Gần 1.000 hecta lúa đứng trước nguy cơ mất trắng

Nắng hạn kéo dài và hầu như không có mưa trong gần hai tháng nay đã làm gần 1.000 hecta lúa cùng hàng trăm hecta cây trồng cạn khác ở Quảng Bình bị thiếu nước nghiêm trọng, có nguy cơ mất trắng. Mặc dù chính quyền địa phương cùng các ban ngành đã có nhiều biện pháp chống hạn. Tuy nhiên, đến nay lượng nước tại các ao, hồ gần như cạn kiệt nên công tác chống hạn gặp nhiều khó khăn.

Có mặt tại ruộng lúa của hộ gia đình ông Phan Văn Lợi, xã Quảng Thạch, huyện Quảng Trạch, chúng tôi ghi nhận gần như toàn diện tích ruộng đã khô cằn, nứt nẻ, lúa héo hon vì thiếu nước. Theo ông Lợi, đã hơn 1 tháng nay, thời tiết nắng nóng kéo dài khiến hơn 3 sào ruộng của gia đình ông có nguy cơ bị cháy khô do thiếu nước. Bất lực nhìn ruộng lúa khô hạn nặng, ông Lợi cũng như hàng trăm hộ gia đình khác ở xã Quảng Thạch giờ chỉ biết trong vào trời.

Tình hình thời tiết bữa nay quá khô hạn, từ khi xuống giống đến giờ là hơn 30 ngày rồi mà ruộng vẫn chưa có nước, lúa đang cháy. Nếu không mưa trong khoảng một tuần nữa là lúa ở đây sẽ cháy hết”. Ông Lợi buồn rầu cho biết.

Theo thống kê từ UBND huyện Quảng Trạch, mùa vụ này theo kế hoạch toàn huyện sẽ tiến hành gieo trồng gần 3.000ha lúa. Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại đã có gần 500ha bị khô hạn, 450ha thiếu nước không gieo trồng được. Mặc dù công tác chống hạn đã được triển khai quyết liệt từ đầu năm, tuy nhiên do nguồn nước ao hồ, kênh mương đã khô cạn và xuống thấp nên công tác chống hạn gặp rất nhiều khó khăn.

leftcenterrightdel
 Những cánh đồng tại Quảng Bình đang trở nên khô cằn nẻ vì nắng nóng kéo dài.

Huyện Quảng Trạch có 3 hồ chứa nước lớn là Vực Tròn, Tiên Lang và Trung Thuần, phục vụ nước tưới tiêu cho sản xuất nông nghiệp. Năm nay mới bước vào mùa khô, nước trong 2 hồ Tiên Lang và Trung Thuần chỉ đạt 17 – 18% và không thể đủ tưới nước cho vụ hè thu các xã vùng trung và phía tây Quảng Trạch. Chỉ còn duy nhất hồ Vực Tròn là còn đủ khả năng tưới nước cho các xã vùng phía bắc huyện nhưng cũng đặt trong tình trạng báo động.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Xuân Đạt - Chủ tịch UBND huyện Quảng Trạch cho biết, trước lúc bước vào mùa hạn huyện đã lên nhiều kế hoạch để chống chọi với hạn hạn. Tuy nhiên do thời tiết quá khắc nghiệt nên mọi kế hoạch và biện pháp đưa ra vẫn không thể giải quyết được tình trạng khan hiếm nước.

Huyện đã có kế hoạch tích trữ nước để sử dụng có hiệu quả, tuy nhiên trời hạn hán, mưa không có nên các ao hồ, sông, lạch đều đã sử dụng hết. Đã lắp đến 14 máy tưới tiêu cho bà con, tuy nhiên đến thời điểm này, tất cả các ao hồ đều cạn nước”. Ông Đạt chia sẻ.

Thống kê của Sở Nông nghiệp và phát triển Nông thôn tỉnh Quảng Bình cho biết, tính đến nay đã có gần 1.000ha lúa bị thiếu nước tưới, hàng trăm hecta cây trồng cạn cũng có nguy cơ mất trắng do khô hạn. Trước tình hình trên, các địa phương đã vận động tận dụng triệt để các nguồn nước từ ao hồ, kênh mương để bảo đảm tưới nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do hạn hán gây ra.

Hàng nghìn hộ dân khát nước

Nắng nóng kéo dài trong thời gian qua, hàng nghìn hộ dân tại nhiều địa phương tỉnh Quảng Bình đang phải đối diện với tình trạng thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng. Dù đã tận dụng nguồn nước tại các tại các ao, hồ, sông, suối để sử dụng, nhưng do nhiều tháng liền không có mưa cũng đang khiến nguồn nước đang cạn kiệt dần.

Thôn Đức Phú 3, xã Đức Hóa, huyện Tuyên Hóa có 211 hộ dân chủ yếu nhờ vào nguồn nước giếng và nước sạch dẫn từ trên suối trong rừng về để phục vụ sinh hoạt. Song năm nay, nắng nóng kéo dài khiến nguồn nước ngầm bị tụt xuống thấp nên hầu hết nguồn nước giếng và nước sạch dẫn về đều bị cạn kiệt.

Dẫn chúng tôi ra chiếc giếng sâu hun hút trước sân ông Hoàng Quang Vinh cho biết, chiếc giếng này đào đã được hơn 5 năm, mấy năm trước vào mùa khô như này lượng nước vẫn đủ cho gia đình ông dùng dè xẻn. Nhưng năm nay thì gần như khô hạn hoàn toàn. Tình trạng này diễn ra với nhiều hộ gia đình trong thôn chứ không riêng gì gia đình ông Vinh. 

Cùng hoàn cảnh như nhà ông Vinh, hơn một tháng nay, gia đình ông Ngô Chiến cũng như hàng trăm hộ dân sống tại Thôn Tam Đa, xã Quảng Lưu, huyện Quảng Trạch, phải sử dụng nguồn nước sinh hoạt hàng ngày từ chiếc giếng làng. Mặc dù giếng cũng đang dần cạn kiệt, nước không đảm bảo vệ sinh nhưng đây là nguồn nước duy nhất cung cấp nước cho cà làng.

Ông Ngô Chiến cho biết: “Thời tiết nắng nóng kéo dài khiến các giếng nước của các gia đình ở đây đã cạn kiệt hết, giờ người dân tập trung sử dụng vào giếng làng này để lấy nước. Nhưng nguồn nước này cũng không đảm bảo cho cả làng xóm uống”.

leftcenterrightdel
Hồ Trung Thuần đang đứng trước nguy cơ bị cạn kiệt từng ngày, khiến nguồn nước phục vụ sinh hoạt của người dân bị giảm theo 

Thời tiết nắng hạn kéo dài và không có mưa hơn hai tháng nay đã khiến nguồn nước tại các, ao hồ, sông, suối gần như cạn kiệt. Nếu nắng hạn tiếp tục kéo dài trong thời gian tới thì hàng ngàn hộ dân của huyện Quảng Trạch phải đối diện với nguy cơ thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng.

Ông Nguyễn Xuân Đạt, Chủ tịch UBND huyện Quảng Trạch cho biết thêm, “Vừa qua Ủy ban tỉnh cũng như các bộ, ngành đang tiến hành các bước hoàn thiện hồ sơ để trình Chính phủ để phát triển hệ thống nước giai đoạn hai vốn đối ứng Hunggari, đến thời điểm này gần nhu thủ tục đã xong. Mong rằng Chính phủ sớm quyết định sớm dự án nước Rào Nan giai đoạn hai để phục vụ cho 12 xã phường huyện Quảng Trạch để đảm bảo nước sinh hoạt cho bà con”.

Không chỉ riêng huyện Quảng Trạch, hàng ngàn hộ dân tại các huyện Quảng Ninh, Tuyên Hóa, Minh Hóa cũng đang đối mặt với nguy cơ thiếu nước nghiêm trọng. Trước tình hình hạn hán diễn ra trong diện rộng, tỉnh Quảng Bình cho biết đang xin kinh phi chống hạn từ Bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn nhằm cứu hạn khẩn cấp cho người dân.


Nguyễn Cường