Huy động mọi nguồn lực, chủ động tháo gỡ khó khăn

Từng là một xã xuất phát điểm thấp, kinh tế phát triển không đồng đều, đến tháng 5/2024, xã Đắk Gằn (huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông) đã về đích nông thôn mới. Đến nay, bộ mặt nông thôn của địa phương đã có sự thay đổi rõ rệt. Đời sống về vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên và từng bước đi vào chiều sâu. Góp phần thúc đẩy sự phát triển chung của toàn huyện.

leftcenterrightdel
 Đường nông thôn mới kiểu mẫu sáng - xanh - sạch đẹp tại xã Đắk Gằn (huyện Đắk Mil).

Đặc biệt, xã Đắk Gằn tiến hành phát triển sản xuất theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, nâng cao lợi thế cạnh tranh các sản phẩm thế mạnh của địa phương đã được cấp ủy, chính quyền chú trọng, tập trung chỉ đạo. Kinh tế phát triển ổn định, hình thành các vùng sản xuất công nghệ cao, nâng cao giá trị thương hiệu cho sản phẩm xoài Đắk Gằn. Tỷ lệ hộ nghèo ngày càng giảm.

Với sự triển khai có hiệu quả các chính sách giảm nghèo trên địa bàn, thu nhập của người dân ngày càng được nâng lên năm sau cao hơn năm trước. Công tác bảo vệ môi trường và tạo cảnh quan nông thôn đã được quan tâm, từng bước hình thành các khu dân cư nổi bật về cảnh quan đường làng, ngõ xóm “sáng, xanh, sạch, đẹp”, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn...

Để đạt được những kết quả nói trên, thời gian qua, xã Đắk Gằn đã có nhiều cách làm sáng tạo. Lý giải về điều này, ông Cao Đức Nguyên, Chủ tịch UBND xã Đắk Gằn cho biết, trước khi bắt tay vào thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, xã Đắk Gằn đã gặp không ít khó khăn, đặc biệt là trong lĩnh vực giao thông. Hệ thống giao thông của địa phương chủ yếu còn yếu kém và thiếu thốn.

Để hoàn thành mục tiêu bê tông hóa 100% các trục đường thôn, UBND xã đã phối hợp với Ủy ban MTTQ và các đoàn thể tổ chức các buổi họp tuyên truyền, vận động người dân hiến đất và kinh phí cho việc xây dựng. Đồng thời, địa phương cũng đã kêu gọi sự chung tay của các doanh nghiệp, hộ kinh doanh và mạnh thường quân. Nhờ đó, xã đã huy động gần 10 tỉ đồng trong 3 năm để đầu tư xây dựng các tuyến đường giao thông nông thôn.

Điều đáng chú ý là xã Đắk Gằn có 4 bon và 1 bản, nơi đời sống của đồng bào còn nhiều khó khăn. Tình hình này đã khiến tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế tại địa phương rất thấp, gây lo ngại cho việc đạt tiêu chí số 15.1 về bảo hiểm y tế. Trước thực trạng này, chính quyền địa phương đã tổ chức lễ phát động toàn dân chung tay xây dựng nông thôn mới, kêu gọi các mạnh thường quân và doanh nghiệp tìm giải pháp hỗ trợ đồng bào về thẻ bảo hiểm y tế. Nhờ vậy, năm 2023, tỷ lệ người dân có thẻ bảo hiểm y tế tại xã Đắk Gằn đã gần đạt 100%.

leftcenterrightdel
 Một tuyến đường nông mới rất khang trang, sạch đẹp tại xã Thuận An (huyện Đắk Mil).

“Đó là những điểm nổi bật nhất của xã. Sự tham gia của người dân, doanh nghiệp và mạnh thường quân, cả trong lẫn ngoài địa bàn, đã cùng với chính quyền tạo nên sức mạnh trong xây dựng nông thôn mới. Nếu chỉ chờ vào ngân sách thì khó có thể đạt được mục tiêu”, ông Nguyên nhấn mạnh.

Tạo sinh kế cho người dân

Cũng tại huyện Đắk Mil, xã Thuận An nổi bật với nhiều thành tích xuất sắc trong phong trào xây dựng nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao. Là một trong hai xã đầu tiên của huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao vào năm 2023, Thuận An đã được công nhận vào tháng 6/2024, đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong quá trình phát triển.

Ông Trần Khắc Dũng, Chủ tịch UBND xã Thuận An nhấn mạnh, công tác tuyên truyền đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của người dân về trách nhiệm và quyền lợi trong việc xây dựng nông thôn mới. Ông Dũng cho biết: “Tuyên truyền hiệu quả đã giúp người dân có ý thức hơn trong việc tham gia đóng góp cho sự phát triển của xã”.

Để xác định lộ trình xây dựng nông thôn mới một cách khoa học, Chủ tịch UBND xã đã trực tiếp chỉ đạo các cán bộ, công chức phụ trách từng địa bàn phối hợp với các chuyên viên rà soát chi tiết mức độ đạt chuẩn của từng tiêu chí nông thôn mới. Qua đó, xã đã lập kế hoạch thực hiện và huy động nguồn lực hợp lý, nhằm đảm bảo nông thôn mới đi vào từng ngõ, từng nhà, mang lại cuộc sống ấm no cho người dân.

Bên cạnh đó, nhằm phát hiện và khắc phục kịp thời những yếu kém trong quá trình thực hiện, hàng năm, Ban Chỉ đạo và Ban Quản lý xã đã thành lập các đoàn kiểm tra, giám sát chặt chẽ. Qua công tác này, nhiều vấn đề đã được phát hiện và xử lý kịp thời, từ quản lý sử dụng vốn hỗ trợ đến tổ chức xây dựng nông thôn mới. Ông Dũng cho biết: “Chúng tôi đã chấn chỉnh tư duy nóng vội, huy động nguồn lực quá sức dân và ngân sách hay tư tưởng trì trệ trồng chờ, ỉ lại, chưa quyết tâm, quyết liệt trong chỉ đạo thực hiện các tiêu chí nông thôn mới. Đồng thời, nhân rộng, cổ vũ, những cách làm sáng tạo, phong trào tốt để nêu gương trong nhân dân”.

leftcenterrightdel
 Một góc trung tâm huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông. (Ảnh: Ngô Minh Phương)

Xã cũng tập trung chỉ đạo phát triển công nghiệp, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn. Nhiều công ty lớn đã đến và hoạt động hiệu quả, góp phần tạo ra nguồn lao động địa phương và thúc đẩy kinh tế xã hội...

Một trong những nội dung quan trọng, mang tính ổn định, bền vững trong xây dựng nông thôn mới là tập trung phát triển kinh tế hộ gia đình. Xác định đây là điều kiện cần thiết nhất làm động lực để thực hiện các tiêu chí khác, chính quyền xã Thuận An đã giao cho các ban, ngành, đoàn thể trong xã tạo điều kiện, hỗ trợ vốn để phát triển các mô hình phát triển kinh tế cho người dân. Từ đó, tạo sinh kế cho người dân, góp phần xóa đói giảm nghèo hiệu quả, bền vững.

Dưới sự chỉ đạo sâu sát của cấp ủy Đảng, sự nỗ lực của chính quyền địa phương và sự đồng tình, hưởng ứng của nhân dân, đến nay đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân đã có nhiều chuyển biến tích cực. Đời sống nhân dân cải thiện một cách rõ rệt.

Đặc biệt, kinh tế của xã Thuận An liên tục đạt tốc độ tăng trưởng cao, sản xuất nông nghiệp được quan tâm đầu tư phát triển mạnh, hình thành nhiều mô hình, vùng sản xuất cà phê ứng dụng công nghệ cao quy mô lớn gắn với liên kết tiêu thụ nông sản. Cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư xây dựng đồng bộ; thu nhập bình quân đầu người tăng. Trên địa bàn không có trọng điểm phức tạp về an ninh trật tự...

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Nông cho biết, trong giai đoạn vừa qua, HĐND, UBND, Ban Chỉ đạo và các sở, ban, ngành liên quan đã chủ động xây dựng và ban hành hơn 125 văn bản quy phạm pháp luật về cơ chế, chính sách và hướng dẫn nhằm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Dựa trên những văn bản pháp lý và hướng dẫn từ trung ương và tỉnh, các huyện, thành phố trong tỉnh đã nhanh chóng xây dựng và ban hành những quy định phù hợp với thực tế tại từng địa phương, đảm bảo việc triển khai chương trình diễn ra hiệu quả./.
  
Nguyễn Chính