30 năm làm Hiệu trưởng, thu học phí không ra phiếu thu theo quy định, tiền bảo hiểm không đem nộp cho cơ quan bảo hiểm, mở cổng sau “độc quyền"...
Trên đây là những vấn đề đã và đang gây bức xúc đối với các giáo viên và phụ huynh của một ngôi trường thuộc vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh Cà Mau.
Từ “độc quyền” đến… lạm quyền
Tiếp xúc với phóng viên, nhiều phụ huynh, giáo viên và người dân sống quanh khu vực chợ xã Thanh Tùng, huyện Đầm Dơi (Cà Mau) phản ánh, ông Trần Vũ Cương (Hiệu trưởng trường Trung học Cơ sở Thanh Tùng) đã có thời gian hơn 30 năm làm Hiệu trưởng.
Theo Điều lệ trường Trung học Cơ sở, Trung học Phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học quy định, thời gian đảm nhận chức vụ Hiệu trưởng của một trường không quá 2 nhiệm kỳ, như vậy vai trò của pháp luật và các cơ quan chức năng ở đâu, sao không áp dụng với hành vi sai trái này?
Theo phản ánh, ông Trần Vũ Cương lên làm Hiệu trưởng trường Trung học Cơ sở Thanh Tùng từ khoảng năm 1984, 1985; sau được điều động đi trường khác hơn 1 năm rồi tiếp tục quay trở lại làm Hiệu trường đến nay.
|
Dư luận đặt vấn đề thắc mắc, nhà Hiệu trưởng sát hàng rào của trường sao không đi được cổng chính là lại mở cổng sau “cho nó tiện”? |
“Nguyên nhân khiến Hiệu trưởng bị điều chuyển đi nơi khác không đơn thuần do lệnh cấp trên mà thời điểm đó nhiều phụ huynh đã kéo đến gặp lãnh đạo huyện và phản ánh buộc ông phải thôi chức một thời gian”, ông Trương Tuyên Hoàng (hội cha mẹ học sinh của trường năm học 2006 -2007) bức xúc cho biết.
Cũng theo ông Hoàng, trong thời gian ông hoạt động hội cha mẹ phụ huynh suốt năm học, dù nhà Hiệu trưởng ở gần trường nhưng vào các cuộc hội họp, hiếm khi thấy tham dự với lý do "bận công việc"…
Nhiều người nhận định, từ việc “độc quyền’ làm Hiệu trưởng suốt hơn 30 năm không bị lung lay, lãnh đạo trường Trung học Cơ sở Thanh Tùng còn che dấu nhiều “khuất tất” và có dấu hiệu lạm quyền.
Cụ thể theo phản ánh, Hiệu trưởng đã tự ý mở cổng phụ sát hàng rào cổng trường (chỉ dành riêng cho việc đi lại) nhằm buôn bán hàng của gia đình.
Chẳng những tự mở cổng sau sai quy định và kéo dài đã nhiều năm mà vào giờ giải lao, trường này cũng không hề mở cổng chính để Hiệu trưởng có thể “độc quyền: kinh doanh buôn bán.
“Không biết khả năng quản lý của nhà trường tới đâu nhưng nếu để cổng phụ này mở lâu thêm nửa thì nhà Hiệu trưởng sẽ giàu to…”, một phụ huynh bức xúc.
Đáng chú ý hơn, trong khi cổng phụ luôn được mở thì nhà của một hộ kinh doanh cũng ở sát hàng rào trường, không những chỉ bị che lưới chì B40 mà còn bị tôn xi măng lấp mất khiến phía trong trường, học sinh khó mà gọi mua đồ ăn thức uống…
Mới đây, ông Trần Vũ Cương đã bất ngờ đứng trước hội đồng Sư phạm tuyên bố giáo viên Nguyễn Thị Hải Nhung (có thâm niên gần 20 năm dạy môn Văn – Sử của trường) nằm trong danh sách dôi dư và sẽ bị điều chuyển.
Cô Nhung sẽ sang làm công tác phổ cập giáo dục trong khi nữ giáo viên này có tình trạng sức khỏe kém, đang điều trị và không biết lái xe.
Theo trình bày của cô Nhung, để “đưa” cô vào vị trí "dôi dư", ông Trần Vũ Cương đã cố tình điều một giáo viên dạy môn Địa – Sử vào làm công tác thư viện, rồi chuyển người đã làm công tác thư viện nhiều năm sang dạy môn Văn lớp 6 và lớp 8 nên cô mới bị thừa.
|
Trong khi Hiệu trưởng có cả cái cổng sau để buôn bán thì hàng rào của trường phía cạnh nhà dân thì lại… như thế này! |
“Nếu thầy Hiệu trưởng giữ nguyên vị trí của những năm học cũ thì diện dôi dư không phải là tôi mà là một giáo viên khác. Đó là còn chưa nói đến việc bản thân tôi không hề hay biết trước việc bị phân công làm công tác phổ cập dù chỉ một ngày”, cô Nhung bức xúc.
Trả lời phóng viên, ông Võ Lợi (Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đầm Dơi) cho biết, “cổng phụ” của trường Trung học Cơ sở Thanh Tùng đã có nhiều năm nhưng không phải để buôn bán mà để cho Hiệu trưởng tiện đi lại.
“Lúc đó tính để “cho nó tiện” nhưng nếu thấy không được thì để tôi cho đóng lại”, ông Võ Lợi nói.
Còn về việc tại sao ông Hiệu trưởng Cương có thể “độc quyền” làm Hiệu trưởng suốt 30 năm thì vị Trưởng phòng giáo dục cho rằng, do vùng sâu vùng xa nên khó kiếm người thay đổi!
Và, nhiều bất cập
Ngoài những vấn đề gây bức xúc nói trên, còn nhiều bất cập khác nhưng không ai dám lên tiếng do có nhiều con, cháu những người dân đang theo học tại đây…
Theo phản ánh của anh Lê Công Cuộc (ấp Thanh Tùng), vào đầu năm học 2014 – 2015, anh có đóng bảo hiểm tai nạn cho con gái anh (đang học lớp 9) nhưng không thấy nhà trường đưa thẻ bảo hiểm, cứ ngỡ nhà trường giữ khi có việc mới đưa nên gia đình anh cũng không để ý.
Khoảng 5 tháng sau, trong lúc ôn luyện môn nhảy cao tại trường, con gái anh không may đã bị tai nạn gãy cổ tay...
“Sau khi đưa con đến trạm y tế điều trị, anh đến gặp Hiệu trưởng Cương hỏi về bảo hiểm thì ông Cương ú ớ không đưa ra được...
Lúc đó tôi hỏi, tại sao tôi đóng bảo hiểm từ đầu năm đến nay mà không có bảo hiểm, ông Cương mới đổ lỗi cho thầy chủ nhiệm của con gái và trả lại 50 ngàn đồng “tiền vốn” nhưng tôi không chịu nhận.
Sau đó, nhà trường đã nhiều lần gặp ông và con ông ‘năn nỉ’ trả lại tiền nhưng tôi cũng nhất quyết không đồng ý mà yêu cầu làm cho ra lẽ.
Tuy nhiên, về sau do nhận thấy con mình cũng là học sinh ở trường, nếu làm ‘cứng nhắc’ quá thì người chịu thiệt thòi lại là con mình tôi đã ngậm ngùi bỏ qua”, anh Cuộc, phụ huynh học sinh bị tai nạn cho biết.
Theo phản ánh, việc thu chi các nguồn xã hội hóa của trường này cũng được cho là không minh bạch.
Một cán bộ hưu trí ở xã Thanh Tùng (xin giấu tên) thông tin, năm nào trường cũng vận động đóng phí xây dựng sân trường, mỗi học sinh đóng ít nhất 100.000 đồng (cụ thể năm học 2014-2015 là 150.000 đồng - PV) để làm sân trường, nhưng đến nay sân vẫn còn trơ gạch đá.
Thậm chí, mái lợp tôn làm chỗ để xe cho học sinh cũng không có…
“Nếu tính đến thời điểm này thì gia đình tôi có đến 3 thế hệ đóng tiền làm sân trường, bởi hết con rồi cháu tôi cũng theo học trường này nhưng đến nay sân trường còn trơ sỏi đá ra đó…”, vị cán bộ hưu trí nói.
Đầu năm học này, có phụ huynh bức xúc lên gặp Ban Giám hiệu hỏi sao họ đóng tiền hoài mà sân trường không thấy làm thì được trả lời là năm rồi bận làm bờ kè chống sạt lở nên chưa thể làm sân được…
“Nếu nói năm rồi mắc làm bờ kè thì tiền của những năm trước đã đi đâu vào đâu và tiền nhà trường vận động chúng có mục đích rất rõ là làm sân trường chứ không phải làm bờ kè”, một phụ thắc mắc.
Theo tài liệu thu thập được, vào năm học 2014-2015, có nhiều học sinh đã đóng học phí cho trường nhưng không hề nhận được phiếu thu theo quy định…
|
Biên bản ghi nhận việc ông Lê Công Cuộc đóng bảo hiểm tai nạn cho con nhưng khi… “cháy nhà mới ra mặt chuột”! |
Điều lạ thường là chúng tôi chỉ thông tin với ông Võ Lợi với nội dung phản ánh như vậy không biết thực hư ra sao thì sáng hôm sau, nhiều phụ huynh gọi điện thoại cho phóng viên thông tin là ông Nguyễn Hoàng Lý (phụ trách văn phòng trường Trung học Cơ sở Thanh Tùng) gọi học sinh lên trả lại số tiền thu không ra lai phiếu và buộc các em phải ký tên vào danh sách nhận tiền…
Khi phóng viên hỏi, lãnh đạo Ủy ban Nhân dân có biết việc ông Trần Cương có đến 30 năm độc quyền làm Hiệu trưởng một trường là sai quy định và gây nhiều bức xúc như nói trên, ông Nguyễn Chí Thuần (Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Đầm Dơi) lảng ra như không hề hay biết điều gì.
“Cái này anh cũng mới nghe, để anh tìm hiểu lại chính xác rồi sẽ trao đổi với em sau…”, vị Chủ tịch nói.
Theo giaoduc.net.vn