* Đà Nẵng vẫn có mưa lớn

Đêm qua, khu vực tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Trên các sông thuộc thành phố Đà Nẵng xuất hiện một đợt lũ, đỉnh lũ ở mức trên báo động 1. Nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất ở vùng núi, lũ quét trên các sông suối nhỏ.

Đến tối 9/12, nhiều hành khách vẫn đang bị kẹt lại tại sân bay quốc tế Đà Nẵng. Những khách này không thể di chuyển được do các tuyến đường từ sân bay vào TP.Đà Nẵng bị ngập sâu. Hầu hết các dịch vụ đón trả khách của các hãng taxi hay Grab đều tạm dừng phục vụ.

leftcenterrightdel
 Các tuyến đường từ sân bay Đà Nẵng vào trung tâm thành phố vẫn bị ngập sâu

Còn về đường sắt, Công ty cổ phần Đường sắt Quảng Nam - Đà Nẵng đang cố gắng khắc phục các đoạn sạt lở trên tuyến đường sắt Bắc - Nam đoạn qua Đà Nẵng để có thể thông tuyến một cách nhanh nhất. Ngày 9/12, tuyến đường sắt tại Km 799 + 800 và Km 799 + 850 đoạn qua địa bàn quận Cẩm Lệ (Đà Nẵng) đã xảy ra hai điểm sạt lở, mỗi điểm dài hơn 10m, sâu hơn 3m. Do tuyến đường sắt tê liệt, toàn bộ các đoàn tàu chạy trên đường sắt Bắc - Nam đều phải ngưng hành trình. Do không thể khắc phục nhanh sự cố, ngành đường sắt đã triển khai việc chuyển tải, hỗ trợ cho hành khách bị gián đoạn hành trình. Trong thời gian chờ đợi, hành khách trên các đoàn tàu đã được phục vụ suất ăn và nước uống miễn phí.

Mưa lớn ngoài việc gây ngập lụt cũng đã gây sạt lở một đoạn khoảng 1km bờ biển tại khu vực bờ biển Mỹ An, Bắc Mỹ An (quận Sơn Trà). Hàng chục cây dừa nằm sâu trong bờ biển đã bị sóng lớn đánh và kéo trôi ra biển. Khu vực 2 nhà hàng, quán bar nằm cạnh cống xả Mỹ An hiện đang bị sạt lở nặng phần móng. Nhiều đồ đạc, bàn ghế, phần mái cùng hệ thống bậc tam cấp dẫn ra bờ biển cũng bị cuốn trôi ra biển.

leftcenterrightdel
 Một đoạn sạt lở tại bờ biển Mỹ An (Ảnh NT)

Trước tình hình mưa lũ còn diễn biến phức tạp, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP.Đà Nẵng đã đề ra những phương án ứng phó. Theo đó, các quận huyện cần sẵn sàng triển khai phương án phòng, chống lũ quét và sạt lở đất; rà soát các khu dân cư đang sống ở những vùng trũng, thấp, vùng ven sông suối, vùng có nguy cơ sạt lở, lũ quét... Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo khơi thông cống rãnh thoát nước, vận hành các trạm bơm chống ngập ở khu vực nội thành; kiểm tra, chỉ đạo nhà thầu thi công khơi thông đảm bảo thoát nước tạm cho tuyến kênh đảm bảo không để ngập úng tại khu vực xã Hòa Liên và khu vực lân cận...

* Quảng Nam bắt đầu ngập lụt cục bộ

Từ chiều tối ngày 9/12, một số điểm tại TP.Tam Kỳ và TP.Hội An (tỉnh Quảng Nam) đã xuất hiện ngập lụt. Tại nhiều vùng thấp trũng ở các huyện: Tiên Phước, Thăng Bình, Đại Lộc, thị xã Điện Bàn đã ngập cục bộ. Tại TP.Tam Kỳ, một số tuyến đường nội thành đã bị ngập sâu hơn 0,5m. Nhiều tuyến đường chính như Phan Châu Trinh, Hùng Vương, Tôn Đức Thắng, Lý Thường Kiệt, Nguyễn Du… bị ngập sâu khiến giao thông đi lại khó khăn. Ngoài ra, do nước trên sông Bàn Thạch (đoạn qua phường An Phú, TP.Tam Kỳ) dâng cao kèm với gió giật mạnh đã khiến 40 lồng nuôi cá diêu hồng của của người dân bị nước cuốn trôi.

leftcenterrightdel
 Xuất hiện ngập lụt tại TP.Hội An (Ảnh Nam Thịnh)

Tại một số vùng nông thôn của Quảng Nam, ngập lụt cũng gây thiệt hại không nhỏ cho người trồng hoa màu. Tại TP.Hội An, mưa lớn kéo dài đến tối nay khiến nhiều tuyến đường ở phố cổ chìm trong biển nước, nhiều tuyến đường trong lòng thành phố đã biến thành sông, có đường ngập hơn nửa bánh xe.

Chiều tối hôm qua 9/12, ông Hà Thanh Quốc – Giám đốc Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Nam đã ký công văn về việc cho học sinh nghỉ học vào hôm nay 10/12.

leftcenterrightdel
 Ngày mai  (10/12) học sinh trên địa bàn Quảng Nam và Đà Nẵng được nghỉ học 1 ngày do lũ lụt.

Các ngày tiếp theo tùy theo tình hình thời tiết ở từng địa phương, giao cho Trưởng phòng GDĐT, HT các trường THPT, PTDTNT, Giám đốc TTGDTX tỉnh quyết định; đồng thời có kế hoạch dạy bù kịp thời ngay sau khi mưa lũ tan để đảm bảo chương trình năm học.

Xuân Nha