Trong những năm qua, Ngành Lao động - Thương binh và Xã hội chịu trách nhiệm quản lý nhà nước với đối tượng rất đa dạng, cơ sở dữ liệu rất rộng, diện đối tượng chi trả trợ cấp xã hội rất lớn. Hàng tháng, chi trả chính sách an sinh xã hội cho hơn 60.000 đối tượng, trong đó gần 19.000 người có công với cách mạng, 17.500 người khuyết tật, 14.750 người cao tuổi, 9.238 đối tượng khác.
Triển khai chi trả không dùng tiền mặt đến đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội, UBND tỉnh Thái Nguyên đã ban hành các công văn, văn bản về việc tích cực triển khai chi trả không dùng tiền mặt đến các đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội, quyết định quy định phương thức chi trả, mức chi phí chi trả chính sách trợ giúp xã hội trên địa bàn tỉnh…
Sở Lao động Thương bình và Xã hội tỉnh Thái Nguyên đã thực hiện các văn bản chỉ đạo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, UBND tỉnh về chuyển đổi số trong lĩnh vực an sinh xã hội, chi trả không dùng tiền mặt cho nhóm đối tượng được hưởng chính sách an sinh xã hội, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Thái Nguyên đã ban hành Kế hoạch giai đoạn, hàng năm về lãnh đạo, chỉ đạo việc chuyển đổi số trong toàn Ngành. Xác định việc xây dựng cơ sở dữ liệu đối tượng của ngành là trọng tâm, xác định việc chuyển đổi số là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài với phương châm làm nhanh, gọn nhưng không nóng vội, làm chắc từng việc, từng cơ sở dữ liệu một, đi từ cơ sở, hoàn thành cơ sở dữ liệu trước hết là đối với người có công, đối tượng bảo trợ xã hội, trẻ em, hộ nghèo, cận nghèo.
|
|
Đồng chí Đặng Anh Thảo, Phó Trưởng phòng bảo trợ - trẻ em và bình đẳng giới cùng cán bộ Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Thái Nguyên trao đổi, hướng dẫn cập nhật Hệ thống phần mềm thông tin, cơ sở dữ liệu đối tượng bảo trợ xã hội . (Ảnh: Trọng Tài) |
Nhờ triển khai kịp thời, hiệu quả các giải pháp, trong năm 2024 Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phố biến sâu rộng đến người dân về chuyển đổi số trong lĩnh vực an sinh xã hội, chi trả không dùng tiền mặt cho đối tượng được hưởng chính sách an sinh xã hội, thực hiện liên thông điện tử 2 nhóm thủ tục hành chính, xóa đăng ký thường trú,…
Đồng thời, Sở đã rà soát thông tin, xác thực, làm sạch 100% dữ liệu về đối tượng bảo trợ xã hội, người có công, thân nhân người có công với cách mạng, hộ nghèo, hộ cận nghèo, kết nối, đồng bộ với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, thường xuyên cập nhật danh sách đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội trên phần mềm để quản lý, theo dõi, xuất danh sách chi trả, phân tích, đề xuất chính sách hỗ trợ đặc thù riêng của tỉnh.
Bên cạnh đó, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Thái Nguyên còn phối hợp với các ngân hàng thương mại, đơn vị cung cấp dịch vụ Viettel, Viễn thông triển khai mở tài khoản cho đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội, ưu tiên đối tượng bảo trợ xã hội, người có công. Đối với UBND cấp xã, hàng tháng Sở rà soát, cập nhật định kỳ hàng tháng dữ liệu đối tượng an sinh xã hội trên phần mềm Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu đối tượng bảo trợ xã hội. Thu thập thông tin, phối hợp với ngân hàng, tổ chức dịch vụ chi trả mở tài khoản cho đối tượng và cập nhật lên phần mềm; xác thực thông tin trên hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. UBND cấp huyện chỉ đạo các cơ quan chuyên môn lựa chọn đơn vị, tổ chức dịch vụ chi trả, ký hợp đồng thực hiện dịch vụ chi trả không dùng tiền mặt, hàng tháng chốt danh sách chi trả chính sách an sinh xã hội, xuất danh sách chi trả trên phần mềm, chi trả không dùng tiền mặt cho 100% đối tượng bảo trợ xã hội, 87% người có công.
Đối với các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Thái Nguyên triển khai ứng dụng phần mềm trong thu thập, quản lý cơ sở dữ liệu về các đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội, đề xuất xây dựng chính sách đặc thù, Ngân hàng Nhà nước tỉnh chỉ đạo các ngân hàng thương mại, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian có chính sách hỗ trợ, ưu đãi về phí dịch vụ thanh toán cho các đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội.
Bên cạnh những thuận lợi, kết quả thực hiện chuyển đổi số trong lĩnh vực an sinh xã hội, chi trả không dùng tiền mặt cho nhóm đối tượng được hưởng chính sách an sinh xã hội cũng còn gặp một số khó khăn như một số đối tượng không đủ điều kiện tạo được tài khoản số do thiếu các điều kiện mở tài khoản số; đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội nhận trợ cấp hàng tháng đa phần là người cao tuổi, người yếu thế trong xã hội hạn chế trong sử dụng điện thoại thông minh, còn một số đối tượng có tâm lý ngại sử dụng tài khoản vì quen dùng tiền mặt; phí để duy trì tài khoản còn khá cao so với kinh phí nhận trợ cấp hàng tháng của đối tượng.
|
|
Đồng chí Nguyễn Đức Hiếu, Phó giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Thái Nguyên trao đổi với phóng viên. (Ảnh: Trọng Tài) |
Đồng chí Nguyễn Đức Hiếu, Phó giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Thái Nguyên cho biết: “Để giúp người dân ngày càng được tiếp cận các dịch vụ xã hội một cách thuận lợi, hiệu quả và thúc đẩy chuyển đổi trong lĩnh vực an sinh xã hội, thời gian tới, Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến và vận động về việc chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt. Mục tiêu là nâng cao nhận thức của người dân và đối tượng hưởng chính sách về phương thức chi trả không dùng tiền mặt. Đồng thời, tăng cường nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác giải quyết chính sách và chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt, giúp đảm bảo không phát sinh thủ tục phức tạp và duy trì quy trình xử lý hiệu quả đối với các công tác liên quan đến chi trả cho đối tượng an sinh xã hội. Điều này đảm bảo rằng các đối tượng được hưởng an sinh xã hội sẽ nhận chế độ kịp thời, đầy đủ và thuận lợi, đồng thời đảm an toàn trong quá trình thanh toán...”.
Có thể khẳng định, việc thanh toán không dùng tiền mặt cho người dân thuộc diện được hưởng chính sách an sinh xã hội do Ngành Lao động Thương binh và Xã hội quản lý là một trong những nhiệm vụ thúc đẩy chuyển đổi số trong chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt, tạo điều kiện để người dân tiếp cận các dịch vụ xã hội một cách nhanh chóng, thuận lợi, thụ hưởng và nhận định đúng các chính sách của Đảng và Nhà nước. Đây cũng là giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên cũng như góp phần thực hiện tốt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025 của Thủ tướng Chính phủ.