Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 1056/QĐ-TTg ngày 13/9/2023 phê duyệt “Chương trình tăng cường kiểm soát và nâng cao chất lượng đào tạo cử nhân luật giai đoạn 2023 - 2030”.

Mục tiêu chung của Chương trình nhằm tăng cường kiểm soát nhằm nâng cao chất lượng đào tạo cử nhân luật đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế.

Mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 toàn bộ các chương trình đào tạo cử nhân luật đều được rà soát, điều chỉnh đáp ứng Chuẩn chương trình đào tạo khối ngành Pháp luật, trong đó mỗi nhóm kiến thức chuyên môn ngành luật phải có riêng, tối thiểu một giảng viên cơ hữu có trình độ tiến sĩ có chuyên môn phù hợp chủ trì giảng dạy;

Chương trình phấn đấu 80% chương trình đào tạo cử nhân luật đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục, trong đó tối thiểu 5% chương trình đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục của tổ chức kiểm định nước ngoài có uy tín và hoạt động hợp pháp tại Việt Nam.

leftcenterrightdel
 TS. Nguyễn Văn Khoát, Hiệu trưởng Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội trao Bằng cho các tân Thạc sĩ khoá 2. (Ảnh minh hoạ)

Tỉ lệ giảng viên cơ hữu có trình độ tiến sĩ giảng dạy các học phần thuộc khối kiến thức chuyên môn của ngành luật đạt tối thiểu 35%.

Đến năm 2030, phấn đấu 100% chương trình đào tạo cử nhân luật đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục, trong đó tối thiểu 10% chương trình đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục của tổ chức kiểm định nước ngoài có uy tín và hoạt động hợp pháp tại Việt Nam;

Tỉ lệ giảng viên cơ hữu có trình độ tiến sĩ giảng dạy các học phần bắt buộc, cốt lõi thuộc khối kiến thức cơ sở ngành, ngành, chuyên ngành của chương trình đào tạo cử nhân luật đạt tối thiểu 40%.

Để đạt được những mục tiêu trên, Chương trình đưa ra các giải pháp, nhiệm vụ gồm: Hoàn thiện thể chế, công cụ quản lý nhà nước để kiểm soát và nâng cao chất lượng đào tạo cử nhân luật; chú trọng đổi mới công tác quản lý nhà nước về đào tạo cử nhân luật; tăng cường kiểm soát, đánh giá chất lượng sinh viên tốt nghiệp cử nhân luật.

Đồng thời, tăng cường các điều kiện bảo đảm chất lượng chương trình đào tạo cử nhân luật theo hướng hội nhập quốc tế; tăng cường tính thực tiễn trong đào tạo cử nhân luật; thực hiện có hiệu quả việc tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức về đào tạo cử nhân luật và tăng cường sự liên kết giữa cơ sở đào tạo cử nhân luật với các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp.

Về tổ chức thực hiện, Chương trình nêu rõ: UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phối hợp với Bộ Tư pháp, TAND tối cao, VKSND tối cao trong việc dự báo nhu cầu cán bộ tư pháp, bổ trợ tư pháp tại địa phương. Đồng thời, thực hiện cơ chế giao nhiệm vụ, đặt hàng đào tạo cử nhân luật cho các cơ sở đào tạo theo quy định.

Đề nghị TAND tối cao, VKSND tối cao chủ trì triển khai nghiên cứu, dự báo nhu cầu nhân lực của ngành, lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý trong đó có nhu cầu nhân lực có trình độ cử nhân luật. Đồng thời, tham gia xây dựng chuẩn chương trình đào tạo khối ngành pháp luật; tham gia giám sát quá trình tổ chức đào tạo và đánh giá chất lượng đào tạo cử nhân luật.

P.V