Thông báo do Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai được phát đi sáng 10/12 cho biết, mưa lớn trong hai ngày 8 – 9/12 đã gây ngập nặng ở các tỉnh miền Trung, chủ yếu từ Thanh Hóa vào đến Bình Định, gây thiệt hại về người và tài sản.

Thiệt hại về người, tại Quảng Trị, bà Lữ Thị Tú Anh (SN 1959) và chị Nguyễn Lữ Vân Anh (SN 1983, trú tại khu phố số 2, phường Đông Lễ, TP.Đông Hà) bị nước to cuốn vào cống dẫn đến tử vong. Tin mới nhận vừa có thêm một người bị nước lũ cuốn trôi tại Quảng Nam là ông Ngô Bình (SN 1964, trú Khối phố 7, phường An Mỹ. TP.Tam Kỳ) vẫn chưa được tìm thấy.

Thiệt hại về tài sản, đã có 3.834 nhà bị ngập nước; trong đó, Nghệ An 730 nhà, hiện đã hết ngập; Quảng Trị 544 nhà; Đà Nẵng 1.143 nhà; Quảng Nam 60 nhà; Quảng Ngãi 35 nhà; Bình Định 2.052 nhà. Có 383 hộ dân phải di dời khẩn cấp; trong đó Quảng Ngãi 63 hộ, đã di dời 60 hộ trong đêm 9/12; Bình Định 320 hộ.

leftcenterrightdel
Một đoạn sạt lở bờ biển Đà Nẵng liếm vào sát nhà dân 

Thiệt hại về nông nghiệp có 380 ha diện tích lúa đã bị hư hại (Quảng Trị 122 ha; Bình Định 258 ha); hoa màu bị thiệt hại, ngập 746 ha (Nghệ An 519 ha; Quảng Trị 43 ha; Đà Nẵng 60 ha; Bình Định 124 ha); cây công nghiệp, cây ăn quả: 45 ha (Nghệ An 10 ha; Quảng Trị 34 ha; Đà Nẵng 1 ha).

Thiệt hại về giao thông, đã có 43.545 m đường giao thông bị hư hại, sạt lở. Cụ thể tại (Quảng Trị 39.045m; Bình Định 4.500m). Đường sắt Bắc - Nam đoạn qua thành phố Đà Nẵng bị sạt lở 2 đoạn (Km 799+800 và Km 799+850). Công ty cổ phần đường sắt Quảng Nam - Đà Nẵng đã điều động nhân lực, thiết bị khắc phục tạm thời, hiện đã thông tàu vào lúc 16h ngày 9/12. Đến 21h ngày 09/12, tiếp tục sạt lở tại 3 điểm (Km 1019+100, Km 1019+600 và Km 1022+217) tỉnh Bình Định, hiện nay đang tích cực khắc phục.

Gia súc gia cầm bị chết, cuốn trôi là 7.697 con (Quảng Trị 5.712 con; Bình Định 1.985 con). Về Thủy sản, có 6.487 ha diện tích nuôi trồng thủy sản bị ngập (Nghệ An 322 ha; Quảng Trị 165 ha).

leftcenterrightdel
Người dân Quảng Nam cố gắng cứu gia súc trong lũ (Ảnh Thanh Đức Zing.vn) 

Để đảm bảo về an toàn hồ đập, báo cáo của Tổng cục Thủy lợi yêu cầu các địa phương có phương án đảm bảo an toàn và ứng phó thiên tai cho các hồ đập tại miền Trung và Tây Nguyên. Khu vực Nam Trung Bộ có 18/172 hồ chứa lớn và 75/334 hồ chứa nhỏ đã tích đầy nước, trong đó hồ Định Bình (Bình Định) xả 4m3/s; có 6 hồ đang sửa chữa nâng cấp. Khu vực Tây Nguyên có 20/170 hồ chứa lớn và 520/1.030 hồ chứa nhỏ đã tích đầy nước, trong đó hồ Ayun hạ (Gia Lai) xả 5m3/s; Ea Soup Thượng (Đắk Lắk) xả 8m3/s; có 13 hồ đang sửa chữa nâng cấp.

Xuân Nha