Tràn lan thực phẩm chức năng giả
Chỉ cần vài thao tác tìm kiếm trên mạng, người dùng có thể tiếp cận vô vàn sản phẩm TPCN được quảng cáo “xách tay”, “chính hãng”, “được chuyên gia khuyên dùng”. Nhưng đằng sau những vỏ hộp bóng bẩy là nguy cơ tiềm tàng từ các sản phẩm không rõ nguồn gốc, chứa chất cấm, bị làm giả nhãn hiệu hoặc thổi phồng công dụng.
Ngày 16/5, Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an TP Hà Nội (PC03) đã triệt phá ổ nhóm sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm chức năng và trang thiết bị y tế do vợ chồng Phạm Ngọc Tiến và Đoàn Thị Nguyệt (cùng 37 tuổi, trú quận Hà Đông) cầm đầu. Công an đã ra Lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp đối với các đối tượng Phạm Ngọc Tiến, Lương Thị Yến, Nguyễn Văn Đức, Nguyễn Thành Tâm, Nguyễn Hữu Tuấn để tiếp tục điều tra, làm rõ sai phạm.
Kết quả điều tra cho thấy, Phạm Ngọc Tiến chỉ đạo Lương Thị Yến (kế toán công ty) thành lập 17 công ty, trong đó có 6 công ty chuyên nhập khẩu hàng hóa và 11 công ty có chức năng phân phối hàng hóa trong nước. Đường dây này đã lợi dụng các công ty “ma” để tuồn thực phẩm chức năng giả ra thị trường, gây nguy hiểm cho sức khỏe người tiêu dùng.
Theo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), nhiều vụ việc vi phạm khác cũng đã được phát hiện, trong đó không ít sản phẩm được bán qua mạng xã hội, livestream, hoặc các sàn thương mại điện tử, khó kiểm soát về chất lượng. Thậm chí, mã QR giả cũng được sử dụng để tạo cảm giác tin cậy.
    |
 |
Lực lượng chức năng thu giữ tang vật tại hiện trường - Ảnh: Công an cung cấp
|
Hệ lụy khó lường, giải pháp không thể chậm trễ
TPCN giả không chỉ khiến người tiêu dùng “tiền mất tật mang” mà còn tiềm ẩn nguy cơ tổn hại sức khỏe nghiêm trọng. Đã có không ít ca ngộ độc gan, suy thận, rối loạn tiêu hóa, nội tiết… sau khi sử dụng các sản phẩm giảm cân, tăng cường miễn dịch trôi nổi trên thị trường. Nhiều người vì quá tin vào quảng cáo mà bỏ điều trị y tế chính thống, khiến bệnh tình trở nặng.
Việc quản lý quảng cáo trên không gian mạng còn lỏng lẻo. Trong khi đó, nhiều người tiêu dùng lại thiếu kỹ năng đánh giá thông tin, dễ bị đánh lừa bởi bao bì tiếng nước ngoài, những lời giới thiệu từ người nổi tiếng hoặc tài khoản mạo danh bác sĩ.
Để đối phó tình trạng này, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan quản lý, doanh nghiệp chân chính và người tiêu dùng. Quản lý nghiêm các hoạt động quảng cáo, xử phạt hành vi vi phạm, đồng thời, tăng cường tuyên truyền giúp người dân nhận biết và tra cứu sản phẩm qua các kênh chính thức như website của Cục An toàn thực phẩm.
Người tiêu dùng cũng cần tỉnh táo, không mua TPCN từ nguồn không rõ ràng, không tin tuyệt đối vào lời quảng cáo, và nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng. Thực phẩm chức năng nếu đúng – có thể hỗ trợ sức khỏe; nếu sai – sẽ trở thành hiểm họa. Trong một thị trường nhiều rủi ro, hiểu biết và thận trọng chính là tấm khiên quan trọng nhất để tự bảo vệ mình.