Đó là nhờ sự chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; sự hỗ trợ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT); công tác phối hợp của các sở, ban, ngành và các địa phương; sự đồng hành của cộng đồng doanh nghiệp, hợp tác xã, cùng với những nỗ lực của toàn ngành
Năm 2023, tỉnh Thái Nguyên đạt mức tăng trưởng trên 5%, tiếp tục là tỉnh dẫn đầu về chỉ số tăng trưởng kinh tế trong vùng trung du miền núi phía Bắc. Thu ngân sách toàn tỉnh đạt gần 20.200 tỉ đồng, vượt kế hoạch đề ra. Với kết quả này, Thái Nguyên chính thức lọt Top 18 tỉnh, thành phố tự cân đối thu chi. Con số này cũng cho thấy sức mạnh nội tại của nền kinh tế, tính ổn định, bền vững và khả năng vượt qua khó khăn đảm nhiệm trọng trách trong tỷ lệ thu ngân sách địa phương. Thu nhập bình quân đầu người (GRDP), Thái Nguyên ước đạt 113 triệu đồng/người/năm, cho thấy đời sống nhân dân trên địa bàn tỉnh liên tục tăng, tiếp tục nằm trong nhóm các tỉnh có mức thu nhập bình quân đầu người khá của cả nước và là tỉnh dẫn đầu của khu vực trung du và miền núi phía Bắc.
Bên cạnh đó, giá trị xuất khẩu năm 2023 của tỉnh đạt 35 tỉ USD, tăng 9% so với thực hiện năm 2022, trong đó xuất khẩu địa phương đạt 765 triệu USD, tăng 10%. Nhóm hàng xuất khẩu chủ yếu chiếm tỷ trọng lớn trên địa bàn tỉnh như điện thoại thông minh, máy tính bảng, linh kiện điện tử và phụ tùng khác ước đạt 24,8 tỉ USD. Các nhóm hàng khác có giá trị xuất khẩu trong năm 2023 ước giảm so với năm 2022 gồm: Sản phẩm từ sắt thép; giấy và các sản phẩm từ giấy; kim loại màu và tinh quặng kim loại; chè các loại; phụ tùng vận tải… Ở chiều ngược lại, một số nhóm hàng có giá trị xuất khẩu ước tính năm 2023 đạt cao hơn năm 2022 như sản phẩm may mặc đạt 499,2 triệu USD, tăng 5,3% so với cùng kỳ.
|
|
Lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên thường xuyên kiểm tra, chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ, chất lượng các công trình giao thông để đẩy mạnh thu hút đầu tư. |
Tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa trên địa bàn tỉnh năm 2023 đạt 16,3 tỉ USD, trong đó khu vực kinh tế trong nước ước đạt 510,9 triệu USD, tăng 0,4% so với cùng kỳ; khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 15,8 tỉ USD. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) duy trì ổn định, bình quân tăng 0,92% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó có 8/11 nhóm hàng hóa, dịch vụ có chỉ số giá tăng; 2 nhóm có chỉ số giá giảm; 1 nhóm ổn định chỉ số giá.
Trong thành tích chung ấy không thể không nói đến vai trò của Sở KH&ĐT Thái Nguyên. Ông Hà Văn Dương- Giám đốc Sở KH&ĐT Thái Nguyên cho biết: Năm 2023, mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng Sở KH&ĐT Thái Nguyên đã phát huy tốt vai trò là cơ quan tham mưu tổng hợp về kinh tế - xã hội. Với sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự hỗ trợ tích cực của Bộ KH&ĐT và sự nỗ lực của toàn thể cán bộ, viên chức, người lao động trong cơ quan, Sở KH&ĐT đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao trên tất cả các lĩnh vực, nhất là tham mưu hiệu quả kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.
|
|
Ông Hà Văn Dương- Giám đốc Sở KH&ĐT Thái Nguyên trao đổi với phóng viên. |
Cụ thể, Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo, điều hành theo Nghị quyết của HĐND tỉnh đạt và vượt các chỉ tiêu chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh. Chủ động tham mưu, đề xuất các giải pháp, cơ chế, chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng các kịch bản tăng trưởng, tranh thủ thời cơ phục hồi và tạo động lực mới cho phát triển kinh tế của tỉnh.
Ngay từ đầu năm, Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng kịch bản tăng trưởng kế hoạch năm 2023, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025, tập trung thực hiện 3 nhiệm vụ đột phá với tinh thần “Đổi mới, đột phá, quyết tâm và khát vọng”, tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh năm 2023 phát triển mạnh và đạt được những kết quả quan trọng. Đặc biệt là đã công bố Quyết định phê duyệt Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên của Thủ tướng Chính phủ.
Sở đã tham mưu giải quyết, xử lý kịp thời hàng chục nghìn văn bản đến của Trung ương, của tỉnh, các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố và cộng đồng doanh nghiệp, qua đó tham mưu tích cực cho lãnh đạo tỉnh chỉ đạo, điều hành thực hiện khá toàn diện và hoàn thành cơ bản các chỉ tiêu nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 đã đề ra.
|
|
Tạo động lực mới cho phát triển kinh tế của tỉnh. |
Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện phương châm đồng hành cùng doanh nghiệp và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.Với sự chủ động đổi mới, sáng tạo, cùng với việc tham mưu phát huy tối đa lợi thế, cơ chế, chính sách để phát triển kinh tế, ưu tiên triển khai các giải pháp thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) ngành cũng đề xuất UBND tỉnh tập trung đầu tư hạ tầng, dịch vụ, ưu tiên lĩnh vực tạo giá trị gia tăng cao với mục tiêu thu hút ngày càng nhiều thương hiệu hàng đầu thế giới đến đầu tư sản xuất, kinh doanh, hội nhập sâu rộng vào chuỗi cung ứng toàn cầu...
Nhờ vậy, hết năm 2023 toàn tỉnh có 41 dự án FDI cấp mới với tổng số vốn đăng ký đạt 253,38 triệu USD, 17 lượt dự án tăng vốn với tổng số vốn đăng ký đạt 136,23 triệu USD. Như vậy, lũy kế đến nay, trên địa bàn tỉnh có 211 dự án FDI còn hiệu lực với tổng số vốn đăng ký đạt trên 10,72 tỉ USD.
Đặc biệt, trong năm 2023 các đoàn công tác của lãnh đạo tỉnh đã được tổ chức đến nhiều quốc gia lớn như: Nhật Bản, Australia, Hàn Quốc, Hoa Kỳ và châu Âu…nhằm tìm hiểu cơ hội hợp tác, xúc tiến đầu tư trên các lĩnh vực.
Thông qua các chương trình xúc tiến đầu tư đã và đang giúp Thái Nguyên nói chung và IPA Thái Nguyên nói riêng tìm kiếm được thêm các giải pháp đổi mới hiệu quả xúc tiến đầu tư; Đồng thời, phục vụ quá trình triển khai các giải pháp của Đề án cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng cạnh tranh cấp tỉnh giai đoạn 2021 - 2025.