Xây dựng các kịch bản ứng phó linh hoạt

Triển khai Kết luận số 123 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và chỉ đạo của Chính phủ tại Công điện số 140 ngày 27/12/2024, cùng Nghị quyết số 25 về mục tiêu tăng trưởng kinh tế - xã hội năm 2025, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã chỉ đạo các sở, ngành xây dựng kịch bản tăng trưởng phù hợp với tình hình thực tế, đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2025 đạt từ 10% trở lên.

Theo đó, UBND tỉnh đã ban hành Chương trình hành động số 01 và Quyết định số 209, giao rõ chỉ tiêu và nhiệm vụ cụ thể nhằm hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng. Nội dung trọng tâm gồm: xây dựng kịch bản tăng trưởng chi tiết theo từng quý; giao 9 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội; dự kiến 32 dự án sẽ đi vào hoạt động trong năm 2025; tập trung chỉ đạo 46 dự án trọng điểm; tháo gỡ khó khăn cho 48 dự án chậm tiến độ; phân bổ chỉ tiêu cụ thể cho từng huyện, thành phố.

leftcenterrightdel
 Tập trung cải cách hành chính, đổi mới cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính phục vụ người dân, doanh nghiệp. Ảnh: Nguyễn Lượng.

Xác định rõ các trụ cột tăng trưởng gồm: phát triển công nghiệp, đẩy mạnh đầu tư công, thu hút FDI, cải thiện môi trường đầu tư và chuyển đổi số, UBND tỉnh đã phân công cụ thể trách nhiệm cho từng lãnh đạo UBND tỉnh và các sở, ngành, địa phương. Trong đó: Sở Tài chính chủ trì tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tăng thu ngân sách; Sở Xây dựng tập trung xử lý vướng mắc tại 48 dự án hạ tầng đô thị và nhà ở xã hội; Sở Công Thương tham mưu phát triển công nghiệp hỗ trợ, công nghệ cao, bán dẫn; Ban Quản lý các KCN tỉnh đẩy nhanh tiến độ hạ tầng khu công nghiệp; Sở KH&CN chủ trì triển khai chuyển đổi số toàn diện, xây dựng nền tảng số, nguồn nhân lực số và đảm bảo an toàn, an ninh mạng.

Ngay sau khi Quyết định 209 được ban hành, các sở, ngành và địa phương đã đồng loạt xây dựng kế hoạch hành động cụ thể, bám sát nhiệm vụ được giao và thường xuyên báo cáo tiến độ thực hiện. Sau hơn 2 tháng triển khai, tỉnh đã ghi nhận nhiều kết quả tích cực, trong đó nổi bật là sự chuyển biến rõ rệt về nhận thức và hành động trong cả hệ thống chính trị. Công tác chỉ đạo, điều hành được triển khai quyết liệt, đồng bộ, tạo động lực mạnh mẽ cho phát triển kinh tế - xã hội ngay từ những tháng đầu năm.

Theo báo cáo của Chi cục Thống kê tỉnh Vĩnh Phúc, trong 5 tháng đầu năm 2025, sản xuất nông nghiệp duy trì ổn định; nhiều sản phẩm đạt sản lượng cao hơn cùng kỳ, tạo nền tảng để ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản có thể đạt hoặc vượt mục tiêu tăng trưởng 6 tháng đầu năm (từ 1,2-1,6%).

leftcenterrightdel
 Nhà thầu thi công tập trung đẩy nhanh tiến độ đường trục Đông - Tây đô thị Vĩnh Phúc trên địa bàn xã Tân Phong, huyện Bình Xuyên.

Ngành xây dựng ghi nhận tín hiệu tích cực nhờ sự chỉ đạo quyết liệt trong tháo gỡ điểm nghẽn của các dự án, cùng xu hướng đầu tư xây dựng trong dân cư gia tăng. Dự kiến, tăng trưởng 6 tháng đầu năm sẽ đạt từ 8-10%, đúng với kịch bản đề ra. Tương tự, ngành thương mại, dịch vụ cũng đạt tốc độ tăng trưởng dự kiến từ 7,6-9,0%, nhờ các chính sách kích cầu và bình ổn thị trường.

Tuy nhiên, ngành công nghiệp - trụ cột tăng trưởng - đang đối mặt với nhiều thách thức. Dù chỉ số sản xuất công nghiệp 5 tháng đầu năm tăng 14,4% so với cùng kỳ năm trước, nhưng vẫn thấp so với mục tiêu tăng trưởng tại Quyết định số 209 của UBND tỉnh. Nguyên nhân chủ yếu do các ngành chủ lực như ô tô, xe máy, linh kiện điện tử, dệt may… tăng trưởng chậm bởi nhu cầu tiêu dùng giảm và cạnh tranh mạnh từ xe nhập khẩu, xe điện. Một số doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực điện tử - đối tác của các tập đoàn như Dell, Google, Amazon - cũng bị ảnh hưởng bởi chính sách thuế mới của Mỹ, gây khó khăn trong việc đạt mục tiêu tăng trưởng doanh thu toàn ngành trên 27% trong quý II.

Theo ông Nguyễn Hồng Phong - Chi cục trưởng Chi cục Thống kê tỉnh Vĩnh Phúc, quý I/2025, GRDP của tỉnh tăng 8,75%. Như vậy, để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng 6 tháng đầu năm ở mức 9,7-11%, tỉnh phải đạt mức tăng trên 10,5% trong quý II - đây là một thách thức lớn trong bối cảnh kinh tế toàn cầu và trong nước còn nhiều biến động.

Về giải pháp trước mắt, ông Phong kiến nghị UBND tỉnh cần tăng cường chỉ đạo các sở, ngành, địa phương chủ động xây dựng các kịch bản ứng phó linh hoạt với những biến động quốc tế, đặc biệt là việc Mỹ áp thuế đối với hàng hóa Việt Nam. Bên cạnh đó, cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nghiên cứu hỗ trợ ngành sản xuất ô tô - xe máy và theo dõi sát hoạt động của các doanh nghiệp lớn để đảm bảo nguồn thu ngân sách, chống thất thu hiệu quả.

Thu ngân sách đạt kết quả tích cực

Theo ông Lê Văn Phúc - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thuế khu vực VIII, nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp, ước 6 tháng đầu năm 2025, tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đạt 15.322 tỉ đồng, bằng 56,7% dự toán HĐND tỉnh giao và 47,7% so với mục tiêu kịch bản tăng trưởng. Trong đó, thu nội địa ước đạt 14.967 tỉ đồng, đạt 68% dự toán và 57,8% kịch bản tăng trưởng.

Theo ngành Thuế, kết quả này có được một phần nhờ chính sách gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất được tỉnh ban hành sớm hơn 3 tháng so với năm trước, làm tăng số thuế gia hạn trong 6 tháng đầu năm. Nhiều doanh nghiệp lớn tiếp tục duy trì đà tăng trưởng, đóng góp quan trọng cho ngân sách, tiêu biểu như: Công ty Honda Việt Nam: hơn 2.640 tỉ đồng; Công ty Toyota Việt Nam: hơn 2.320 tỉ đồng; Công ty Sunny Automotive: hơn 134 tỉ đồng; Công ty CP Công nghiệp Á Mỹ: hơn 227 tỉ đồng…

leftcenterrightdel
 Piaggio Việt Nam - một trong những doanh nghiệp có đóng góp quan trọng cho thu ngân sách của tỉnh Vĩnh Phúc.

Đối với thu thuế xuất nhập khẩu, 6 tháng đầu năm, Chi cục Hải quan khu vực I thu được 2.600 tỉ đồng, đạt 52% dự toán và 42,4% so với kịch bản phấn đấu. Như vậy, trong 6 tháng cuối năm, đơn vị cần thu thêm 2.400 tỉ đồng để hoàn thành chỉ tiêu HĐND tỉnh giao và 3.400 tỉ đồng để đạt mục tiêu phấn đấu, tương đương khoảng 466 tỉ đồng mỗi tháng. Dự kiến cả năm 2025, đơn vị sẽ hoàn thành khoảng 108% chỉ tiêu HĐND tỉnh và đạt khoảng 93% mục tiêu phấn đấu.

Tại các địa phương, dù thời gian hoạt động theo đơn vị hành chính cấp huyện không còn nhiều, các huyện, thành phố vẫn nỗ lực xác định nhiệm vụ thu ngân sách là trọng tâm. Nhiều nơi đã ưu tiên nhóm giải pháp tăng thu từ thuế, phí và tiền sử dụng đất, đồng thời đảm bảo nguồn lực chi ngân sách kịp thời, sẵn sàng cho việc chuyển đổi mô hình chính quyền 2 cấp. Cụ thể, tại huyện Lập Thạch, tính đến 6/6/2025, tổng thu ngân sách đạt 1.562/1.731 tỉ đồng (90% dự toán), trong đó thu ngân sách Nhà nước đạt 569 tỉ đồng, tăng 88% so với dự toán; thu chuyển giao ngân sách 937 tỉ đồng và chuyển nguồn 56,67 tỉ đồng.

Ông Lê Văn Phúc nhận định: nhiệm vụ thu ngân sách thời gian tới sẽ còn nhiều khó khăn do thời gian vận hành của các đơn vị hành chính hiện tại đang thu hẹp. Để hoàn thành mục tiêu năm 2025 là 27.026 tỉ đồng tổng thu ngân sách (trong đó thu nội địa 22.026 tỉ đồng), cần có những giải pháp quyết liệt hơn.

Cụ thể, tỉnh cần theo sát hoạt động của các doanh nghiệp, đặc biệt là 50 doanh nghiệp lớn có đóng góp chủ lực cho ngân sách; kịp thời tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; sớm ban hành bảng giá đất làm cơ sở đấu giá quyền sử dụng đất để tạo nguồn thu ổn định; đồng thời đẩy mạnh chuyển đổi số trong quản lý thuế, nâng cao chất lượng tín dụng và tập trung vốn cho các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ. Việc khai thác hiệu quả các nguồn thu, chống thất thu ngân sách Nhà nước vẫn là yêu cầu then chốt trong giai đoạn hiện nay.

Quyết tâm đưa kinh tế tăng trưởng từ 10 - 11% như kịch bản đề ra, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương tiếp tục triển khai thực hiện tốt Chương trình hành động số 87 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Quyết định số 209 của UBND tỉnh để khai thác các động lực, khơi thông các điểm nghẽn. Tập trung cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về bồi thường, giải phóng mặt bằng; đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình, dự án, nhất là các dự án trọng điểm, dự án hạ tầng các khu công nghiệp, dự án nhà ở xã hội.

leftcenterrightdel
 Vĩnh Phúc luôn ưu tiên, tạo môi trường đầu tư thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh phát triển. Ảnh: Nguyễn Lượng

Cùng với đó, thường xuyên nắm bắt tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp để hỗ trợ tối đa, tạo các điều kiện cần thiết cho các doanh nghiệp mở rộng thị trường tiêu thụ, thúc đẩy sản xuất, tạo động lực chính cho ngành công nghiệp đạt mục tiêu kịch bản đề ra, góp phần tăng thu ngân sách. Cùng với đó, đổi mới hoạt động xúc tiến đầu tư, bảo đảm cung ứng điện, nước, hạ tầng giao thông, logistics... đáp ứng nhu cầu phát triển của doanh nghiệp.

Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, đa dạng hóa thị trường xuất, nhập khẩu gắn với nâng cao chất lượng sản phẩm, tham gia sâu rộng vào các chuỗi cung ứng khu vực, toàn cầu. Kịp thời thực hiện các chính sách về thuế, phí nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp nhanh chóng khôi phục sản xuất, kinh doanh; đẩy mạnh triển khai các chương trình tín dụng, nhất là chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp; tăng cường công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; thúc đẩy ứng dụng khoa học và công nghệ và đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp.

Phấn đấu hoàn thành đúng tiến độ các dự án trọng điểm

Theo Quyền Chủ tịch UBND thành phố Vĩnh Yên Đào Văn Quyết, các công trình, dự án trọng điểm trên địa bàn hiện đang được chủ đầu tư và nhà thầu tích cực đẩy nhanh tiến độ thi công. Tại Dự án Sân vận động thành phố Vĩnh Yên, các hạng mục phần thô cơ bản đã hoàn thiện, hiện nhà thầu đang triển khai thi công phần kết cấu bao che, hoàn thiện công trình và hạ tầng kỹ thuật ngoài nhà. Tính đến nay, khối lượng thi công đạt khoảng 80%. Đơn vị thi công đang huy động tối đa nhân lực và máy móc để bảo đảm hoàn thành đúng kế hoạch.

Đối với Dự án đường song song đường sắt Hà Nội - Lào Cai (tuyến phía Nam), đến nay, thành phố Vĩnh Yên đã hoàn tất công tác giải phóng mặt bằng trên toàn bộ diện tích thu hồi 15,81 ha. Các nhà thầu đang tập trung thi công, phấn đấu hoàn thành đoạn từ đường Nguyễn Tất Thành đến điểm giao cắt Quốc lộ 2C trước ngày 31/8/2025. Tại Dự án Trường THCS Tô Hiệu, các hạng mục phần thô đã hoàn thành, bao gồm các khối nhà hiệu bộ, lớp học và khu phục vụ học tập. Dự kiến toàn bộ xây dựng cơ bản sẽ hoàn thành trong tháng 5, hoàn tất lắp đặt thiết bị trước ngày 15/8/2025.

Một số dự án khác cũng được đẩy nhanh tiến độ như: Nhà tang lễ TP Vĩnh Yên: dự kiến hoàn thành trước 15/8/2025. Công viên vui chơi giải trí TP Vĩnh Yên: hoàn thành phần xây dựng cơ bản trên diện tích đã GPMB trong tháng 10/2025. Sân vận động TP Vĩnh Yên: về đích đúng tiến độ trong tháng 8/2025. Tất cả các công trình đều được phấn đấu hoàn thành đúng kế hoạch, chào mừng Đại hội Đảng các cấp và kỷ niệm 80 năm Quốc khánh nước CHXHCN Việt Nam (2/9/1945 - 2/9/2025).

Tại huyện Tam Đảo, dự án đường nội bộ phía Nam Khu công viên cây xanh, Khu danh thắng Tây Thiên (chiều dài hơn 1,1 km, tổng vốn gần 14,8 tỉ đồng) đang gặp khó khăn trong công tác bồi thường GPMB. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Vũ Việt Văn đã đồng ý chủ trương điều chỉnh dự án, yêu cầu không làm tăng tổng mức đầu tư và bảo đảm hiệu quả kết nối với khu công viên cây xanh. UBND huyện Tam Đảo cũng được giao nhiệm vụ đảm bảo vệ sinh môi trường, lắp đặt biển chỉ dẫn, tạo cảnh quan để thu hút du khách.

Hai dự án giao thông quan trọng đang được triển khai từ năm 2022 đến 2026 gồm: Dự án đường Tây Thiên - Tam Sơn (dài 14,56 km, tổng vốn 374 tỉ đồng): đến nay đã giải phóng mặt bằng được 70% (10/14,56 km). Trong năm 2025, được phân bổ trên 50 tỉ đồng, chủ đầu tư đang chỉ đạo thi công tăng ca để bảo đảm tiến độ và giải ngân vốn đúng kế hoạch.

Dự án hạ tầng kết nối Vùng Thủ đô (tuyến đường vành đai 5 và đường ven chân núi Tam Đảo, dài 26,7 km, vốn đầu tư 1.800 tỉ đồng): hiện đã đạt trên 25% giá trị hợp đồng thi công. Tuyến đường đi qua huyện Tam Đảo, Bình Xuyên và TP Phúc Yên, đóng vai trò kết nối quan trọng trong phát triển hạ tầng liên vùng.

Hoàn thành các công trình cầu trọng điểm, mở rộng giao thông huyết mạch. Giai đoạn 2020-2025, Vĩnh Phúc đã đưa vào sử dụng hai cây cầu lớn: Cầu Vĩnh Phú qua sông Lô (nối Vĩnh Phúc - Phú Thọ), hoàn thành cuối tháng 8/2023

Cầu vượt đường sắt trên đường Nguyễn Tất Thành, TP Vĩnh Yên, đưa vào sử dụng đầu năm 2025, góp phần giảm ùn tắc tại nút giao đường sắt Hà Nội - Lào Cai.

Bên cạnh đó, dự án cải tạo, mở rộng Quốc lộ 2 đoạn Vĩnh Yên - Việt Trì (chiều dài khoảng 11 km, tổng mức đầu tư hơn 1.258 tỉ đồng, quy mô 4-6 làn xe, tốc độ thiết kế 80 km/h) đang được Bộ GTVT tiếp tục triển khai.

Vĩnh Phúc đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2025 với 32 dự án KCN đi vào sản xuất, 46 dự án trọng điểm được đẩy nhanh triển khai và tháo gỡ vướng mắc cho 48 dự án hạ tầng, nhà ở xã hội chậm tiến độ. Chủ tịch UBND tỉnh Trần Duy Đông đã kiểm tra thực địa tại nhiều KCN, chỉ đạo các đơn vị tập trung hỗ trợ để các dự án hoàn thành và hoạt động trong năm. Tính đến cuối tháng 5, đã có 11 dự án sản xuất vận hành, nhiều dự án khác đang đẩy nhanh thi công, một số xin giãn tiến độ. Sở Xây dựng phối hợp các ngành tháo gỡ khó khăn về thủ tục, bồi thường, giải phóng mặt bằng cho dự án hạ tầng và nhà ở xã hội, trong đó 4/6 dự án nhà ở xã hội đã khởi công.

Nhiều dự án lớn như Đường trục Đông - Tây, Tuyến Tây Thiên - Tam Sơn, hạ tầng kết nối vùng Thủ đô… đang bị ảnh hưởng tiến độ do GPMB kéo dài. UBND tỉnh chỉ đạo tăng cường giải quyết vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án được giao theo Quyết định 209, đổi mới xúc tiến đầu tư để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững.

Bình Xuyên giải ngân vốn đầu tư công đạt hơn 330 tỉ đồng

Năm 2025, tổng kế hoạch vốn đầu tư công của huyện Bình Xuyên được giao (bao gồm cả vốn kéo dài từ năm 2024) là trên 800 tỉ đồng, trong đó: Vốn ngân sách cấp tỉnh: gần 76 tỉ đồng; vốn ngân sách cấp huyện: hơn 590 tỉ đồng, còn lại là vốn ngân sách cấp xã. Tính đến thời điểm hiện tại, toàn huyện đã giải ngân được hơn 330 tỉ đồng, đạt trên 41% tổng kế hoạch vốn được giao. Cụ thể: Vốn ngân sách cấp huyện đã giải ngân trên 310 tỉ đồng. Vốn ngân sách cấp xã giải ngân khoảng 20 tỉ đồng. Theo UBND huyện Bình Xuyên, tiến độ giải ngân chưa đạt yêu cầu do vướng mắc lớn từ việc triển khai Luật Đất đai năm 2024, với nhiều quy định mới liên quan đến bồi thường, hỗ trợ và tái định cư. Nhiều dự án phải thực hiện lại quy trình thu hồi đất và xác định giá đất cụ thể, gây chậm trễ. Bên cạnh đó, công tác giải phóng mặt bằng tại một số dự án vẫn còn khó khăn, khiến việc triển khai thi công bị đình trệ. Ngoài ra, năm 2025 huyện được giao thu hơn 200 tỉ đồng từ đấu giá quyền sử dụng đất, nhưng đến nay mới thu được hơn 23 tỉ đồng do thị trường chưa thuận lợi, ảnh hưởng đến tiến độ đấu giá. Việc này dẫn đến một số dự án cấp huyện và cấp xã dù đã hoàn thành khối lượng nhưng chưa thể giải ngân do nguồn thu không đảm bảo. UBND huyện đang tiếp tục chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn phối hợp với các xã, thị trấn tháo gỡ khó khăn, nhất là trong công tác bồi thường, GPMB và đấu giá đất, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công năm 2025.

Lưu Đức