Chuyển giới giữa “thập diện mai phục”

Trong quán café yên tĩnh, Hương kể cho tôi nghe hành trình của mình: “Năm học cấp 3, em bắt đầu tự hỏi mình là ai, em ghét bản thân mình, vì cảm thấy mình không giống ai. Em phát hiện thấy mình là con trai trong cơ thể của nữ giới. 

Em bắt đầu sống như một người con trai, cắt tóc ngắn và bày tỏ tình cảm với một bạn nữ, nhưng bạn ấy từ chỗ quý quay sang ghét em. Gia đình “giày xéo” em, bắt em sống như một nữ sinh nền nã. Em bỏ ra ngoài một tuần, đó là thời gian em sống thật với mình nhất. Em đỗ đại học nhưng không học và ra ngoài học kinh doanh, em tìm hiểu sâu về các bệnh chuyển hóa và vấn đề chuyển giới để chuẩn bị hành trình tìm lại chính mình”.

leftcenterrightdel

·        Lan Hương trước khi chuyển giới.

Lan Hương đã mất hai năm để suy nghĩ xem có cần chuyển đổi giới tính hay không? Ngày nào cũng đối diện với câu hỏi đó. Trong thời gian ấy, Lan Hương đã yêu một cô gái tốt nghiệp Học viện Báo chí và Tuyên truyền, họ cùng làm với nhau trong lĩnh vực  nhà hàng và chăm sóc sức khỏe cho những người mắc bệnh về chuyển hóa. Người yêu khuyên Hương không nên chuyển giới vì sợ ảnh hưởng sức khỏe. Nhưng khao khát được trở về với giới tính thật của mình đã khiến Hương quyết định tìm hormone.

Hương mua hormone nhập lậu của một bạn ở Hà Nội và tìm người tiêm hộ. Y tá, hộ lý không dám tiêm vì họ không biết nguồn gốc của thuốc. Một người có chuyên môn về ngành Y nhận lời tiêm giúp và dĩ nhiên họ sẽ không chịu trách nhiệm nếu xảy ra điều gì không hay. Mũi tiêm đầu tiên làm Hương choáng váng.

Cứ thế, 3 tuần một lần tiêm, Hương bắt đầu cảm nhận có những sự thay đổi lớn trong cơ thể mình như: mặt to ra, cơ bắp dày hơn, quần áo mặc không vừa nữa… Nguyễn Lan Hương đã mang ngoại hình của một thanh niên đẹp trai và cô đổi tên thành Hưng.

Hưng đưa cho tôi xem ảnh của mình thời còn là “Lan Hương”, Lan Hương có mái tóc dài, dày, nước da trắng, khác hẳn với Hưng tóc ngắn, gương mặt đầy chất nam tính hiện nay.

Từ “Lan Hương tới Hưng” là một “hành lộ nan” mà cô gái và bây giờ là chàng trai này phải tự làm bác sĩ cho chính mình. Hưng đã chuẩn bị rất kỹ các kiến thức về chuyển giới để làm chủ quá trình đó và có điều kiện đi xét nghiệm máu một tháng một lần xem nồng độ hormone trong máu để tự điều chỉnh. Nhưng xung quanh Hưng nhiều người chuyển giới đang gặp rất nhiều vấn đề khi tiêm hormone.

leftcenterrightdel
 Lan Hương sau khi chuyển giới đổi tên là Hưng

Có người bị hỏng gan, hỏng thận, có người bị liệt vì tiêm vào tĩnh mạch. Có người tiêm phải thuốc dởm tử vong tức tưởi. Có người đang tiêm hormone thì dừng lại hoặc 3 tháng mới tiêm một lần vì không có tiền mua thuốc. Có trường hợp bị sốc thuốc tim ngưng thở, có trường hợp bị áp-xe nặng phải uống kháng sinh điều trị. Trường hợp bị phun máu xảy ra rất nhiều tại điểm tiêm. Có trường hợp bị ngất xỉu.

Sau khi gặp được những người chuyển giới như mình, Hưng nhận thấy đó là cả một cộng đồng và họ đang phải đối mặt với rất nhiều vấn đề. Hưng chọn cách xuất hiện công khai, mình là người chuyển giới để giúp đỡ họ và cùng chung tay để thay đổi thực tế mà người chuyển giới vốn đang yếu thế lại ở giữa “thập diện mai phục”.

Hưng tâm sự với tôi: “Ở Việt Nam, luật chưa cho phép chuyển giới nên không có dịch vụ y tế chăm sóc sức khỏe. Họ không có hormone được nhập khẩu chính thức để tiêm, hormone thường lấy ở Thái Lan, theo nguồn hàng xách tay là chủ yếu. Nhiều khi, hormone cháy hàng là thuốc nhập về hết visa hoặc người xách tay không gom, đẩy giá thuốc lên cao.

Bình thường, giá hormone cho một lọ cao nhất là 170.000 đồng và khi cháy hàng có thể lên tới 250.000 đến 350.000 đồng, thậm chí còn cao hơn. Quá trình tiêm hormone sẽ xảy ra sự thay đổi dữ dội từ bên trong cơ thể, vì thế, họ rất cần được chăm sóc y tế.

Nhiều người chuyển giới bị suy giảm sức khỏe, ảnh hưởng tuổi thọ, và trầm cảm vì cảm thấy mình đơn độc, tự chịu mọi rủi ro.  Họ cũng không được tư vấn tâm lý. Trước hết là tư vấn xem có thực sự cần chuyển giới hay không, rồi sau đó nếu quyết định tiêm hormone thì họ sẽ phải trải qua rất nhiều vấn đề tâm lý khác nữa” .

leftcenterrightdel
 Việt Nam có khoảng 300.000 người có nhu cầu chuyển giới. Ảnh: Trần Đoàn, SN 1997 chuyển giới từ nam sang nữ. Ảnh zing.vn

Dự thảo Luật Chuyển giới vẫn đang “xếp hàng” chờ

Bác sĩ Trần Thế Trung – chuyên gia về nội tiết nhận định, vấn đề sử dụng hormonen tiêm vào cơ thể để chuyển giới được bán trên mạng hoặc “hàng xách tay từ Thái Lan” trong cộng đồng LGBT hiện nay cần được quan tâm đúng mức. Rất nhiều người đã bỏ qua nhưng cảnh báo về sức khỏe vì sự mong muốn chuyển đổi giới tính quá lớn, lớn hơn cả việc nghĩ đến tác hại lâu dài.

Việc sử dụng sản phẩm không rõ nguồn gốc, không có chỉ định, không được bác sĩ theo dõi, không đúng liều lượng có thể gây ra những nguy hiểm nghiêm trọng đến sức khỏe, có thể ảnh hưởng đến tính mạng.

leftcenterrightdel
 Người mẫu chuyển giới Hà Anh. Ảnh vietnamnet

Ths. Bs Ngô Hải Sơn, Khoa Phẫu thuật - Tạo hình - Thẩm mỹ (Bệnh viện Việt - Đức) cho biết, người chuyển giới để duy trì được hormone cơ thể, phải đối mặt với nhiều nguy cơ về sức khỏe. Khi sử dụng hormone nữ hóa, người chuyển giới sẽ có thể mắc sỏi mật, huyết khối tĩnh mạch, tăng men gan, tăng cân, bệnh lý tim mạch, tăng huyết áp, tăng prolactin máu… Trong khi đó, với hormone nam hóa sẽ là bệnh lý đa hồng cầu, rụng tóc, tăng cân, ngưng thở khi ngủ, tăng men gan, mỡ máu...

Bà Vũ Thị Thanh Nhàn, Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến phát triển cộng đồng (SCDI) cho hay, trong quá tiến hành khảo sát nhu cầu và thực trạng về cung cấp dịch vụ cho người chuyển giới tại Việt Nam, kết quả cho thấy, phần lớn người chuyển giới đều đã từng sử dụng các dịch vụ y tế như: uống hóc môn, phẫu thuật ngực, phẫu thuật bộ phận sinh dục… nhưng tất cả đều được thực hiện “chui”. Bởi vì pháp luật Việt Nam chưa cho phép chuyển giới và có những rào cản về sự kỳ thi từ cộng đồng nên họ hầu như không có cơ hội tiếp cận với các dịch vụ y tế công. Họ phải chấp nhận rủi ro đến tính mạng khi tìm đến các dịch vụ “chui” và sử dụng các thông tin không chính thống.

leftcenterrightdel

Hormone nhập lậu  mà người chuyển giới vẫn phải mua trên thị trường "chợ đen".

Năm 2015, cộng đồng người chuyển giới đã lên tiếng để quyền của người chuyển giới được thừa nhận trong bộ Luật Dân sự. Họ chia sẻ: “Người chuyển giới ở Việt Nam không được pháp luật thừa nhận, không được quyền chuyển đổi giới tính, không được thay đổi họ tên, giới tính trên giấy tờ. Vì muốn được sống đúng với giới tính của mình, hàng trăm nghìn người chuyển giới đang liều mình sử dụng hormone mà không có bác sỹ theo dõi điều trị, và trong số đó, có những người không may đã tử vong. Rất nhiều người chuyển giới đang liều mình phẫu thuật chui ở các bệnh viện thẩm mỹ trong nước để rồi sau đó phải chịu hậu quả phẫu thuật hỏng, hoại tử một phần cơ thể, bị bệnh viện, bác sỹ lừa đảo, tiền mất tật mang”. Trước những đòi hòi có thực về giới tính thứ 3 đang tồn tại ở Việt Nam,  Bộ luật Dân sự  năm 2015 đã sửa đổi và đề cập đến quyền được xác định lại danh tính, thay đổi họ tên, giới tính  theo luật định  và đã có hiệu lực từ ngày  1/1/2017.

Ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cho biết, hiện nay, theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới, Việt Nam có khoảng 300.000 - 500.000 người chuyển giới. Tuy nhiên, nước ta chưa có cơ chế pháp lý để công nhận chuyển đổi giới tính.

Tểnên thế giới đã có 71 quốc gia ban hành luật này. Hệ lụy là nhiều người chuyển giới thường tự mua hormone qua đường xách tay, qua mạng internet, liều dùng do họ tự ấn định… Đó là sự thiệt thòi lớn đối với cộng đồng người chuyển giới tại Việt Nam. Vì vậy, việc ban hành Luật chuyển đổi giới tính thực sự rất cần thiết hiện nay. 

Năm 2016, Chính phủ đã phân công Bộ Y tế soạn thảo dự luật này,  tuy nhiên, đến nay sau 3 năm, Dự luật này vẫn chưa được trình lên Quốc hội.  Bộ Y tế đã hoàn thiện đầy đủ các hồ sơ thủ tục theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật để đưa dự thảo Luật Chuyển đổi giới tính trình Quốc hội trong thời gian tới. Tuy nhiên, cùng thời điểm này, Bộ cũng đang trình lên Quốc hội 4 dự luật khác, nên Dự thảo Luật Chuyển đổi giới tính vẫn còn đang trong giai đoạn “xếp hàng”.

Vì vậy, đến nay, quyền của cộng đồng người chuyển giới đã được công nhận trong Luật Dân sự năm 2015 vẫn chưa được hiện thực hoá sau 4 năm. Thêm một ngày chờ đợi, hành trình tìm lại chính mình của những người chuyển giới sẽ thêm đau đớn và nguy hiểm.

Thanh Nguyễn