Tham dự lễ hội có lãnh đạo tỉnh Hải Dương cùng đông đảo phật tử, người dân trong tỉnh và du khách thập phương về dự lễ dâng hương.
Di tích quốc gia đặc biệt đền Cao An Phụ, thờ An Sinh vương Trần Liễu (sinh năm 1211), là con trưởng của Thượng Hoàng Trần Thừa. Ông được vua Lý Huệ Tông gả công chúa Thuận Thiên và phong là Phò mã Đô Úy.
Năm 1237, triều đình cắt đất các xã An Phụ (nay thuộc Kinh Môn), An Dưỡng, An Sinh, An Hưng, An Bang (nay thuộc Uông Bí, Quảng Ninh) ban cho ông làm thực ấp và phong tước An Sinh vương.
Đức Thánh An Sinh Vương Trần Liễu là thân phụ của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn – người ba lần lãnh đạo quân ta đánh tan quân Nguyên Mông, giữ vững nền độc lập dân tộc. Tháng 4 âm lịch năm Tân Hợi (1251), An Sinh Vương tạ thế tại phủ đệ An Phụ. Vua Trần Thái Tông truy phong tước Khâm Minh Đại Vương, sắc chỉ cho nhân dân lập đền thờ trên núi An Phụ.
|
|
Ông Nguyễn Mạnh Hiển - Bí thư Tỉnh uỷ Hải Dương đánh trống khai hội |
Năm 1992, Di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh Đền Cao An Phụ được xếp hạng là Di tích cấp quốc gia. Ngày 22/12/2016, khu di tích An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương đã được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng xếp hạng quần thể di tích quốc gia đặc biệt.
|
|
Văn tế Đức Thánh An Sinh vương Trần Liễu |
Lễ tưởng niệm 768 năm Ngày mất An Sinh vương Trần Liễu gồm phần lễ và phần hội. Các hoạt động trong phần lễ gồm: Diễn văn cung tuyên thân thế, sự nghiệp của An Sinh vương Trần Liễu; sau văn tế, các đại biểu và du khách thập phương dâng hương tưởng niệm An Sinh vương Trần Liễu và rước lễ vật; nghi lễ trì trú niệm Phật; lễ rót đồng đúc chuông.
Phần hội có các nội dung: Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ người Việt; hát chèo, hát dân ca.
Tọa lạc giữa hai đỉnh cao nhất của dãy núi An Phụ là ngôi chùa Tường Vân cổ kính (tục gọi là chùa Cao), trong quần thể di tích quốc gia đặc biệt: An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương. Chùa Tường Vân được xây dựng từ thời Trần. Theo sử sách ghi lại, trước kia chùa có quả chuông rất lớn, trải qua biến cố lịch sử và thiên nhiên phong hoá nay chuông đã không còn, mặc dù chùa đã nhiều lần trùng tu tôn tạo.
Nhân dịp Lễ tưởng niệm 768 năm Ngày mất An Sinh vương Trần Liễu (1251-2019), UBND huyện Kinh Môn đã tiến hành đúc chuông chùa ngay trong khuôn viên khu di tích dưới sự chứng kiến của các đại biểu cùng phật tử chùa Tường Vân và du khách thập phương.
Chuông chùa được đúc bằng đồng đỏ nặng 1,1 tấn, cao 1,8m, đường kính 1,1m. Chuông làm theo mẫu chuông chùa Vân Bản (Đồ Sơn, Hải Phòng), là mẫu chuông bố cục trang trí đẹp, có niên đại thế kỉ 13 - 14 là thời nhà Trần, cũng là thời kỳ phát triển của chùa Tường Vân.
Việc đúc chuông chùa Tường Vân nhằm bảo tồn, tôn vinh, phát huy các giá trị của quần thể di tích quốc gia đặc biệt An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương, đặc biệt là kế thừa tinh hoa nghệ thuật đúc chuông cổ truyền kết hợp với đúc chuông hiện đại để bảo tồn, tôn vinh các giá trị văn hóa Phật giáo.
|
|
Quang cảnh lễ đúc chuông chùa Tường Vân |
Ông Phạm Hữu Quân - Trưởng Ban Quản lý di tích Kinh Môn cho biết: Lễ dâng hương tưởng niệm An Sinh vương Trần Liễu và đại lễ đúc chuông chùa Tường Vân là sự kiện văn hóa quan trọng của huyện Kinh Môn, nhằm thể hiện sự tri ân sâu sắc của thế hệ hôm nay với công lao của lớp cha ông đi trước, những giá trị nổi bật về lịch sử, văn hóa.