Theo Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường (UBKHCN-MT), Trung tâm điện lực (TTĐL) Vĩnh Tân được Bộ Công thương phê duyệt quy hoạch tổng thể lần đầu vào năm 2007 và thực hiện 4 lần điều chỉnh quy hoạch trong các năm 2010, 2012, 2015 và 2017. Toàn bộ quá trình phê duyệt và hiệu chỉnh quy hoạch tổng thể TTĐL Vĩnh Tân đều được các bộ, ngành liên quan và UBND tỉnh Bình Thuận có ý kiến, chấp thuận thông qua trước khi phê duyệt.

leftcenterrightdel
Khu bảo tồn biển Hòn Cau tỉnh Bình Thuận 

Đoàn giám sát của Quốc hội cho rằng, tại thời điểm Bộ Công thương phê duyệt điều chỉnh quy hoạch TTĐL vào năm 2010 là chưa có quy hoạch bảo tồn biển Hòn Cau. Đến ngày 15/11/2010, UBND tỉnh Bình Thuận có Quyết định thành lập Khu bảo tồn biển Hòn Cau với diện tích 12.500 ha. Trong đó, Khu bảo tồn biển Hòn Cau chồng lấn với quy hoạch TTĐL Vĩnh Tân 320 ha, trong đó 213,5 ha là diện tích khu vực cảng nhập than và 106,5 ha là phần lấn biển của 3 Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân. Tuy nhiên, qua các lần điều chỉnh quy hoạch TTĐL Vĩnh Tân và sau khi rà soát các khu vực nạo vét luồng cho tàu 100 ngàn tấn và khu vực bãi chứa nạo vét, tổng phần diện tích chồng lấn đã tăng thêm lên gần 460 ha.

Báo cáo khẳng định, quy hoạch thành lập Khu bảo tồn Hòn Cau ra đời sau khi có quy hoạch TTĐL Vĩnh Tân. Thế nhưng, quyết định này lại không được gửi đến Bộ Công thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

Được biết, việc chồng lấn giữa hai quy hoạch này diễn ra từ lâu và đang làm cản trở sự phát triển chung của tỉnh Bình Thuận, nhưng đến nay chưa có giải pháp để tháo gỡ. Theo tìm hiểu, từ tháng 9/2016, tỉnh Bình Thuận có văn bản gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) xin điều chỉnh diện tích Khu bảo tồn biển Hòn Cau. Bình Thuận đề nghị Bộ NN-PTNT xem xét cho giảm 1.060 ha ở các vùng phục hồi sinh thái và vùng phát triển trong tổng 12.500 ha của khu bảo tồn biển này nhằm nhường lại diện tích cho các nhà máy nhiệt điện ở Vĩnh Tân.

Trả lời về đề xuất này, Bộ NN-PTNT cho biết: Diện tích 12.500 ha của Khu bảo tồn biển Hòn Cau đã được tính toán để bảo đảm được các mục tiêu bảo vệ, bảo tồn các hệ sinh thái rạn san hô, cỏ biển, các loài động thực vật biển và các loài quý hiếm. Do đó, việc đề xuất điều chỉnh giảm diện tích đến 1.060 ha sẽ ảnh hưởng rất lớn đến các mục tiêu, chức năng và thậm chí phá vỡ quy hoạch Hòn Cau.

Hơn nữa, quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của các dự án, thành phần liên quan đến dự án TTĐL Vĩnh Tân được UBND tỉnh Bình Thuận gửi đến Bộ NN-PTNT không đề cập đến tác động của các dự án này. Trong khi việc thu hẹp diện tích khu bảo tồn biển ảnh hưởng rất lớn đến quần thể san hô nguyên thủy dài hơn 2 km với gần 234 loại san hô, cỏ biển và các động thực vật khác quý hiếm tại vùng biển này. Đáng chú ý là các rạn ngầm là bãi đẻ của tôm hùm bông, tôm hùm đỏ và tôm hùm xanh phân bố tại khu vực Hòn Cau.

Cũng theo Bộ NN-PTNT, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 742 phê duyệt quy hoạch hệ thống khu bảo tồn biển Việt Nam đến năm 2020. Do đó, việc điều chỉnh giảm diện tích Khu bảo tồn biển Hòn Cau sẽ làm ảnh hưởng đến mục tiêu chung đã được Thủ tướng Chính phủ quy định.

Về phía EVN lại cho rằng: Tại thời điểm Bộ Công thương phê duyệt điều chỉnh quy hoạch TTĐL Vĩnh Tân vào năm 2010 là chưa có quy hoạch Khu bảo tồn biển Hòn Cau. Quy hoạch thành lập Khu bảo tồn biển Hòn Cau ra đời sau khi có quy hoạch TTĐL Vĩnh Tân. Thế nhưng, quyết định này không được gửi đến Bộ Công thương và EVN.

Đoàn công tác đề xuất: TTĐL Vĩnh Tân với tổng công suất 6.260 MW đóng vai trò rất quan trọng trong việc bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, cung cấp nguồn điện ổn định cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đặc biệt bảo đảm cấp điện cho các tỉnh phía Nam. Đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan và UBND tỉnh Bình Thuận xem xét, điều chỉnh quy hoạch khu vực chồng lấn phần diện tích thuộc vùng phát triển của khu bảo tồn biển Hòn Cau với quy hoạch TTĐL Vĩnh Tân, bảo đảm hài hòa giữa lợi ích kinh tế và công tác bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường khu vực biển Hòn Cau.      

Cũng theo Ủy ban KHCN-MT, để bảo đảm hoạt động của các nhà máy tại TTĐL Vĩnh Tân, phải tiến hành nạo vét khu vực cảng nhập than, luồng, vùng quay tàu và duy tu các hạng mục này trong suốt quá trình hoạt động. Đề nghị Bộ TN-MT, Bộ Công thương, Bộ Xây dựng hướng dẫn hỗ trợ EVN có phương án sử dụng vật chất nạo vét vừa bảo đảm môi trường vừa tiết kiếm sử dụng tài nguyên có hiệu quả cho phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Mới đây, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng yêu cầu một số bộ, ngành, trong đó có Bộ Công thương và Bộ NN&PTNT căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được giao, khẩn trương nghiên cứu các đề nghị đối với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ của Ủy ban KHCN-MT, trong có đề nghị việc xét xét, điều chỉnh quy hoạch việc chồng lấn quy hoạch giữa TTĐL Vĩnh Tân và Khu bảo tồn biển Hòn Cau.

 

 

Lê Sử