Huyện Phú Bình nằm ở phía Nam tỉnh Thái Nguyên, với diện tích tự nhiên 241 km2, huyện có 20 đơn vị hành chính gồm 19 xã và 1 thị trấn. Huyện có 4 xã KV I gồm: xã Bàn Đạt, Tân Kim, Tân Thành, Tân Hòa, Có 5 xóm đặc biệt khó khăn (xóm Đá Bạc, xóm Đồng Quan, xóm Cầu Mành xã Bàn Đạt, xóm Đồng Bầu xã Tân Thành, xóm Cầu Cong xã Tân Khánh).
Theo kết quả rà soát hộ nghèo và cận nghèo đa chiều cuối năm 2023 trên địa bàn huyện có 39.356 hộ dân, trong đó có 1.193 hộ nghèo chiếm tỷ lệ 3,03%, 1.271 hộ cận nghèo chiếm tỷ lệ 3,23%.
Ngay từ đầu năm 2023, các phòng chuyên môn của huyện Phú Bình đã mở lớp tập huấn về ứng dụng công nghệ thông tin trong rà soát hộ nghèo, cận nghèo cho lãnh đạo, cán bộ và điều tra viên của 20 xã, thị trấn. Ban Chỉ đạo giảm nghèo từ cấp huyện đến xã cũng phân công thành viên thường xuyên kiểm tra, giám sát việc rà soát tại cơ sở. Qua đó, đánh giá đúng thực trạng hộ nghèo trên địa bàn để có giải pháp hỗ trợ phù hợp.
Dựa trên kết quả rà soát, giải pháp trọng tâm được huyện triển khai là thực hiện hiệu quả chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo. Tính đến ngày 30/11/2023, dư nợ cho vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội trên địa bàn huyện là trên 593 tỉ đồng, với gần 15.000 hộ vay. Nhờ nguồn vốn ưu đãi, nhiều hộ nghèo đã có điều kiện để phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.
Bên cạnh nguồn vốn tín dụng, huyện Phú Bình cũng phân bổ nguồn vốn từ Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững để thực hiện các mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất phù hợp với tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Riêng năm 2023, huyện đã triển khai 5 dự án gồm: Mô hình chăn nuôi gà đồi an toàn sinh học, mô hình chăn nuôi bò nái sinh sản, mô hình trồng cây chám đen, hai mô hình trồng rau an toàn vụ đông... Tổng kinh phí thực hiện các dự án là trên 6,7 tỉ đồng.
Để nâng cao thu nhập cho người dân, huyện cũng chỉ đạo các phòng chuyên môn tập trung đào tạo nghề, tư vấn giới thiệu việc làm cho người lao động, nhất là lao động thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo. Trong năm 2023, trên 1.000 lao động của địa phương đã được tham gia các lớp học nghề. UBND huyện phối hợp tổ chức 2 ngày hội việc làm, kết nối khởi nghiệp. Qua đó, giải quyết việc làm cho trên 3.200 lao động, trong đó có nhiều lao động là hộ nghèo, cận nghèo.
Thống kê cho thấy riêng Tiểu dự án 1 Dự án 3 về hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp: Tổng kinh phí thực hiện của 3 mô hình đã phê duyệt của huyện Phú Bình là 2.295,3 triệu đồng, trong đó ngân sách nhà nước hỗ trợ 1.230 triệu đồng, (Ngân sách trung ương 1.070 triệu đồng, Ngân sách tỉnh: 80 triệu, Ngân sách huyện: 80 triệu đồng), đối ứng của người dân 1.065,3 triệu đồng. Theo đó, tổng kinh phí nhà nước đã hỗ trợ đã được thanh quyết toán theo quy định là 1.223,4 triệu đồng, trong đó (Ngân sách trung ương 1.068,3 triệu đồng, Ngân sách tỉnh: 77,3 triệu, Ngân sách huyện: 77,8 triệu đồng).
Bà Tạ Thị Dần xóm Làng Nội xã Nga My cho biết: Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia, huyện và xã đã triển khai về tận xóm. Gia đình bà được nhà nước hỗ trợ 15 cây trám và phân bón cho cây.
|
|
Bà Tạ Thị Dần được Nhà nước hỗ trợ cây trám và phân bón. |
Nhờ có hướng dẫn đầy đủ của cán bộ Trung tâm dịch vụ khuyến nông, trồng đúng khoảng cách, bón phân đúng quy cách, đến nay các cây trồng của gia đình đều phát triển tốt, một số cây đã bắt đầu cho tán lá rộng, và có khả năng cao sẽ đơm hoa kết trái vào một hai năm tới...
Chị Triệu Thị Mạnh ở xóm Kén xã Nga My cho hay: Gia đình nhà chị năm nay là hộ cận nghèo mới và gia đình nhà chị được Nhà nước hỗ trợ một con bò cái giống.
|
|
Chị Triệu Thị Mạnh được nhà nước cấp co bò cái giống. |
Trước khi nhận bò, chị được Trung tâm dịch vụ khuyến nông của huyện mời lên để họp và tư vấn về cách nuôi bò đúng kỹ thuật, cách tiêm phòng bệnh cho bò, điều đáng nói ở đây, gia đình chị thường xuyên được cán bộ huyện, xã xuống thăm hỏi đến sự phát triển của con bò... Hiện nay con bò của gia đình nhận nuôi đang phát triển tốt, bò đã đi dục đực lần thứ hai thứ ba rồi, gia đình chị rất ứng ý với con bò mà Nhà nước đã hỗ trợ.
Chị Nguyễn Thị Hiệp ở xóm Láng, xã Nhã Lộng huyện Phú Bình cho hay: Trong thời gian vừa qua, gia đình chị thành lập HTX trồng rau, củ sạch để cung cấp cho nhân dân và các trường học, hiện nay HTX của chị có 58 thành viên thuộc diện nghèo và cận nghèo.
|
|
HTX của chị Nguyễn Thị Hiệp được Nhà nước hỗ trợ giống rau sạch, củ sạch. |
Chia sẻ về kinh nghiệm, ông Phạm Minh Tân trưởng phòng LĐTBXH huyện cho hay: Trong những năm qua, huyện Phú Bình đã hoàn thành tiến độ các mục tiêu đặt ra về cả mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo và hỗ trợ các hộ nghèo tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản.
|
|
Ông Phạm Minh Tân trưởng phòng LĐTBXH huyện Phú Bình trao đổi với phóng viên. |
Theo đó, toàn huyện đã giảm từ 2.098 hộ nghèo đầu năm 2022 xuống còn 1.193 hộ vào thời điểm hiện tại, vượt 182,3% kế hoạch đề ra. Như vậy, bình quân mỗi năm huyện Phú Bình giảm 0,65% hộ nghèo.
Cũng theo lãnh đạo UBND huyện Phú Bình: Nhận thức rõ người dân là trọng tâm quyết định thành công của dự án, huyện đã chỉ đạo cán bộ chuyên môn các cấp, ngành luôn bám sát, hỗ trợ, giải đáp kịp thời những thắc mắc, kiến nghị. Đặc biệt, đội ngũ thú y cơ sở chính là thành viên nòng cốt luôn đồng hành, tư vấn về kỹ thuật chăn nuôi cho mỗi hộ dân… Với cách làm này, việc triển khai nguồn vốn hỗ trợ từ chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo trên địa bàn đã mang lại hiệu quả tích cực cho cộng đồng, góp phần cho toàn huyện tiếp tục củng cố, giữ vững các tiêu chí đã đạt nông thôn mới nâng cao năm 2024.
Với sự vào cuộc đồng bộ của sở lao động thương binh xã hội, các cấp các ngành của tỉnh Thái Nguyên cho chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Chúng ta có thể yên tâm rằng, các hộ nghèo và cận nghèo trên địa bàn sẽ dần thoát khỏi cái nghèo mà đeo đẳng trong nhiều năm trước đây.