Ký ức thời hoa lửa
Con đường dẫn vào tổ 20, phường Him Lam, TP Điện Biên Phủ tuy được rải asphalt nhưng bé xíu như sợi chỉ ôm trọn mạn Bắc của Đồi Him Lam - di tích Khu đề kháng kiên cố của Pháp trong Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ năm xưa. Nhà CCB Nguyễn Hữu Chấp, nguyên Khẩu đội trưởng cối 82, Đại đội 290, Tiểu đoàn 166, Trung đoàn 209, Đại đoàn 312 tọa lạc giản dị ngay chân con dốc. Năm nay, ông đã bước sang tuổi 93 nhưng vẫn minh mẫn, khỏe mạnh. Tự tay pha trà mời chúng tôi, ông bồi hồi, xúc động hồi tưởng về những năm tháng hào hùng cách đây 7 thập kỷ.
|
|
Một góc Khu di tích Đồi Him Lam hiện nay. |
CCB Nguyễn Hữu Chấp quê ở đất Tổ vua Hùng. Năm 1950, ông nhập ngũ trong đội hình Đại đoàn 312, rồi tham gia Chiến dịch Trần Hưng Đạo (1951), Chiến dịch Tây Bắc (1952). Ngày 13/3/1953, từ khu vực tập kết ở Tà Lèng, Khẩu đội cối 82 của ông cùng các đơn vị hỏa lực: DKZ 57, DKZ 75, cối 120 ly chiếm lĩnh trận địa ở cánh đồng Him Lam. 17h, cùng các đơn vị pháo binh, những khẩu cối 82 ly của Đại đội ông được lệnh khạc lửa tấn công đồi Him Lam.
Ông kể: “Ngay sau 2 loạt đạn, pháo binh địch ở Hồng Cúm và Mường Thanh phát hiện ra vị trí của ta nên nã pháo điên cuồng vào trận địa. Ta vừa củng cố công sự vừa bắn cấp tập lên cứ điểm Him Lam gần 1 giờ đồng hồ, pháo binh và cối được lệnh bắn chuyển làn cho bộ binh tiếp cận cửa mở xung phong tiến đánh các lô cốt cố thủ của quân Pháp. Đến lúc này, chỉ riêng Khẩu đội tôi thương vong 5 người”.
|
|
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Không bao giờ quên những người làm nên “cột mốc vàng” lịch sử Điện Biên Phủ. |
Sau trận đánh cứ điểm Him Lam, đơn vị ông tiếp tục bổ sung tân binh tham gia đánh đồi D1, D2, tiếp đó là E1, E2. Chiếm được đồi E, từ vị trí này, Đại đội cối 82 ly của ông tiếp tục chi viện đánh địch phản kích, tập trung bắn vào trung tâm Tập đoàn cứ điểm Mường Thanh cho đến ngày toàn thắng. Năm 1958, ông cùng hàng ngàn CCB các đại đoàn quay lại Điện Biên để mở đường, xây dựng Nông trường.
Quyết tâm ở lại với vùng chiến trường năm xưa, CCB Nguyễn Hữu Chấp đã đưa vợ từ Lâm Thao, Phú Thọ lên khai khẩn, vỡ hoang. Mảnh đất ông chọn để xây dựng nhà ngay dưới chân đồi Him Lam, nơi ông và đồng đội đã chiến đấu anh dũng trong chiều tối đỏ lửa ngày 13/3/1953.
Năm 1986, trên cương vị là Giám đốc Xí nghiệp vật liệu xây dựng Điện Biên, ông được nghỉ hưu theo chế độ. Thế nhưng, mấy chục năm qua, người CCB này chưa một ngày ngơi nghỉ. Ông tham gia công tác đoàn thể, hàng chục năm làm Bí thư, Tổ trưởng dân phố, Hội CCB TP Điện Biên Phủ.
Đầu những năm 90 của thế kỷ trước, “cơn bão” ma túy càn quét khiến hàng chục thanh niên sa vào con đường nghiện hút, nhưng 3 người con trai, 2 người con gái của ông đều trưởng thành, học giỏi, hiện đều đang giữ các vị trí trong cơ quan Nhà nước. Bằng uy tín của mình, ông đã tích cực tuyên truyền, vận động hàng chục đối tượng nghiện hút tự giác cai nghiện, cảm hóa, giáo dục nhiều thanh thiếu niên chậm tiến bộ.
Vẫn mãi là chiến sĩ Điện Biên
CCB Bùi Kim Điều hiện ở tổ 9, phường Him Lam, TP Điện Biên Phủ (SN 1930; quê ở Gia Viễn, Ninh Bình) nhập ngũ tháng 2/1952, tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ với cương vị Tiểu đội phó thông tin thuộc Đại đoàn 312. Tháng 3/1958, ông cùng gần 2.000 cán bộ, chiến sĩ từng tham gia đánh trận Điện Biên Phủ hành quân trở lại chiến trường xưa để thành lập Nông trường. Buông tay súng, họ lại nắm chắc tay cày.
Trò chuyện với tôi, ông kể: “23 đại đội trở thành các đội sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi, làm giao thông, thủy lợi, cơ khí; hướng dẫn đồng bào các dân tộc phát triển sản xuất. Chính quyền huyện Điện Biên khi đó đã tổ chức tiếp nhận gần 1.300 người là vợ, con, gia đình cán bộ, chiến sĩ, nam nữ thanh niên xung phong lên xây dựng kinh tế”.
|
|
CCB Nguyễn Hữu Chấp thời điểm tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ (ảnh nhỏ) và trong cuộc trò chuyện với tác giả bài viết mới đây. |
Để góp phần xây dựng căn cứ hậu phương chiến lược của Tây Bắc, Nông trường đã cử 300 cán bộ cùng chính quyền và nhân dân địa phương, xây dựng và củng cố hệ thống chính trị, xóa hàng trăm “bản trắng đảng viên”. Khi đất nước bước vào công cuộc đổi mới, các CCB nhận đất ruộng, nhận khoán rừng, áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi; vay vốn ngân hàng mở ngành nghề dịch vụ, kinh doanh thương mại.
Đại tá Nguyễn Văn Đẩu, Phó Chủ tịch Hội CCB tỉnh Điện Biên cho biết, hiện nay, toàn tỉnh có gần 20.000 hội viên CCB, trong đó CCB tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ là 125 người, hầu hết đều ở tuổi 90. Cao tuổi nhất là cụ Lường Văn Ỏn ở bản Hiệu, xã Chiềng Sinh, huyện Tuần Giáo 111 tuổi, “trẻ” nhất là cụ Sùng Bua Tú ở bản Phìa Cao, xã Mường Nhà, huyện Điện Biên cũng 82 tuổi.
Dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, các hội viên CCB nói chung, CCB Điện Biên Phủ nói riêng đều là những tấm gương để con cháu noi theo, là những chiến sĩ trên mặt trận phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, giữ gìn an ninh trật tự địa phương.
|
|
Các chiến sĩ Điện Biên Phủ năm xưa luôn phát huy phẩm chất Anh bộ đội Cụ Hồ trong bất cứ hoàn cảnh nào. Ảnh Báo Đại đoàn kết. |
Ngày 17/4/2024, tại TP Điện Biên Phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự cuộc gặp mặt, tri ân đầy ý nghĩa và xúc động với các chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ. “Đã 70 năm trôi qua, nhưng ý nghĩa và bài học lịch sử của Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ vẫn luôn là động lực mạnh mẽ, tiếp thêm sức mạnh to lớn, niềm tin vững chắc cho toàn Ðảng, toàn dân, toàn quân ta xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng hùng cường, thịnh vượng, nhân dân ngày càng hạnh phúc, ấm no" - Thủ tướng xúc động phát biểu.
Một buổi chiều tháng 4 đầy nắng và gió, trước Đài tưởng niệm liệt sĩ Điện Biên Phủ, Đoàn CCB toàn các cụ cao niên run run cúi đầu tưởng niệm những đồng đội đã ngã xuống. Họ là những CCB thuộc các Đại đoàn 304, 308, 312, 316 và 351 tham gia trận Điện Biên Phủ. Hôm nay về đây chụm mái đầu bạc, soi vào mắt nhau để gặp lại mình, để tiếc nhớ người đã khuất, và để không bao giờ quên quá khứ oai hùng với “mưa dầm cơm vắt, máu trộn bùn non...”
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Không bao giờ quên những người làm nên “cột mốc vàng” lịch sử Điện Biên Phủ: “Chúng ta không bao giờ quên những tấm gương anh dũng, mưu trí, sáng tạo, làm rạng danh truyền thống yêu nước nồng nàn của dân tộc ta như: Anh hùng Tô Vĩnh Diện, Anh hùng Bế Văn Đàn, Anh hùng Phan Đình Giót… cùng hàng ngàn, hàng vạn chiến sĩ, đồng bào đã kiên cường, dũng cảm không sợ hy sinh, gian khổ với tinh thần "thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ", "quyết tử để Tổ quốc quyết sinh".
|
Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, hưởng ứng Chương trình "Triệu tấm lòng yêu thương - Nghìn mái nhà hạnh phúc", tỉnh Điện Biên đã hoàn thành 100% việc làm nhà Đại đoàn kết cho 5.000 hộ gia đình nghèo và cận nghèo. Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phối hợp với các ban, bộ, ngành, cơ quan ở Trung ương và 54 tỉnh, thành phố tổ chức gặp mặt, tặng quà, tri ân 13.836 đồng chí thương binh, bệnh binh, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ. |