Với số tiền như vậy không chỉ dành riêng để thay đổi sách giáo khoa, mà còn nhiều khoản chi phí khác như tập huấn cho giáo viên, chi phí tài liệu tham khảo…

Tại buổi họp báo quý 1, do Bộ GD&ĐT tổ chức chiều ngày 15/4, các câu hỏi dư luận quan tâm xung quanh Dự thảo nghị quyết đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông sau năm 2015, với số kinh phí “khủng” là trên 34 ngàn tỷ đồng.

Ông Đỗ Ngọc Thống, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học giải thích vì sao đổi mới sách giáo khoa lại hết nhiều kinh phí đến vậy: “Bất kể một đề án nào chúng ta cũng phải có khái toán, rồi trải qua một quá trình thẩm định của rất nhiều cơ quan khác nhau, thẩm tra của Quốc hội… Ngoài ra, với số tiền như vậy không chỉ dành riêng để thay đổi sách giáo khoa, mà còn nhiều khoản chi phí khác như tập huấn cho giáo viên, chi phí tài liệu tham khảo…”
 

Bộ GD&ĐT họp báo giải thích số kinh phí
Bộ GD&ĐT họp báo giải thích số kinh phí "khủng" để thay đổi sách giáo khoa


Theo ông Thống, dự thảo Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông lần này có những đổi mới căn bản. Theo đó, chuyển từ cách tiếp cận nội dung sang cách dạy học hình thành năng lực và phẩm chất. Điều này dẫn đến cách dạy học phải thay đổi, không chỉ rao giảng kiến thức mà phải cho học sinh thực hành vận dụng trong thực tiễn.

Không những vậy, nội dung sách giáo khoa sau khi đổi mới không những đáp ứng được nhu cầu dạy và học, mà còn theo kịp chương trình của các nước trong khu vực.

“Bên cạnh đó, việc thay đổi sách giáo khoa sẽ kéo theo hàng loạt vấn đề, cách lựa chọn các đơn vị kiến thức phải thay đổi, không đưa nội dung quá nặng, quá cao so với yêu cầu học vấn phổ thông mà tăng cường thời gian thực hành, luyện tập, tăng cường vận dụng kiến thức. Kiểm tra, đánh giá cũng phải thay đổi và về việc này, Bộ GD&ĐT đã triển khai theo lộ trình.” – Ông Thống cho biết.

Theo ông Thống, việc đổi mới sách giáo khoa sau năm 2015 sẽ có mấy điểm mới sau: Đó là chương trình sẽ được thực hiện theo mạch xuyên suốt các môn học, từ lớp 1 đến lớp 12, khắc phục chuyện trùng lặp, thiếu liên thông mà chương trình hiện hành đang mắc phải.

Ngoài ra, chúng ta còn bổ sung tất cả các trường thiết bị cần có, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để tránh đầu tư quá nhiều tiền. Bên cạnh đó, đổi mới lần này là đổi mới cả cách dạy và cách học, hình thức tổ chức dạy học. Vì vậy, việc đầu tư cho trang thiết bị, Bộ sẽ đưa tiêu chí cho từng trường khi đầu tư trang thiết bị tối thiểu là đủ cơ sở, phòng học…

Cách thiết kế chương trình và tổ chức biên soạn sách giáo khoa mới cũng sẽ có sự thay đổi lớn, với nguyên tắc là tích hợp cao ở lớp và cấp học dưới sau đó là tự chọn và phân hóa cao ở lớp và cấp học trên. Đồng thời tránh trùng nội dung sách giáo khoa, tăng cường tính tự chủ của học sinh, hình thành năng lực của học sinh, để học sinh tự chủ vận dụng kiến thức đó.

Cách thiết kế này cho phép lựa chọn có chủ đích trong khối kiến thức rất lớn, rất phong phú của các lĩnh vực khoa học những nội dung phù hợp với lứa tuổi (tâm lý, kỹ năng, nhận thức…) của học sinh phổ thông, gần với cuộc sống, thiết thực tham gia vào quá trình hình thành phẩm chất và năng lực của người lao động mới.

Cũng tại buổi Họp báo ông Phạm Mạnh Hùng, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho biết: “ Con số trên 34 nghìn tỷ là con số khái toán trên cơ sở định mức quy định về tài chính. Triệt để thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, Bộ GD&ĐT sẽ rà soát lại để có con số khả thi, tiết kiệm, hiệu quả, xuất phát từ nhu cầu tất yếu của đổi mới chương trình, sách giáo khoa để Quốc hội chính thức thông qua.”


Theo Infonet