Hồi 10 giờ sáng nay (3/9), vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 15,9 độ Vĩ Bắc; 107,3 độ Kinh Đông, trên đất liền các tỉnh Thừa Thiên - Huế đến Quảng Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50km/giờ), giật cấp 8. Dự báo trong 24 giờ tới áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Đông Đông Bắc, đến ngày 4/9 sẽ đi vào vùng biển từ Quảng Trị đến Quảng Nam.
Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương cho biết, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới nên trong ngày và đêm nay (3/9), ở các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Ngãi và Tây Nguyên có mưa vừa, mưa to (lượng mưa phổ biến 40-90mm/24 giờ), riêng các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Đà Nẵng có mưa to đến rất to (lượng mưa 100-250mm/24 giờ, có nơi trên 300mm/24h). Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.
|
|
Họp chủ động đối phó với áp thấp nhiệt đới. Ảnh TTXVN |
Từ nay đến ngày 5/9, ở các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Ngãi có mưa to đến rất to (tổng lượng mưa phổ biến 300-500mm/đợt, riêng các tỉnh từ Quảng Trị đến Thừa Thiên Huế 500-700mm/đợt, có nơi trên 700m/đợt); khu vực Tây Nguyên có mưa to đến rất to (200-300mm/đợt), Nam Bộ có mưa vừa, có nơi mưa to đến rất to và dông (100-150mm/đợt).
Do ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam có cường độ mạnh nên trong ngày và đêm nay (03/9), trên các vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau, Cà Mau đến Kiên Giang, Vịnh Thái Lan, khu vực giữa Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có mưa rào và dông. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh.
Vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau, khu vực Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa) có gió Tây Nam mạnh cấp 7, giật cấp 9. Sóng biển cao 2.5-3.5m. Biển động mạnh.
|
|
Một số điểm sạt lở đường tại Quảng Trị (Ảnh: Duy Lợi Báo Giao thông) |
Tại Đà Nẵng, trước tình hình áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão người dân trồng lúa tại huyện Hòa Vang tiếp tục huy động các máy gặp liên hợp để thu hoạch sớm một số diện tích lúa còn lại.
Toàn huyện Hòa Vang, đến thời điểm hiện nay đã thu hoạch được khoảng 72% diện tích lúa. Hiện còn khoảng 600 ha lúa vụ hè thu cần thu hoạch lúa sớm để đề phòng mưa lớn do ảnh hưởng áp thấp nhiệt đới gây ngập úng, ngã đổ.
Tại Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế, do ảnh hưởng của mưa lớn từ tối 2 đến sáng 3/9, một số tuyến đường bị ngập sâu gây chia cắt giao thông cục bộ. Tuyến đường Hồ Chí Minh - nhánh Tây, đoạn từ Km 313+ 800- Km 318 qua địa phận tỉnh Thừa Thiên - Huế đã xuất hiện 5 điểm sạt lở đường, sạt lở ta luy âm, ta luy dương, trong đó có vị trí sạt lở khoảng 1/3 mặt đường, nhưng không gây ách tắc giao thông.
Tại huyện Hướng Hóa, Quảng Trị một số đoạn tuyến, đặc biệt đoạn qua các đập tràn tiếp giáp giữa thôn Xa Tuông và thôn Trùm (xã Ba Tầng); các đập tràn tại thôn Ta Quan và Húc (xã A Xinh)... nước dâng cao, người và phương tiện chưa qua lại được. Ngoài ra một số điểm tại huyện Đakrông, có một số điểm bị chia cắt cục bộ. Tại thôn Lệ Xuyên và Bồ Bản (xã Triệu Trạch, huyện Triệu Phong) tối 2/9 đã xảy ra mưa to kèm lốc xoáy làm 12 nhà dân bị tốc mái, trong đó có 4 nhà bị tốc mái nặng 70%, 8 nhà bị thiệt hại từ 50- 70%.
Tại Quảng Bình, Ban chỉ huy PCTT-TKCN huyện Minh Hóa cho biết chị Hồ Thị Chăn (30 tuổi, ở bản Pa Chông, xã Trọng Hoá, huyện Minh Hoá) vào chiều tối 2/9 đi đánh bắt cá nhưng mãi không về, nghi bị nước lũ cuốn trôi. Lực lượng chức năng đang tổ chức tìm kiếm chị Chăn.
Trước diễn biến của Áp thấp nhiệt đới và gió mùa Tây Nam, sáng 3/9, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đã tổ chức cuộc họp ứng phó. Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT – Nguyễn Xuân Cường, Phó Trưởng ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai để nghị các Bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm Công điện số 14/CĐ-TWPCTT ngày 1/9 và Công điện 15/CĐ-TWPCTT ngày 2/9 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai.
|
|
Thu hoạch lúa chạy bão tại huyện Hòa Vang, Đà Nẵng (Ảnh: Nguyễn Tú báo Thanh niên) |
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng yêu cầu các đơn vị, địa phương kiểm tra hệ thống các hồ chứa, trong đó có các hồ xung yếu, kiểm tra chặt chẽ hệ thống hồ tại tỉnh Thừa Thiên Huế - khu vực được dự báo có mưa lớn trong những ngày tới; phối hợp theo dõi đảm bảo đê điều, chủ động tiêu nước đệm, vận hành bơm tiêu úng.
Đồng thời, rà soát khu dân cư ven sông suối, hạ lưu hồ đập, vùng trũng thấp, khu vực có nguy lũ quét, sạt lở đất; khơi thông ngay các điểm bị tắc nghẽn dòng chảy; tuần tra, canh gác các khu vực ngầm tràn, sạt lở...