Theo đó, do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường kết hợp đới gió đông trên cao nên từ đêm 22 đến ngày 24/10, các tỉnh miền trung xảy ra đợt mưa lớn diện rộng. Trong đó, tại hai tỉnh miền trung là Quảng Nam, Quảng Ngãi, mưa lớn kết hợp với thủy điện xả lũ khiến hơn 16.000 nhà dân bị ngập sâu trong nước, hàng ngàn người dân phải khăn gói sơ tán và nhiều tuyến giao thông như tỉnh lộ, quốc lộ, đường sắt, cao tốc lâm vào tình trạng bị chia cắt.
Theo báo cáo nhanh từ Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Ngãi, đến sáng ngày 25/10, toàn tỉnh đã ghi nhận 1 người chết, 3 người mất tích do mưa lũ, hàng chục ngàn ha hoa màu của người dân bị thiệt hại; 10.944 nhà dân bị ngập sâu từ 1-2 m.
Ở TP Quảng Ngãi, mưa lũ cũng làm nhiều tuyến đường bị ngập sâu, các hoạt động đều bị ngưng trệ. Tuyến đường quốc lộ bị sạt lở 34 vị trí với tổng khối lượng sạt lở 3.754m3; 5.500m2 mặt đường bị hư hỏng. Sạt lở xuất hiện khắp nơi ở các xã vùng cao, vùng sâu tại các huyện miền núi gây chia cắt hàng ngàn hộ dân...
Tình hình mưa lũ diễn biến phức tạp cũng khiến khu vực giữa hai ga Núi Thành và Trì Bình (Quảng Ngãi) bị sạt lở, nền đường sắt bị khoét sâu với chiều dài đoạn hư hỏng hơn 40 m. Hàng trăm hành khách trên các chuyến tàu đến ga Tam Kỳ bị kẹt lại.
|
|
Do ảnh hưởng của mưa lớn kéo dài nhiều ngày qua, khiến một số nơi ở các tỉnh miền trung bị ngập sâu, giao thông chia cắt. (ảnh: ĐB) |
Tại Quảng Nam, ảnh hưởng mưa, lũ khiến một người bị mất tích, 5.373 ngôi nhà thuộc các huyện Núi Thành, Thăng Bình, Phú Ninh; TP Tam Kỳ và Hội An chìm trong biển nước, diện tích hoa màu bị thiệt hại là 97,1 ha; 150 ha diện tích nuôi trồng thủy sản bị sạt lở và 2,5 ha ao nuôi trồng thủy sản bị ngập ở huyện Núi Thành; 2 ha cỏ chăn nuôi và một số nhà dân bị sạt lở… Nhiều khu vực tại các huyện vùng cao như Bắc Trà My, Nam Trà My cũng bị nước lũ chia cắt. Một vụ sạt lở đất tại xã Trà Mai, huyện Nam Trà My khiến ít nhất 6 ngôi nhà bị hư hỏng. Tuyến quốc lộ 1 đi qua địa phận tỉnh Quảng Nam ngập sâu, các phương tiện chưa thể lưu thông.
Tại tỉnh Thừa Thiên - Huế, một số vùng thấp trũng ở Quảng Điền, Phong Điền vẫn còn ngập lụt. Mưa lớn trong những ngày qua đã khiến tình trạng sạt lở taluy âm tại Km12+900 tuyến quốc lộ 1 lên đỉnh Bạch Mã, huyện Phú Lộc càng nghiêm trọng với chiều dài 55m, sâu hơn 50m.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, vùng áp thấp trên vùng biển phía Đông khu vực giữa và Nam biển Đông đã mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới vào chiều ngày 24/10.
Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40 - 50 km/giờ), giật cấp 8. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 80 km tính từ tâm áp thấp nhiệt đới. Trong 24h tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 10 - 15 km và có khả năng mạnh lên thành bão.
Dự báo mưa lớn từ ngày 26/10 đến hết ngày 27/10, ở khu vực từ Thừa Thiên Huế đến Bình Thuận, Tây Nguyên và miền Đông Nam Bộ có mưa to đến rất to. Từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi, Bình Thuận, Bắc Tây Nguyên và miền Đông Nam Bộ lượng mưa từ 100 - 200 mm, có nơi trên 200 mm; Từ Bình Định đến Ninh Thuận và Nam Tây Nguyên 150 - 250 mm, có nơi trên 300 mm.
Từ ngày 27 đến ngày 30/10, khu vực Bắc Trung Bộ, Trung Trung Bộ có mưa to, có nơi mưa rất to do ảnh hưởng của không khí lạnh và nhiễu động gió Đông.