Những tưởng dịch bệnh COVID -19 đã được đẩy lùi khi công tác phòng dịch đã được giữ vững 99 ngày không có ca lây nhiễm mới trong cộng đồng, thế nhưng  bất ngờ ngày  25/7, Bộ Y tế chính thức công bố bệnh nhân COVID-19 thứ 416 của Việt Nam tại thành phố Đà Nẵng.

Ngay từ chiều tối 25/7, Thiếu tướng Vũ Xuân Viên - Giám  đốc Công an TP Đà Nẵng đã triệu tập liên tiếp nhiều cuộc họp khẩn để chỉ đạo công tác phòng, chống dịch, bám sát tình hình dịch bệnh. 

Thực hiện chỉ đạo của Giám đốc Công an TP Đà Nẵng, tại các địa quận có ca nhiễm bệnh, 100% cán bộ chiến sĩ đã được huy động để phục vụ công tác phòng chống dịch COVID-19.

Công an các quận, huyện chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng (y tế, công thương…) đảm bảo an ninh trật tự  trên địa bàn, lưu ý các khu vực cách ly tập trung. Tập trung rà soát các đối tượng người nước ngoài nhập cảnh trái phép, số không khai báo tạm trú trên địa bàn. Phối hợp với các đơn vị chức năng của UBND các quận, huyện và Sở Y tế tiến hành cách ly tập trung tại các cơ sở lưu trú, lấy mẫu xét nghiệm các đối tượng. Đồng thời, công khai thông tin về người nước ngoài nhập cảnh trái phép theo quy định…

leftcenterrightdel
 Thực hiện chỉ đạo của Giám đốc Công an TP Đà Nẵng, tại các địa quận có ca nhiễm bệnh, 100% cán bộ chiến sĩ đã được huy động để phục vụ công tác phòng chống dịch COVID-19.

Ngay sau khi có chỉ đạo của TP về triển khai các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng đối với các quận và phong tỏa 3 bệnh viện lớn cùng các tuyến đường xung quanh, lực lượng Công an Đà Nẵng  đã nhanh chóng vào cuộc một cách quyết liệt. 

Khối lượng công việc của các chiến sĩ gần như tăng lên gấp đôi khi phải song song hai nhiệm  bảo đảm an ninh trật tự, tuần tra kiểm soát cũng như tăng cường phòng, chống COVID-19.

Thêm một bệnh nhân mới phát hiện, lại thêm địa điểm phải cách ly và những cán bộ chiến sĩ công an lại căng mình làm nhiệm vụ. Đã nhiều tuần nay, hình ảnh những chiến sĩ công an đi từng ngõ, gõ từng nhà để điều tra dịch tễ, lập danh sách các trường hợp F1, F2, hỗ trợ ngành Y tế cách ly, lấy mẫu xét nghiệm theo quy định đã trở nên quen thuộc với người dân.

Địa bàn phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà, nơi có  đến 54 chung cư, 80 cơ sở cho thuê lưu trú trên địa bàn phường. Đồng hành cùng người dân tại đây chính là các chiến sĩ Công an, dân quân tự vệ và lực lượng y tế.

leftcenterrightdel
 Khối lượng công việc của các chiến sĩ gần như tăng lên gấp đôi khi phải song song hai nhiệm  bảo đảm an ninh trật tự, tuần tra kiểm soát cũng như tăng cường phòng, chống COVID-19.

Đại úy Tô Đức Anh (SN 1985, Công an phường Nại Hiên Đông) cho biết, Nại Hiên Đông đang là địa phương có nhiều chốt chặn. Đặc biệt, đây là khu vực có ca mắc COVID-19 vào loại số nhiều tại Đà Nẵng, nguy cơ bùng phát và lây lan nhanh do đó áp lực công việc của lực lượng phòng chống dịch rất lớn.

Lực lượng Công an phường Nại Hiên Đông thường xuyên cập nhật thông tin dữ liệu thông tin dân cư, duy trì lực lượng 8394 tuần tra kiểm soát và bảo đảm tiến độ báo cáo tình hình an ninh trật tự, phòng, chống COVID-19 trên địa bàn cho UBND phường và Công an quận Sơn Trà.

Cùng với đó, lực lượng công an quận, phường cũng  thường xuyên phối hợp kiểm tra, kiểm soát vấn đề người nước ngoài nhập cảnh và lưu trú trái phép với tuần suất 10 ngày/lần. Qua đó, đã có ghi nhận trường hợp người Trung Quốc lưu trú không có hộ chiếu.

“Hành vi của các cơ sở này khá tinh vi, bên ngoài đóng cửa ngưng hoạt động nhưng bên trong âm thầm chứa người, chính vì thế mà lực lượng công an và các đơn vị khác phải phối hợp rà soát liên tục”, Đại úy Tô Đức Anh cho hay.

leftcenterrightdel
 Thêm một bệnh nhân mới phát hiện, lại thêm địa điểm phải cách ly và những cán bộ chiến sĩ công an lại căng mình làm nhiệm vụ.

Phải tận mắt chứng kiến công việc bộn bề của những người lính mới thấu hiểu hết nỗi gian truân, sự hy sinh cống hiến của họ.

Bão số ba ảnh hưởng đến Đà Nẵng bằng những cơn mưa như trút nước. Hơn 1h sáng, tại chốt kiểm soát người và phương tiện ra vào thành phố ở đường dẫn phía nam hầm Hải Vân (phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu), Đại úy Nguyễn Lương Nam (SN 1989, Đội Cảnh sát giao thông, Công an quận Liên Chiểu) cùng đồng đội vẫn đang kiểm tra giấy tờ xe và hướng dẫn các tài xế khai báo y tế tại chỗ.

“Những chiến sĩ chúng tôi gặp, đều chung một mong muốn, đó là sự chấp hành nghiêm, ý thức tốt của người dân trong việc phòng, chống dịch bệnh. Làm việc xuyên đêm, có thể sẽ buồn ngủ, mưa, lạnh, mệt, nhưng anh em tổ công tác vẫn động viên nhau hoàn thành nhiệm vụ. Bởi, chỉ cần lọt, bỏ sót một trường hợp nào ra-vào thành phố thôi thì dịch bệnh sẽ diễn biến phức tạp hơn rất nhiều”, Đại úy Nam cho biết.

Những suất cơm ăn vội vã, rồi nhanh chóng vào ca trực, đội nắng, đội mưa để chốt điểm, kiểm tra dịch bệnh… đồng thời liên tục cập nhật thông tin mới, nhiệm vụ mới qua mạng xã hội …Và các anh – những chiến sĩ lại sẵn sàng có mặt tại địa bàn vào bất cứ thời điểm nào. Nhiệm vụ tưởng chừng như đơn giản nhưng đợt ứng trực chống dịch này có những cán bộ chiến sỹ   nhà gần đơn vị nhưng nhiều tuần liền chưa được về nhà.

leftcenterrightdel
 Thiếu úy Nguyễn Đức Khánh Tùng sợ nguy cơ lây cho vợ và con nên chỉ dám về nhà đứng từ ngoài, vẫy chào 2 mẹ con qua ô cửa kính.

3 tuần tham gia công tác chống dịch là ngần ấy thời gian Thượng úy Đặng Minh (SN 1989, Công an phường Hòa Thuận Tây, quận Hải Châu) không về nhà. Đối với anh và đồng nghiệp, bận trực, công tác đợt xuất, xa nhà là chuyện nhiều như cơm bữa, nhưng trong “trận chiến” này  dù nhà chỉ cách vài km nhớ con, nhớ vợ cũng chưa thể về vì còn nhiệm vụ…

Sau khi khu vực quanh đoạn đường Trung Nữ Vương ghi nhận 1 ca dương tính, 1 ca nghi nhiễm với SARS-Cov-2 và chưa xác định được nguồn lây trong cộng đồng, anh Minh vội về nhà chuẩn bị ít đồ đạc cá nhân, tạm biệt vợ con rồi tới địa điểm chốt trực nhận nhiệm vụ .

“Chúng tôi làm nhiệm vụ suốt 3 tuần qua, thật sự đều có nguy cơ lây nhiễm bởi có khả năng tiếp xúc nhiều mầm bệnh. Hôm vừa rồi ngày 16/8 là sinh nhật con gái tôi, nhưng cũng chỉ có thể gọi điện, nhắn tin chúc mừng con qua điện thoại, qua những cuộc gọi video. Cũng rất muốn về nhà chúc mừng sinh nhật, tặng quà cho con, nhưng công việc không cho phép mình về và bản thân càng không dám về. Bản thân mình có thể là F1, F2 bất cứ lúc nào. Về nhà lỡ lây cho ai cũng rất nguy hiểm. Nên có nhớ gia đình cũng ráng tập trung trấn an mình và người thân để an tâm làm nhiệm vụ”, anh Minh chia sẻ.

leftcenterrightdel
 “Đánh thăng trận này, việc đầu tiên mình muốn làm là sẽ đưa các con ra ngoài đi dạo chơi, cùng vợ con ăn một bữa cơm an lành.” – đại úy Tô Đức Anh chia sẻ. 

Đại úy Tô Đức Anh cho biết, tính đến ngày 17/8, địa bàn phường Nại Hiên Đông đã ghi nhận 102 trường hợp F1 và 12 F0, cũng như khá nhiều F2, F3, F4. Xác định bản thân tiếp xúc nhiều mà, nguy cơ lây nhiễm cao nên anh không về nhà thăm.

Anh có 2 đứa con sinh đôi, 1 trai, 1 gái. Năm nay, 2 bé tròn 7 tuổi, ngày nào cũng thắc mắc “Sao ba đi miết, đi mãi?”. “Con hỏi ba suốt, sáng sớm ngủ dậy không thấy ba ở nhà là hỏi liền. Khi ấy, chỉ nói với con là “ba bận” rồi động viên con ở nhà ngoan với mẹ”, Đại úy Anh kể lại.

 “Đánh thắng trận này, việc đầu tiên mình muốn làm là sẽ đưa các con ra ngoài đi dạo chơi, cùng vợ con ăn một bữa cơm an lành.” – Đại úy Anh chia sẻ.

“Nhớ mà không thể về”, đó là tâm trạng chung của tất thảy chiến sĩ công an đang “căng sức” cho công tác phòng, chống COVID-19. Tuy nhiên dù nhớ nhà, dù công việc có vất vả, nguy hiểm, nhưng những người hùng trong tuyến đầu tham gia chống dịch vẫn luôn nỗ lực hết mình, xác định tư tưởng sẵn sàng tham gia cuộc chiến chống COVID-19 đến cùng bởi họ biết phía sau họ gia đình, đồng đội, chính quyền, người dân vẫn luôn là hậu phương vững chắc…

 Lăn xả làm nhiệm vụ có lúc 24/24 tại các “điểm nóng” trên 1 địa bàn đã có ca mắc COVID-19 và nhiều F1 đã bị cách ly, khoản thời gian Thiếu úy Nguyễn Đức Khánh Tùng (SN 1991, Công an xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang)  dành cho gia đình, chăm sóc trò chuyện vì thế cũng ít ỏi hơn. Nỗi nhớ vợ, thương con phần nào nguôi ngoai trong những lần hiếm hoi anh chạy về nhà ăn cơm và lấy đồ đạc.

leftcenterrightdel
 Sinh nhật lần thứ 32 của Trung uý Nguyễn Thị Thu Thành - Y sĩ của Bệnh xá Công an TP Đà Nẵng giữa tâm dịch (ảnh: TS)

Hiểu được cho tính chất công việc của chồng, vợ anh - chị Nguyễn Thị Hoài Thương (SN 1995) luôn cố gắng chăm lo gia đình, động viên chồng hoàn thành nhiệm vụ, chung tay cùng cả nước  đẩy lùi dịch bệnh.

“Bé con thương ba lém. Mỗi lần thấy ba về là đưa tay đòi ba bế. Ảnh thì sợ nguy cơ lây cho mình và con, nên lần nào về cũng chỉ ăn cơm một mình và vẫy chào 2 mẹ con qua ô cửa kính. Thương lắm. Nhưng chỉ biết động viên chồng yên tâm công tác, là hậu phuong vững chắc cho chồng!”.

Trung uý Nguyễn Thị Thu Thành - Y sĩ của Bệnh xá Công an TP Đà Nẵng được điều động nhận nhiệm vụ chăm sóc cho các cán bộ, chiến sĩ Công an TP Đà Nẵng đang cách ly bởi trong quá trình làm nhiệm vụ, các đồng chí đã tiếp xúc với các trường hợp mắc COVID-19.

Ngày 4/8, một ngày làm nhiệm vụ bận rộn như bao ngày nhưng cũng là sinh nhật của nữ y sĩ 32 tuổi.

Sinh nhật lần thứ 32 của chị Thành không ở cạnh người thân, đặc biệt là không có 2 con đón sinh nhật cùng như hàng năm. Cũng không có nến, không có hoa, không có bánh sinh nhật, chỉ có 1 cái bánh nhỏ trên đó cắt vội con số '32', có thêm ít đồ ăn tận dụng những thứ đang có tại trung tâm với dòng chữ được đánh máy cẩn thận ngay ngắn: 'Chúc mừng sinh nhật Thu Thành'.

Đồng nghiệp ngồi xung quanh, đeo khẩu trang, cách chị 2m theo đúng quy định 'giãn cách xã hội' bằng nhưng đối với Trung uý Nguyễn Thị Thu Thành - Y sĩ của Bệnh xá Công an TP Đà Nẵng là bữa tiệc đáng nhớ, thắm tình đồng đội.

leftcenterrightdel
Từ những chỉ đạo quyết liệt, kịp thời của Lãnh đạo Bộ Công an đến những hành đồng nhỏ bé nhưng thiết thực của mỗi cán bộ chiến sỹ công an tại cơ sở đã tạo niềm tin, sự quyết tâm đồng lòng chung tay đẩy lùi dịch bệnh của mỗi người dân.

Tiếp đó là sự đồng thuận của người dân trong việc chia sẻ, ủng hộ lực lượng làm nhiệm vụ nơi tuyến đầu. Sự đồng thuận ấy, chính là tình quân dân. Những ngày ở chốt trực, Thượng úy Đặng Minh vẫn nhớ mãi ly chè đậu xanh nóng hổi, ly cà-phê thơm lừng, cái bánh ngọt hay chai nước tiếp tế từ bà con khu phố. Đó có thể là ly cà-phê từ một cửa tiệm phải  đóng cửa tránh dịch, là chai nước suối gửi vội từ một người dân đi ngang chốt.

 Dấu ấn của lực lượng công an trong cuộc chiến chống dịch COVID-19 rất đậm nét. Từ những chỉ đạo quyết liệt, kịp thời của Lãnh đạo Bộ Công an đến những hành động nhỏ bé nhưng thiết thực của mỗi cán bộ chiến sỹ công an tại cơ sở đã tạo niềm tin, sự quyết tâm đồng lòng chung tay đẩy lùi dịch bệnh của mỗi người dân.

Lê Tâm