Theo UBND huyện Đại Từ, hiện nay, loại hình đầu tư xây dựng trại chăn nuôi heo có quy mô lớn đang có xu hướng phát triển mạnh trên địa bàn huyện, mặt khác trong thời gian qua, nhiều trang trại chăn nuôi heo chưa thực hiện nghiêm túc các biện pháp xử lý chất thải theo đúng nội dung của báo cáo tác động môi trường, xử lý chất thải không đạt quy chuẩn cho phép, gây ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến tình hình sinh hoạt, sức khỏe của người dân.Vì vậy, công tác Bảo vệ môi trường liên quan đến hoạt động chăn nuôi luôn được địa phương quan tâm. Đặc biệt, thực hiện quyết định số 430/QĐ-UBND ngày 24/2/2021 của UBND tỉnh Thái Nguyên về việc phê duyệt Đề án tăng cường quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, huyện Đại Từ đã chú trọng kiểm tra, nhắc nhở chủ cơ sở chăn nuôi thực hiện nghiêm quy định về BVMT, vệ sinh thú y, phòng-chống dịch bệnh.

leftcenterrightdel
Kế hoạch số 78KH-UBND của UBND huyện Đại Từ về việc Kiểm tra việc thực hiện công tác quản lý nhà nước về trang trại chăn nuôi - chấp hành quy định pháp luật tại các trại chăn nuôi trên địa bàn huyện năm 2021. 

Mới đây nhất, UBND huyện Đại Từ đã ban hành Kế hoạch số 78/KH-UBND ngày 29/3/2021 về việc Kiểm tra việc thực hiện công tác quản lý nhà nước về trang trại chăn nuôi; chấp hành quy định pháp luật tại các trại chăn nuôi trên địa bàn huyện Đại Từ năm 2021. Thời gian kiểm tra trong tháng 4/2021, trong đó việc kiểm tra tập trung vào các hồ sơ pháp lý có liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh, hồ sơ đất đai, hồ sơ bảo vệ môi trường được phê duyệt, các công trình bảo vệ môi trường đã xây dựng, kết quả quan trắc định kỳ của các trang trại; Kiểm tra thực tế tại cơ sở đối với việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, tài nguyên nước, quy định về điều kiện chăn nuôi, kê khai hoạt động chăn nuôi, sử dụng thức ăn, thuốc thú y chăn nuôi đối với các trang trại chăn nuôi, việc xây dựng các công trình bảo vệ môi trường, các biện pháp bảo vệ môi trường trong quá trình hoạt động, việc sử dụng đất đai của các trang trại chăn nuôi trên địa bàn, việc thực hiện kê khai chăn nuôi,… Qua đó, đánh giá việc chấp hành các quy định về bảo vệ môi trường của các cơ sở chăn nuôi, đồng thời phát hiện và xử lý những trường hợp cố tình vi phạm.

Ông Nguyễn Nam Tiến, phó Chủ tịch UBND huyện Đại Từ cho biết: “Hầu hết các cơ sở chăn nuôi trên địa bàn huyện đều nằm xa khu dân cư. Tuy vậy, UBND huyện vẫn thường xuyên tuyên truyền, vận động, khuyến khích hộ chăn nuôi xây dựng chuồng trại hợp vệ sinh, xây dựng hệ thống xử lý chất thải, sử dụng đệm lót sinh học. Đồng thời, giới thiệu cho người dân một số chế phẩm sinh học để xử lý chất thải nhằm giảm mùi hôi. Riêng đối với các hộ chăn nuôi quy mô lớn phải có báo cáo đánh giá tác động môi trường và tất cả phải xây dựng hầm biogas để xử lý chất thải. Nếu không thực hiện sẽ áp dụng chế tài xử phạt”.

leftcenterrightdel
Chăn nuôi trang trại vừa đảm bảo an toàn dịch bệnh, vừa bảo vệ môi trường. 

Để đảm bảo vệ sinh môi trường và chăn nuôi theo hình thức liên kết chuỗi giá trị, thời gian tới, huyện Đại Từ đẩy mạnh khuyến cáo các hộ nuôi giảm nhanh chăn nuôi nhỏ lẻ trong khu dân cư, tập trung phát triển trang trại quy mô vừa và lớn nằm trong vùng quy hoạch. Đồng thời, thường xuyên kiểm tra, giám sát công tác Bảo vệ môi trường đối với các trang trại nuôi lợn đã đi vào hoạt động, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về Bảo vệ môi trường, tham mưu đình chỉ hoạt động đối với các cơ sở gây ô nhiễm môi trường theo quy định của pháp luật. Kiểm tra đôn đốc các cơ sở chăn nuôi phải hoàn thiện đầy đủ các thủ tục, hồ sơ về môi trường, các cơ sở chăn nuôi mới đầu tư trước khi hoạt động chính thức phải được xác nhận hoàn thành các công trình Bảo vệ môi trường.

Trọng Tài