9/11/2015 cho Bộ GD-ĐT để phản đối, cho rằng ý kiến của Bộ là thiếu cơ sở vì không xem xét toàn diện thực tiễn. Hiệu trưởng trường còn quy kết là kết luận này của Bộ “phủ định giá trị của NQ 05/2005 trong việc khích lệ các tổ chức KVLN”.

 

Câu hỏi đặt ra là: Vì sao ĐHHS không thực hiện trình tự luật định để chuyển đổi thành trường KVLN mà nhất định phải thúc ép các cơ quan có thẩm quyền phải ủng hộ để trường trở thành KVLN? Có thực sự ĐHHS hoạt động KVLN hay không?

 

Đặc biệt là mức thu nhập của hiệu trưởng ở một trường “tự phong” là KVLN mà lại cao ngất ngưỡng gần 180 triệu đồng/tháng?

 

Một giảng viên của trường, cho biết: “Mỗi lần bà Hiệu trưởng hô hào thưởng cho CB-CNV 3 tháng lương, cũng chính là lúc bà tự thưởng vào túi riêng của mình gần 400 triệu đồng. Như vậy, lương của 10 giảng viên giỏi/3 tháng cũng chỉ bằng mức thưởng của một mình bà/tháng. Vậy đâu là sự thật của sự hô hào chuyển đổi trường này thành trường ĐH KVLN”

 

Nhật Minh

.