Nhiều địa phương đã “nâng cấp” nông thôn mới (NTM)

Ông Bùi Công Anh, Phó Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới (XDNTM) tỉnh Thanh Hóa, cho biết: Giai đoạn 2021–2025 thực hiện nhiệm vụ XDNTM đã đi qua được hơn 1/3 chặng đường, nhưng đến tháng 8/2022 Trung ương mới ban hành bộ tiêu chí mới để áp dụng cho xã đạt chuẩn NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu và huyện NTM giai đoạn 2021-2025. Sau đó, các tỉnh lại phải chờ các bộ, ngành Trung ương ra các hướng dẫn cụ thể cho thực hiện từng tiêu chí ngành mình phụ trách. Khoảng cuối tháng 10/2022, khung pháp lý cho áp dụng bộ tiêu chí mới coi như mới hoàn thành để áp dụng vào thực tiễn. Do vậy, đã ảnh hưởng lớn đến kế hoạch thực hiện tiêu chí XDNTM của các địa phương.

Tuy nhiên, tính đến nay Thanh Hóa đã có 76/60 thôn, bản đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, đã vượt kế hoạch đề ra. Sự khác biệt ở các thôn, bản NTM kiểu mẫu năm nay là ngoài các tiêu chí “cứng” như hệ thống cơ sở hạ tầng, thu nhập, thì nhiều tiêu chí “mềm” được người dân và các địa phương chú trọng và thực hiện theo chiều sâu. Đó là tình làng, nghĩa xóm, là sự tương trợ nhau trong cuộc sống với các câu lạc bộ liên thế hệ, là phong trào văn hóa văn nghệ và thể dục thể thao, là ý thức cộng đồng... Tất cả đang được lan tỏa để xây dựng những vùng quê đáng sống, phát triển các yếu tố nhân văn trong XDNTM.

leftcenterrightdel
 Một góc nông thôn mới

Trên bình diện chung, đến 11/2022, Thanh Hóa có thêm TP. Sầm Sơn hoàn thành  XDNTMT, 5 xã được công nhận đạt chuẩn NTM; 8 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 4 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu... Lũy kế đến nay, Thanh Hóa có 12 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ XDNTM, 346 xã (chiếm hơn 74,4%) và 904 thôn/bản đạt chuẩn NTM, 56 xã NTM nâng cao, 9 xã và 245 thôn, bản NTM kiểu mẫu. Hiện, các địa phương và Văn phòng Điều phối Chương trình XDNTM tỉnh đã hoàn thiện hồ sơ, chuẩn bị tổ chức các đoàn thẩm định đạt chuẩn cho 3 xã NTM, 5 xã NTM nâng cao, 1 xã NTM kiểu mẫu. Cùng với đó, thị xã Bỉm Sơn cũng đang hoàn thiện hồ sơ trình thẩm tra, thẩm định hoàn thành nhiệm vụ XDNTM.

Chất lượng NTM phải có sản phẩm OCOP...

Ông Cao Văn Cường, Giám đốc Sở NN&TPNT Thanh Hóa cho biết: Năm 2022, tỉnh Thanh Hóa đề ra chỉ tiêu có 120 sản phẩm OCOP mới, thì đến nay, đã vượt 14 sản phẩm, chưa kể sẽ có khoảng hơn 30 sản phẩm dự kiến sẽ được xét chọn trong những ngày cuối tháng 12/2022. 100% đơn vị của tỉnh đã có sản phẩm OCOP mới, các sản phẩm phân bố khắp các vùng miền trong tỉnh với đa dạng chủng loại và lĩnh vực sản xuất.  Xác định sản phẩm OCOP là “linh hồn” xây dựng NTM. Sở NN&PTNT Thanh Hóa đã thực hiện phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo, hiệu quả trong hoạt động của tổ chức công đoàn”, Ban Thường vụ Công đoàn ngành Nông nghiệp và PTNT phối hợp với Lãnh đạo Sở tiếp tục phát động phong trào thi đua “Công nhân, viên chức, lao động Ngành Nông nghiệp và PTNT chung sức hiện thực hóa khát vọng xây dựng quê hương Thanh Hóa văn minh, thịnh vượng”... Đồng thời triển khai Chương trình “01 triệu sáng kiến, nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch COVID-19, do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát động.

leftcenterrightdel
 Chương trình OCOP giúp hình thành vùng chuyên canh bưởi Luận Văn hàng chục ha tại huyện Thọ Xuân. Ảnh: Báo Thanh Hoá

Từ năm 2018 đến nay, Thanh Hóa triển khai thực hiện Chương trình OCOP, hiện đã có 196 sản phẩm OCOP, trong đó có 01 sản phẩm 5 sao, 44 sản phẩm 4 sao, 151 sản phẩm 3 sao; nhiều sản phẩm OCOP khai thác hiệu quả vùng nguyên liệu địa phương, gắn với chỉ dẫn địa lý và nhãn hiệu tập thể, như: Mắm tôm Hậu Lộc; cói Nga Sơn, Quế ngọc Thường Xuân, bưởi Luận Văn, bánh lá răng bừa Xuân Lập; bánh gai – Thọ Xuân; nước mắm Ba Làng – Thị xã Nghi Sơn; cam Vân Du – Thạch Thành; gà đồi Như Xuân, chè lam Phủ Quảng, tương Làng Ái… Sản phẩm OCOP được công nhận đều đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm; có mẫu mã, bao bì đa dạng và thân thiện với môi trường, phù hợp yêu cầu của thị trường. Một số doanh nghiệp, tập đoàn, siêu thị lớn đã đặt hàng, ưu tiên các sản phẩm OCOP đưa vào hệ thống phân phối, được tiêu thụ ổn định. Đặc biệt, nhiều sản phẩm OCOP đã đổi mới, sáng tạo để nâng cao chất lượng, từng bước tiếp cận thị trường xuất khẩu. Các sản phẩm OCOP sau khi được công nhận đã gia tăng giá trị, giúp chủ thể nâng quy mô sản xuất và doanh thu tăng hàng năm từ 20-30%.

Với mục tiêu Chương trình OCOP giai đoạn 2022-2025, tỉnh Thanh Hóa, đó là: phấn đấu ít nhất 559 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên, trong đó có 5 sản phẩm OCOP đạt 5 sao; củng cố và nâng cấp ít nhất 50% sản phẩm OCOP đã được đánh giá và phân hạng, phấn đấu bình quân mỗi huyện, thị xã, thành phố có 01 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP; có 5 mô hình dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch. Theo đó,Thanh hóa đã triển khai các cơ chế, chính sách, giải pháp để nâng cao chất lượng sản phẩm, năng lực tổ chức sản xuất, chế biến và thương mại theo chuỗi giá trị sản phẩm OCOP; Ưu tiên phát triển các sản phẩm có lợi thế nhằm phát huy bản sắc vùng miền, khơi dậy tiềm năng, sức sáng tạo và niềm tự hào của người dân, thúc đẩy giá trị của cộng đồng trong phát triển sản phẩm OCOP gắn với xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là phát triển mô hình du lịch cộng đồng ở nông thôn; Hoàn thiện sản phẩm theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, bao bì, nhãn mác gắn với truy xuất nguồn gốc, thương hiệu địa phương và nhãn hiệu hàng hóa; tăng cường áp dụng công nghệ số trong quản lý và thương mại sản phẩm để từng bước đẩy mạnh sản phẩm OCOP Thanh Hóa trên thị trường trong nước và thị trường xuất khẩu./.

leftcenterrightdel
 Khu dân cư dọc sông Gòng Hoằng Hóa, Thanh Hoá

Từ những nỗ lực thực hiện Chương trình OCOP, giai đoạn 2018-2020, Thanh Hóa là 1 trong 6 tỉnh được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen “Có thành tích xuất sắc trong thực hiện Chương trình OCOP”; là tỉnh xếp thứ 6 về số lượng sản phẩm OCOP được công nhận; là 1 trong 11 tỉnh có sản phẩm OCOP 5 sao (cấp Quốc gia).

Phạm Ngọc