Tỉnh Thanh Hoá xác định nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí chiến lược trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, làm nền tảng vững chắc cho phát triển kinh tế - xã hội. Xây dựng NTM là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, liên tục của các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể nhân dân. Xây dựng NTM có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc, các tiêu chí NTM phải không ngừng được củng cố, nâng cao về chất lượng và bảo đảm tính bền vững, triển khai và thực hiện có hiệu quả đề án xây dựng mô hình NTM kiểu mẫu sáng - xanh - sạch - đẹp, góp phần xây dựng nông thôn ngày càng giàu đẹp, văn minh, nông thôn là những miền quê đáng sống, yên bình khi trở về.
|
|
Người dân được thụ hưởng từ chính sách xây dựng Nông thôn mới.
|
Xác định xây dựng NTM là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, xuyên suốt của toàn Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh, do vậy tỉnh Thanh Hoá đã ra chủ trương thực hiện Chương trình xây dựng NTM gắn với trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền ở các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị, của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh đều có kế hoạch, chương trình hành động cụ thể để tuyên truyền, vận động cho người dân tham gia xây dựng NTM, đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các huyện, thị xã, thành phố để triển khai thực hiện xây dựng NTM một cách hiệu quả.
Việc ban hành và thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ cho nhân dân là động lực quan trọng để thúc đẩy phong trào xây dựng NTM rộng khắp trên địa bàn toàn tỉnh. Do vậy, trong những năm qua chương trình xây dựng NTM của tỉnh đạt được kết quả to lớn, toàn diện về nông nghiệp, nông dân và phát triển nông thôn. Nhờ xây dựng NTM, đời sống kinh tế - xã hội, diện mạo nông thôn đã khởi sắc, tốc độ đô thị hóa nông thôn tăng nhanh, khoảng cách giữa nông thôn và thành thị được thu hẹp đáng kể, cơ hội tiếp cận, thụ hưởng các dịch vụ, phúc lợi xã hội hiện đại của người dân nông thôn được nâng lên rõ rệt.
|
|
Mô hình trồng nho mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân Triệu Sơn.
|
Diện mạo nông thôn của tỉnh khởi sắc rõ nét, số lượng các địa phương được công nhận đạt chuẩn NTM tăng mạnh, nhiều mục tiêu quan trọng về xây dựng NTM sớm hoàn thành vượt mức kế hoạch đề ra. Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ở nông thôn được tập trung đầu tư cải tạo, nâng cấp đồng bộ theo quy hoạch, kết nối với kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của tỉnh. Nông thôn phát triển theo hướng hiện đại, điều kiện sống và làm việc của người dân được nâng lên rõ rệt, thu nhập bình quân đầu người ở nông thôn được tăng lên. Các lĩnh vực giao thông, điện, nước cho sản xuất và sinh hoạt của người dân được đáp ứng đầy đủ. Hệ thống thông tin, truyền thông phát triển nhanh và đồng bộ, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân nông thôn tiếp cận tri thức mới, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Nhiều địa phương trong tỉnh thực sự trở thành miền quê đáng sống. Các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế, thể dục, thể thao tiếp tục phát triển. Các chính sách an sinh xã hội được thực hiện đầy đủ, kịp thời. Các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp được bảo tồn và phát huy. Các phong trào, hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao phát triển rộng khắp, ý thức cộng đồng, tình làng nghĩa xóm, các hoạt động nhân ái, từ thiện tiếp tục được khơi dậy và lan tỏa.
Số lượng xã nông thôn mới nâng cao đạt và vượt 150% kế hoạch, số lượng sản phẩm OCOP đạt và vượt 130% kế hoạch. Số lượng xã đạt chuẩn NTM của tỉnh thuộc tốp đầu cả nước. Nhiều mô hình kiểu mẫu trong xây dựng NTM được Mặt trận Tổ quốc các cấp và các tổ chức chính trị xã hội triển khai nhân rộng. Chất lượng của các xã được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu được nâng lên.
|
|
Diện mạo nông thôn của tỉnh Thanh Hóa thay đổi rõ rệt từng ngày.
|
Công tác tuyên truyền được đẩy mạnh, qua đó nâng cao nhận thức về trách nhiệm của tập thể, cá nhân trong thực hiện chương trình. Các cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn và nông dân được hỗ trợ, đã tạo động lực quan trọng khuyến khích các địa phương đẩy mạnh thực hiện chương trình. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các ban, ngành, đoàn thể từ cấp tỉnh đến cơ sở đã thực sự vào cuộc, tăng cường phối hợp tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ xây dựng Nông thôn mới; thường xuyên chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn các địa phương thực hiện các nội dung liên quan đến chương trình.
Các huyện, xã trong tỉnh tiếp tục phát huy tinh thần tích cực, chủ động, sáng tạo trong thực hiện chương trình xây dựng NTM, nỗ lực khắc phục khó khăn, phát huy nguồn lực tại chỗ, tranh thủ tốt nguồn lực từ bên ngoài để xây dựng NTM. Chương trình xây dựng nông thôn mới tiếp tục phát huy vai trò chủ thể của người dân và người dân được hưởng thụ những thành quả từ chương trình mang lại. Đặc biệt, người dân cũng thể hiện vai trò chủ thể của mình trong việc đóng góp tiền của, công sức để xây dựng NTM.
Nhiều phong trào thi đua có sức lan tỏa sâu rộng, nhất là phong trào chung sức xây dựng NTM, đô thị văn minh, phong trào hiến đất, hiến công trình để mở rộng đường giao thông nông thôn và xây dựng các thiết chế văn hóa công cộng đã có sức lan tỏa mạnh mẽ ở nhiều địa phương trong tỉnh.
|
|
Mô hình trồng cam của người dân mang lại hiệu quả tích cực. |
Theo số liệu thống kê của Văn phòng điều phối Chương trình xây dựng NTM tỉnh Thanh Hóa, từ năm 2021 đến nay, người dân trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã hiến gần 1.5 triệu m2 đất, phá dỡ khoảng 650 nhà ở dân cư, phá dỡ hơn 2.400 công trình như: tường rào, cổng nhà, sân, vườn để hiến đất cho xây dựng nông thôn mới. Để lan tỏa phong trào hiến đất xây dựng NTM, công tác tuyên truyền, vận động được các địa phương đặc biệt quan tâm, làm cho mỗi cán bộ, đảng viên và mỗi người dân hiểu được ý nghĩa và lợi ích của việc hiến đất mở đường, nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm của bản thân và gia đình.
Trong những năm qua các địa phương đã đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo hệ thống cơ sở hạ tầng thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới trên gần 5 nghìn km đường giao thông nông thôn và các công trình khác để cho người được thụ hưởng.
Trong hai năm 2023 - 2024, toàn tỉnh đã có 13 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; có 363 xã đạt chuẩn nông thôn mới và 717 thôn bản miền núi đạt chuẩn nông thôn mới; 97 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 23 xã, 480 thôn, bản đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
Công tác chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới đã mang lại kết quả tích cực, toàn bộ hồ sơ công việc cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã được xử lý trên môi trường mạng. Toàn tỉnh đã triển khai xây dựng được 23 thôn thông minh thuộc các xã NTM kiểu mẫu; có 6 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu với lĩnh vực nổi trội về chuyển đổi số.
|
|
Hội chợ trưng bày các sản phẩm nông nghiệp tại Thanh Hóa. |
Các chính sách phát triển nông nghiệp đi kèm với các nguồn lực hỗ trợ của tỉnh trong thời gian qua đã giúp các địa phương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển sản xuất hàng hóa theo hướng quy mô lớn, tập trung; khuyến khích đầu tư cơ sở hạ tầng, đẩy mạnh cơ giới hóa các khâu trong sản xuất, nâng cao chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, đưa các giống cây, con có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất, thúc đẩy các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển kinh tế nông nghiệp.
Đồng chí Cao Văn Cường, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chánh Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Thanh Hóa chia sẻ: Xây dựng NTM là nhiệm vụ mang tính chiến lược, lâu dài, toàn diện, tạo nền tảng bền vững về kinh tế, xã hội, môi trường, quốc phòng an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Chính vì vậy nhiệm vụ xây dựng NTM trong thời gian tới của tỉnh là nhanh chóng thay đổi rõ nét khu vực nông thôn, sự thay đổi này không chỉ về phát triển cơ sở vật chất hạ tầng, sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế, sự thay đổi tư duy trong sản xuất nông nghiệp mà còn là sự chuyển biến mạnh mẽ về tư duy, nhận thức, khát vọng vươn lên của mỗi người dân trong xây dựng NTM trên tinh thần là đoàn kết, tương thân tương ái, trách nhiệm cao với cộng đồng, xây dựng nền văn hóa giàu bản sắc, tham gia tích cực các cái phong trào thi đua và giữ vững an ninh trật tự trên địa bàn để nâng cao cái đời sống vật chất tinh thần cho người dân, từ đó kiến tạo xây dựng khu vực nông thôn trở thành biển quê đáng sống và là nơi để chúng ta trở về".
|
|
Đồng chí Cao Văn Cường, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chánh Văn phòng Điều phối Nông thôn mới tỉnh Thanh Hóa.
|
Chương trình xây dựng nông thôn mới trên vùng đất xứ Thanh đã và đang đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Kết quả NTM hôm nay là sự nỗ lực, chủ động vào cuộc, phát huy được vai trò của các cấp lãnh đạo, người đứng đầu, chính quyền địa phương trong công tác chỉ đạo, điều hành, có sự chung tay, nỗ lực của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân.
Người dân được xác định vừa là chủ thể, vừa là nguồn lực, vừa là đối tượng được thụ hưởng khi xây dựng NTM theo phương châm “Dân cần - dân biết - dân bàn - dân làm - dân kiểm tra - dân hưởng thụ”./.