Từ đầu năm 2021, Văn phòng điều phối xây dựng nông thôn mới Thanh Hóa (gọi tắt là Văn phòng) đã có Văn bản đề nghị các địa phương tổ chức rà soát, đánh giá mức độ đạt chuẩn của các thôn, bản và triển khai, thực hiện đảm bảo theo quy định của Bộ tiêu chí; đồng thời, đề nghị các huyện đăng ký danh sách các thôn, bản phấn đấu đạt chuẩn nông NTM, NTM kiểu mẫu để có cơ sở tập trung chỉ đạo thực hiện. Theo đó, đã có 120 thôn, bản miền núi đăng ký phấn đấu đạt chuẩn NTM và 78 thôn, bản đăng ký phấn đấu đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Văn phòng thường xuyên phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho cán bộ và người dân về mục tiêu, ý nghĩa của xây dựng thôn, bản NTM, NTM kiểu mẫu. Tham mưu cho HĐND, UBND tỉnh ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ 100 triệu đồng cho mỗi thôn, bản đạt chuẩn NTM, NTM kiểu mẫu….
Cùng với công tác tổ chức triển khai của Văn phòng, một số ngành, hội, đoàn thể cấp tỉnh đã vào cuộc và có cách làm sáng tạo, hiệu quả, góp phần quan trọng vào xây dựng NTM, NTM kiểu mẫu trên địa toàn bàn tỉnh, điển hình như:
Ủy ban MTTQ tỉnh đã tích cực triển khai Kế hoạch và tiêu chí mô hình khu dân cư “Sáng- Xanh - Sạch - Đẹp - An toàn” ở các thôn, bản đã đạt chuẩn NTM, phấn đấu thành thôn NTM kiểu mẫu. Vận động nhân dân tích cực hưởng ứng phong trào “Chung sức xây dựng NTM, đô thị văn minh”, nhiều mô hình bảo vệ môi trường do MTTQ tỉnh và các đoàn thể chủ trì, như “Thu gom, phân loại rác thải sinh hoạt tại hộ gia đình”, “Dòng sông không rác thải”, “Ngày thứ bảy tình nguyện, ngày chủ nhật xanh”.... Kết quả: MTTQ các cấp đã xây dựng được 38 mô hình khu dân cư “Sáng - Xanh - Sạch - Đẹp - An toàn”.
|
|
Xóm nhỏ NTM nâng cao của huyện Hoằng Hóa |
Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã đẩy mạnh thực hiện phong trào “5 không, 3 sạch” trên diện rộng và xây dựng Kế hoạch triển khai mô hình điểm “Nhà sạch - Vườn đẹp” tại các xã đăng ký đạt chuẩn NTM, NTM nâng cao. Sau thời gian triển khai, thực hiện đã thay đổi diện mạo vùng nông thôn theo hướng “Xanh- Sạch- Đẹp”. Người dân tích cực ứng dụng công nghệ vào sản xuất đem lại giá trị kinh tế cao, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, giải quyết thêm việc làm, tăng thu nhập góp phần làm thay đổi nếp sinh hoạt của nhiều hộ gia đình, phong trào đã lan tỏa đến các cấp Hội Phụ nữ trên địa bàn toàn tỉnh.
Hội Nông dân tỉnh đã tổ chức nhiều hội nghị tập huấn và bàn giao vật tư, thiết bị, xây dựng mô hình điểm “Hội Nông dân thu gom, phân loại và xử lý rác thải hữu cơ thành phân bón ở hộ gia đình và cộng đồng dân cư” tại các huyện thực hiện nhiệm vụ “Tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục nâng cao kiến thức và pháp luật về tài nguyên môi trường cho cán bộ hội viên nông dân”. Chỉ đạo các cấp hội ở địa phương hướng dẫn, hỗ trợ hội viên phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững
Hội Làm vườn và Trang trại tỉnh đã tích cực triển khai phong trào cải tạo vườn tạp, xây dựng vườn mẫu, đã phối hợp với các địa phương triển khai xây dựng được 334 vườn mẫu; chỉ đạo các cấp hội ở địa phương tổ chức Cuộc thi “Vườn đẹp, trang trại kiểu mẫu”, góp phần nâng cao chất lượng xây dựng xã, thôn, bản NTM nâng cao, kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh.
Sở Nông nghiệp và PTNT, với vai trò là cơ quan thường trực Ban chỉ đạo (BCĐ), đã phân công cho các đơn vị ngành Nông nghiệp trực tiếp theo dõi, hướng dẫn, đỡ đầu thôn, bản xây dựng NTM bằng nhiều hình thức, như: hướng dẫn kỹ thuật chuyển giao tiến bộ khoa học, công nghệ vào sản xuất, đào tạo nghề cho lao động, xây dựng các mô hình phát triển sản xuất hiệu quả, hỗ trợ tiền mặt, hiện vật, hỗ trợ xi măng,…
Ông Cao Văn Cường, Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: phong trào xây dựng NTM và NTKM của Thanh Hóa đã lên cao, các BCĐ của các huyện đã tập trung chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc các xã triển khai đến thôn, bản đăng ký phấn đấu đạt chuẩn tổ chức rà soát, đánh giá thực trạng, xây dựng Đề án/Kế hoạch và tổ chức thực hiện theo các chỉ tiêu, nội dung của tiêu chí thôn, bản NTM, NTM kiểu mẫu. trên cơ sở kết quả thực hiện, tổ chức đánh giá xét, công nhận thôn, bản đạt chuẩn NTM kiểu mẫu theo đúng quy định. Hiện tại các xã đã tạo được điểm nhấn từ các mô hình phát triển kinh tế,môi trường…của các tổ chức, ban, ngành chỉ đạo.
Một số huyện đã có cơ chế, chính sách riêng để khuyến khích các thôn xây dựng NTM kiểu mẫu, như: huyện Đông Sơn hỗ trợ thôn đạt chuẩn NTM kiểu mẫu 100 triệu đồng/thôn; 250 triệu đồng/km giao thông nông thôn, kênh mương nội đồng, 70 triệu đồng/km rãnh tiêu thoát nước khu dân cư, 150 triệu đồng/km làm tường rào thông thoáng, 50 triệu đồng/thôn di chuyển cột điện, 10-15 triệu đồng/vườn có diện tích 500m2 xây dựng vườn mẫu. Huyện Quảng Xương hỗ trợ cho các thôn đạt chuẩn 100 triệu đồng/thôn và 75 triệu đồng/km làm tường rào lam thoáng. Huyện Thạch Thành, hỗ trợ thôn NTM kiểu mẫu, mức 350-400 triệu đồng/thôn để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. Ngoài ra, huyện Thọ Xuân, Triệu Sơn, Hoằng Hóa đã có chính sách hỗ trợ thưởng các thôn đạt chuẩn NTM kiểu mẫu từ 50-70 triệu đồng/thôn, đầu tư xây mới, nâng cấp đường giao thông, rãnh tiêu thoát nước khu dân cư, chỉnh trang nhà văn hóa...
Nhiều huyện miền núi mặc dù ngân sách còn khó khăn, nhưng đã ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ cho các thôn, bản về hỗ trợ xi măng làm đường giao thông, kênh mương nội đồng, xây dựng nhà văn hóa thôn, xây dựng mô hình phát triển sản xuất và thưởng từ 20-100 triệu đồng/thôn đạt chuẩn NTM (Ngọc Lặc, Thường Xuân, Lang Chánh, Như Thanh, Bá Thước, Thạch Thành...).
Ông Lê Đức Giang, Phó chủ tịch UBND tỉnh cho biết: ngày 5/8/2019, Bộ chính trị đã ban hành Nghị quyết 58 về phát triển Thanh Hóa. Việc, thực hiện xây dựng NTM của Thanh Hóa là một trong những nội dung của Nghị quyết 58. Để, Thanh Hóa trở thành tỉnh “đáng sống”, các cơ quan chức năng đã vào cuộc, vận động, tuyên truyền, đến nay nhiều thôn, bản đã xây dựng thành công NTM, hiện tiếp tục xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu…Tin rằng, thời gian không xa Thanh Hóa sẽ sớm trở thành địa chỉ “đáng sống”.