Sau 2 tháng thu thập, phân tích các mẫu vật, tại hội thảo báo cáo kết quả nghiên cứu về loài sâm panax sp., loài thực vật giống với sâm Ngọc Linh đang được người dân săn lùng tại vùng rừng các huyện Đam Rông và Vườn quốc gia Bidup Núi Bà (Lạc Dương), các cơ quan chuyên môm tỉnh Lâm Đồng đã công bố các thông tin xác định đặc tính và chủng loài của loài thực vật này.

Theo đó, các kết quả phân tích cho thấy chúng có đặc điểm đặc trưng tương đồng với sâm Langbiang.

Kết quả phân tích thành phần hóa học cho thấy, hàm lượng saponin thấp, chỉ đạt 4,87% trên mẫu khô của cây sâm trên 10 năm tuổi, đã đưa đến khẳng định đây không phải sâm Ngọc Linh.

Với các thông tin định danh dựa trên trình tự DNA, các nhà khoa học kết luận đó chính là loài sâm Langbiang.

leftcenterrightdel
Loài sâm đang được khai thác ồ ạt tại Lâm Đồng khá giống với sâm Ngọc Linh. Ảnh: VNE. 

Trước đó, vào tháng 8/2019, hàng trăm người dân từ các tỉnh Đắk Nông, ĐăkLăk, Kon Tum,.. đã đổ xô vào các vùng rừng Đam Rông và Vườn quốc gia Bidup Núi Bà để săn lùng, đào bới gốc rễ loài thực vật có hình thái tượng tự sâm Ngọc Linh. Theo đồn thời, sâm sau khi khai thác được thương lái thu mua 15 triệu đồng/kg.

Từ kết quả nghiên cứu này, lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng đề nghị các huyện Đam Rông, Lạc Dương tổ chức tốt công tác tuyên truyền để người dân biết về cây sâm panax trên địa bàn có giá trị thương mại không cao và không vào rừng khai thác, xâm hại tài nguyên rừng và đa dạng sinh học.

Lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng cũng lưu ý các sở, ngành liên quan thực hiện chức năng quản lí nhà nước về đa dạng sinh học và các giải pháp bảo tồn cây sâm panax.

Khánh Hà