|
|
Ban chỉ đạo phòng chống lụt báo thành phố trực tiếp xuống cơ sở |
Đợt mưa lớn này, tại phường Quang Vinh thành phố Thái Nguyên có tới 150 hộ dân bị ảnh hưởng nặng, đường dân sinh bị ngập có chiều dài 7 km, gần 60 ha lúa và hoa màu ngập úng, sạt lở 300m suối Mỏ Bạch, rất may không có thiệt hại về người. Ngay khi mưa bão xảy ra, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai phường đã tập trung lực lượng để ứng cứu, hỗ trợ người dân khắc phục kịp thời sau mưa bão. Ông Nguyễn Văn Quảng, Phó Ban Thường trực BCH phòng chống thiên tại, tìm kiếm cứu nạn phường Quang Vinh cho biết: Ngay khi mưa lớn xảy ra, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn phường đã phân công nhiệm vụ cho từng thành viên bám sát tình hình tại các tổ dân phố. Đồng thời, huy động lực lượng, phương tiện sẵn sàng để hỗ trợ ứng cứu kịp thời khi có tình huống xảy ra. Ngay khi nước rút, lực lượng dân quân phường đã hỗ trợ các gia đình bị ngập lụt dọn dẹp nhà cửa để ổn định cuộc sống... Cũng trong đợt mưa lớn này, có khoảng 45ha đất trồng lúa, rau màu và hoa của các hộ dân ở phường Túc Duyên, đã bị ngập trong nước. Nhiều tổ dân phố bị ngập cục bộ, nước tràn vào nhà dân cao từ 10-20cm. Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của phường đã huy động các lực lượng tại chỗ dùng nhiều cọc tre và hàng trăm bao tải đất để gia cố kịp thời, một điểm đê xung yếu trên tuyến đê bối phường Túc Duyên (đoạn giáp tổ 11, phường Túc Duyên. Hiện nay, bà con nông dân phường Túc Duyên vẫn đang hàng ngày túc trực trên đồng ruộng, cố gắng tranh thủ nước rút để cứu lại một phần diện tích lúa, hoa màu và hoa các loại đang ngập trong nước. Ông Nguyễn Văn Hoan, Chủ tịch Hội Nông dân phường Túc Duyên, thành phố Thái Nguyên cho biết: Hiện nay rau mầu của bà con nhân dân vẫn đang ngập chìm trong biển nước, đã bị hỏng hết. Tôi mong muốn các cấp, các ngành từ thành phố đến địa phương có cơ chế hỗ trợ bà con nông có nguồn vốn đầu tư mua giống để trồng, cấy nhằm đảm bảo cuộc sống... Theo báo cáo nhanh của Ban chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn thành phố, tổng thiệt hại toàn thành phố ước khoảng gần 3,7 tỷ đồng. Trong đó, đã có gần 1.500 hộ dân trên địa bàn thành phố do nước tràn vào nhà, 465 ha lúa và hoa màu bị ảnh hưởng nặng, thiệt hại gần 3.000 gia cầm và thủy sản, 52 ôtô bị chết máy, 6 trạm biến áp và cột điện bị hư hỏng…
|
|
Một đoạn đường trong lòng thành phố Thái Nguyên bị ngập nước |
Ngay sau khi thiên tai xảy ra, lãnh đạo thành phố đã chỉ đạo Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thành phố và các xã phường phân công các lực lượng đi kiểm tra chỉ đạo công tác ứng phó và khắc phục thiệt hại theo phương châm “4 tại chỗ”; Huy động các lực lượng tham gia ứng cứu: Lực lượng quân đội; Lực lượng công an phương tiện ô tô, xuồng máy tham gia khắc phục hậu quả, cứu nạn. Đồng thời, tổ chức kiểm kê tài sản thiệt hại và giúp các hộ dân khắc phục tình hình sau mưa lũ, đảm bảo sản xuất và sớm ổ định đời sống. Ông Nguyễn Văn Bảo, xóm 6, xã Phúc Hà, Tp Thái Nguyên chia sẻ: Do trời mưa quá to và nhanh khiến trang trại gà của gia đình tôi ngập gần 1m, làm cho gần 1.000 con gà của gia đình bị chết, ước tính thiệt hại gần 100 triệu đồng. Gia đình mong muốn các cấp các ngành của Nhà nước, tạo điều kiện hỗ trợ gia đình chúng tôi phần nào về nguồn vốn để gia đình đầu tư vào chăn nuôi, khắc phục tổn thất để ổn định cuộc sống.
|
|
Những tuyến đường sau khi bị ngập đã được vệ sinh sạch sẽ |
Dự báo từ nay đến 12/9 trên địa bàn thành phố Thái Nguyên vẫn còn mưa lớn, diễn biến phức tạp vì vậy để ứng phó kịp thời, đồng chí Lê Quang Tiến Chủ tịch UBND Thành phố chỉ đạo: Cơ quan thường trực Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thành phố tham mưu cho thành phố thành lập ban chỉ huy ứng phó và phân lịch trực. Tại các vị trí xung yếu thực hiện theo phương châm 4 tại chỗ, thông tin và ứng cứu kịp thời; phân công trực, kiểm tra các tuyến Đê. Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các địa phương, đặc biệt là các xã, phường ven sông Cầu, sông Công cần chuẩn bị phương tiện, máy móc, lực lượng tại chỗ sẵn sàng xử lý ngay khi có tình huống xảy ra.